Còn được gọi là thử nghiệm kẹo dẻo Stanford, đây là bài kiểm tra phổ biến cho trẻ em. Chúng được dẫn vào căn phòng chứa kẹo dẻo. Nếu chờ trong 15 phút mà không ăn viên kẹo được đặt trong phòng, chúng sẽ được tặng viên kẹo thứ 2 và có thể ăn hết.
Theo Science Alert, một nhóm nhà khoa học đại diện bởi Alexandra Schnell, nhà nghiên cứu về tập tính sinh học từ Đại học Cambridge (Anh), đã chỉnh sửa bài kiểm tra trên, đặt 6 con mực nang vào bể nước gồm 2 buồng kín, cửa trong suốt. Phía trong là một con tôm thương phẩm (prawn) không được mực ưa thích và tôm đồng (grass shrimp).
Các nhà khoa học cho thấy mực nang có thể tự kiểm soát bản thân, chờ đợi để ăn được con mồi ngon. Ảnh: PA. |
Trên cánh cửa là dấu hiệu để phân biệt. Dấu tròn có nghĩa cánh cửa được mở lập tức, dấu tam giác nghĩa là cửa sẽ mở sau 10-130 giây. Trong môi trường kiểm soát, dấu vuông được sử dụng cho cánh cửa không bao giờ mở.
Trong điều kiện thử nghiệm, con tôm thương phẩm được đặt sau cánh cửa được mở, còn cửa chứa tôm đồng chỉ được mở sau một thời gian. Nếu bầy mực di chuyển vào cửa chứa tôm thương phẩm, con tôm đồng sẽ bị loại bỏ ngay lập tức. Trong khi với điều kiện được kiểm soát, com tôm đồng được đặt phía sau cánh cửa có biểu tượng hình vuông, không bao giờ mở.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy 6 con mực nang đều chờ đến khi cửa chứa tôm đồng được mở (biểu tượng tam giác), nhưng sẽ từ bỏ trước cửa có biểu tượng hình vuông (không bao giờ mở).
“Trong nghiên cứu, những con mực nang có thể chờ 50-130 giây để lấy con tôm ngon hơn, bằng với những động vật có xương sống kích thước lớn như tinh tinh, quạ hay vẹt”, Schnell cho biết.
Phần thứ 2 của nghiên cứu liên quan đến khả năng học hỏi của 6 con mực. Chúng được cho nhìn 2 biểu tượng khác nhau, hình vuông màu xám và màu trắng. Khi đến gần một biểu tượng, lựa chọn còn lại sẽ bị loại bỏ. Nếu lựa chọn đúng biểu tượng, chúng sẽ nhận được thức ăn.
Khi những con mực biết biểu tượng ứng với phần thưởng, các nhà nghiên cứu lại thay đổi phần thưởng sang biểu tượng còn lại. Kết quả cho thấy những con mực nhận biết sự thay đổi cũng là các con sẵn sàng chờ lâu hơn để được ăn tôm đồng trong thử nghiệm trước.
Từ kết quả, các nhà nghiên cứu nhận định những con mực nang có thể tự kiểm soát bản thân. Trong khi những loài như vẹt, linh trưởng hay quạ, việc chờ đợi con mồi liên quan đến nhiều yếu tố như công cụ kiếm ăn, tập tính tích trữ và năng lực xã hội, các nhà nghiên cứu cho rằng khả năng chờ đợi mồi ngon của mực có thể liên quan đến cách kiếm ăn của chúng.
“Mực nang dành phần lớn thời gian ngụy trang, bất động và chờ đợi”, Schnell cho rằng cách kiếm ăn nhẫn nại, bên cạnh việc bình tĩnh ẩn mình trước các loài ăn thịt giúp mực nang có thể tự kiểm soát bằng cách chờ đợi để kiếm được mồi ngon.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu muốn xác định liệu mực nang có thể lập kế hoạch kiếm ăn hay không.