Mẹ là tiếng cất lên mà chan chứa như biển cả. Viết về mẹ, dẫu viết cả nghìn trang giấy cũng chẳng thể bộc bạch hết sự lớn lao. Mỗi người viết về mẹ, mỗi trang viết về mẹ lại góp đầy thêm những mênh mang tình cảm ấy, lại khiến mỗi người chúng ta thổn thức, cảm động lặng đi trong những suy tư trìu mến.
Hình ảnh người mẹ trong tập tản văn Mùa sương thương mẹ là hình ảnh gần gũi vô cùng. Ấy là mẹ của tác giả, hay cũng là hình ảnh người mẹ của biết bao nhiêu đứa con đất Việt. Người mẹ tảo tần, dịu dàng và ấm áp. Là nơi mỗi đứa con trở về sau bao cơn giông bão của đời người. Phan Đức Lộc đã dành rất nhiều trang viết của mình để viết về mẹ. Người mẹ hiện ra trong căn bếp nghèo nhưng đầy yêu thương (Căn bếp yêu thương), trong bài học về những bông hoa cát (Mơ về hoa cát)… Mẹ khi nào cũng khiến mỗi đứa con cảm thấy được ôm trọn trong tấm lòng rộng lớn.
Tập tản văn viết rất đỗi chân thành, giản dị bằng những ngôn ngữ mộc mạc gần gũi nhưng vẫn đậm chất thi vị bảng lảng như sương nhẹ mùa thu. Chất giọng vừa hồn nhiên vừa lãng đãng ấy thật dễ dàng dẫn dắt người đọc nương theo những cung bậc xúc cảm mà tác giả gợi nhắc về trong tự sự hoài niệm.
Mùa sương thương mẹ gồm nhiều bài viết nhỏ nhắn, thể hiện những rung động bâng khuâng của tác giả trẻ trước những kỷ niệm ấm áp của thời thơ bé với những ngày cùng chúng bạn đi câu tôm (Mùa câu tôm), những chiếc tò he đầy màu sắc sặc sỡ được bà, được mẹ mua ở chợ phiên (Tò he thơ bé), những quả nhót chua ngọt ăn chung cùng lũ bạn (Nhót chua nhót ngọt)…. Biết bao nhiêu rộn ràng tuổi thơ cứ thế ùa về trong một dòng hoài niệm đẹp đẽ.
Những ngày xa nhà trở về nhìn cha mẹ vất vả nắng mưa, mái tóc đã điểm sương trắng, lòng bỗng quặn lại. Nhìn cái tết nghèo lại ngậm ngùi, đến mùa lũ về lại thảnh thốt lo lắng,…. những trang viết của một người trẻ chỉ vừa qua tuổi đôi mươi nhưng đầy ưu tư, buồn phiền. Dẫu thế, trong vùng ký ức xanh rượi ấy, nỗi buồn cũng trở nên nhẹ nhõm lạ lùng.
Tập tản văn Mùa sương thương mẹ của tác giả trẻ Phan Đức Lộc. |
Đọc Mùa sương thương mẹ bỗng ước mình trở về thời thơ bé, ríu rít quanh sân nhà, quanh bố mẹ, thỉnh thoảng trốn nhà đi chơi trưa năng, thỉnh thoảng bị mẹ đánh đòn bằng chiếc roi mây… nhưng có thể nằm yên trên đồi nghe gió hát, rủ nhau đi nhặt hạt dẻ, hay trò chuyện với những bạn bù nhìn rơm…. Là những ngày bình yên đến lạ. Ấy là cái miền tinh khôi đầy ấm áp lưu giữ mãi trong tim mỗi chúng ta.
Cuốn sách gần gũi đến độ tưởng như đang trở về với miền thơ ấu của chính bản thân mình, để chạy ùa vào lòng mẹ, ôm chặt lấy mẹ, và lắng nghe tiếng vỗ về, suốt bao nhiêu năm vẫn vẹn nguyên như ngày ta còn bé.
Phan Đức Lộc là tác giả còn rất trẻ, nhưng lối viết rất điềm đạm, nhẹ nhàng. Cái hay của từ ngữ cốt nằm ở sự giản dị. Cái đẹp của văn chương cũng từ tấm chân tình mà dung dưỡng nên. Bởi vậy, Mùa sương thương mẹ hay thế, đẹp thế; thật dễ chạm vào tâm tư sâu kín, khiến độc giả cảm động.
Không chỉ tỏ bày tấm lòng hoài nhớ đối với những ký ức thơ bé, Phan Đức Lộc còn thể hiện sự quan sát tinh tế và trân quý đối với những câu chuyện nhỏ bé của miền quê nghèo. Trong bài viết Đậm đà chè xanh xứ Nghệ, tác giả đã kể lại một câu chuyện đẹp về tình người mộc mạc chân chất của dân quê qua bát nước chè xanh.
Bát nước chè xanh đậm đà trở thành hương vị quê hương, như máu mủ, như “chôn nhau cắt rốn”: “Nước chè xanh xứ Nghệ đã thấm đều vào tôi như dòng huyết mạch chảy ngược nơi trái tim bé nhỏ, mãi mãi không thể tách rời”. Thức uống giản dị ấy hóa ra lại thấm sâu đến thế, lại khiến ta gắn bó đến thế. Hình ảnh bát nước chè xanh cũng tựa như hình ảnh quê hương yên bình, dẫu mỗi chúng ta như con chim, bay xa đến đâu, rồi cũng sẽ về lại chốn yên bình ấy.
Mùa sương thương mẹ đã giăng mắc nên một giấc mộng tuổi thơ rất đẹp. Giấc mộng ấy cứ nảy nở thật kín đáo nhưng rất đỗi bền bỉ trong kí ức của mỗi người, khiến chúng ta dẫu khi trưởng thành, dẫu khi già đi, ta vẫn thấy tuổi thơ ở đó, lấp lánh những đẹp đẽ. Mỗi người đều neo lại cho mình những giấc mộng ấy, để thỉnh thoảng giữa bộn bề âu lo muộn phiền, ta tìm được nương náu vỗ về.