Theo Arstechnica, David Cox, Giáo sư từ Viện Công nghệ Massachusett (MIT) tìm thấy tên mình trên hai báo cáo khoa học dù không hề tham gia nghiên cứu. Tên ông được liệt kê vào hàng tác giả cùng với ba nhà nghiên cứu Trung Quốc xa lạ.
“Sau đó tôi mở tệp pdf và thấy hình ảnh của chính mình”, ông nói.
Hai báo cáo khoa học xuất bản trên tạp chí Cluster Computing, đề cập đến phương pháp học máy bảo vệ di động khỏi các cuộc tấn công mạng, và phác thảo sơ đồ mạng lưới cho hệ thống giao thông thông minh ở Ma Cao.
Giáo sư Cox cho rằng đây cách làm tăng cơ hội nghiên cứu được xuất bản, cũng như vị thế học thuật của tác giả. "Các học giả ở Trung Quốc sẽ được thưởng tiền khi có nghiên cứu xuất bản cùng nhà khoa học uy tín phương Tây", ông nói.
Nhiều báo cáo xuất bản lần đầu tiên mà không được bình duyệt trên trang arXiv, nơi giới nghiên cứu có thể đọc các công trình mới nhất. Ảnh: The Australian. |
Thậm chí theo bà Ruixue Jia, Giáo sư Đại học California ở San Diego, chuyên gia nghiên cứu về học thuật Trung Quốc cho hay việc giả mạo hợp tác quốc tế thường được các trường đại học địa phương nước này khuyến khích.
Theo Giáo sư Cox, các bài nghiên cứu giả mạo tác giả thiếu hụt nhiều quy tắc trong xuất bản công trình khoa học mảng AI và máy tính. Nhiều báo cáo khoa học xuất bản mà không được xem xét kỹ lưỡng. "Những nội dung này làm suy yếu lòng tin của độc giả vào quy trình bình duyệt", ông nhận định.
Bằng cách kiểm tra các báo cáo khác do tác giả Trung Quốc viết, tờ Wired tìm thấy thêm một trường hợp trên tạp chí khoa học IEEE Transactions on Communications. Trong đó, ảnh và tiểu sử của nhà nghiên cứu MIT được liệt kê dưới cái tên hư cấu.
Bill Franks, người được gọi là Kỹ sư Khoa Kỹ thuật Điện của MIT, có tên trong hàng tác giả một báo cáo khoa học về hệ thống giao thông thông minh. Sự thật là không có “Bill Franks” nào trong bộ phận này của MIT, tiểu sử và hình ảnh đều là của Giáo sư Saman Amarasinghe.
Tất cả báo cáo đã được thu hồi. Tuy nhiên, Giáo sư Cox cho hay chỉ đến khi đe dọa hành động pháp lý - Springer Nature - nhà xuất bản của Cluster Computing mới xóa tên ông khỏi hai bài báo cáo.
“Thách thức cốt lõi chúng tôi phải đối mặt nhiều năm qua là việc xuất bản phải dựa trên sự tín nhiệm", Suzanne Farley, Giám đốc Springer Nature cho biết. “Thật không may, một số cá nhân, hội nhóm có ý định lừa dối và lạm dụng sự tin tưởng này".
Theo Farley, nguyên nhân một phần do đôi khi các học giả không sử dụng địa chỉ email của tổ chức.
Theo Retraction Watch, hơn 1.000 bài bị thu hồi từ 2012-2015 do một hoặc vài cá nhân hội đồng bình duyệt là giả mạo. Vụ việc cho thấy chất lượng của một số công trình học thuật là kém như thế nào. Brent Hecht, nhà nghiên cứu tại Microsoft và Đại học Northwestern cho rằng sự lỏng lẻo này sẽ còn gây thêm bất cập.
Nhiều báo cáo xuất bản lần đầu tiên mà không được bình duyệt trên trang arXiv, nơi giới nghiên cứu có thể đọc các công trình mới nhất. Nếu không qua xét duyệt, các liên kết nghiên cứu sau đó có thể được xem là chất lượng. “Khoa học hoạt động dựa trên sự tín nhiệm. Nếu không, tất cả đều thất bại", Hetch nói.