Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giấc mơ tuổi thơ của Văn Thành Lê

Càng xa dần tuổi trẻ người ta hay sống trong níu giữ với ngày thơ bé, với Văn Thành Lê trong "Trên đồi, mở mắt và mơ” là giấc mộng có thật.

Từ phố về quê sống với ông bà nội trong một kì nghỉ, cậu bé Thành luôn mang theo mình cuốn từ điển nhỏ. Mọi thắc mắc của Thành từ điển đều có thể giải đáp. Nhưng, chính cuộc sống mộc mạc của ông bà, nếp sống sinh hoạt chan hòa ấm áp làng quê, và đặc biệt những đối đáp lém lỉnh nghịch ngợm, các trò chơi “long trời lở đất” cùng hội bạn thân mới là những trang từ điển sống động, tuyệt vời và đáng nhớ với cậu bé 10 tuổi.

Càng xa dần tuổi trẻ người ta hay sống trong níu giữ với ngày thơ bé, Văn Thành Lê trong Trên đồi, mở mắt và mơ là giấc mộng có thật. Lớn lên và trưởng thành, dan díu với đô thị, quê hương và tuổi thơ là đôi cánh nhịp nhàng nhất để anh bay trong kỷ niệm trong miên man ký ức một đi không trở lại.

Ngọn đồi, vườn tược, bánh trái, chợ quê, những trò chơi trẻ mục đồng,.. không chỉ là những hình ảnh hiện hữu, đó là nỗi ám ảnh khôn nguôi: “…tớ mơ thấy các ước mơ chao liệng khắp đồi. Ước mơ như những quả bóng bay lớn bơm đầy khí hydro. Cả hội bám vào những quả - ước - mơ của mình, lơ lửng bay cao lên vào thăm thẳm trời xanh”.

Tren doi mo mat va mo cua Van Thanh Le anh 1
Tác phẩm Trên đồi, mở mắt và mơ.

Cuộc trở về thôn dã của cậu bé Thành, là sự tìm về không gian hồn hậu, ở đấy con người, thiên nhiên, nếp sinh hoạt, hòa quyện vào nhau, mộc mạc thuần khiết nhưng không thiếu mơ mộng. Từ mái nhà ông bà đến thềm nhà hàng xóm làng mạc, từ ngọn đồi làng đến cánh đồng, từ bát cơm Tết Đoan Ngọ đến đám cưới quê rộn ràng phong tục…Tắm mình trong bầu trời, mặt đất thanh bình, một tháng hè về quê của Thành vụt qua nhanh trong nuối tiếc đầy tràn kỷ niệm: “Trên xe ô tô, lần lượt ngôi nhà của ông bà, con đường của làng tớ vẫn gọi là đường thơm, và cánh đồng nữa, trôi dần về phía sau”.

Hơn 130 trang sách của Trên đồi, mở mắt, và mơ có thể đọc một hơi. Lối kể chuyện thành thực, lôi cuốn người đọc về với chân trời hồn hậu của quê kiểng, trong đôi mắt trẻ thơ. Tác giả tìm đến giọng điệu vui nhộn, dí dỏm, thức dậy cả bầu trời tuổi thơ, làm xanh mềm ký ức của người xa quê, xa dần tuổi thơ.

Tren doi mo mat va mo cua Van Thanh Le anh 2
Nhà văn Văn Thành Lê.

Có một liên tưởng nao lòng từ câu thơ của Giang Nam trong bài thơ Quê hương nổi tiếng “Ai bảo chăn trâu là khổ.../Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” , đến Trên đồi mở mắt và mơ, để ngẫm cho cùng, còn có giấc mơ nào thi vị hơn là những ký ức về quê hương và tuổi thơ của mỗi con người.

Có thể đọc chậm và nhanh cuốn sách của Văn Thành Lê, lưu luyến mãi trong lòng người đọc là bước chân trần của “cậu bé Thành” như đang vội chạy tìm về quê nhà, bằng niềm hân hoan của tuổi trẻ-đời người: “Viết cho thiếu nhi là cách để tôi được tắm nhiều lần trên dòng-sông-tuổi-thơ. Tuổi thơ tôi. Tuổi thơ trong trí tưởng. Tuổi thơ các em bây giờ. Phần đa đều gặp nhau ở sự tinh khôi đến tinh khiết, tinh nghịch đến tinh quái. Bởi vậy, khi cho câu chữ “bơi” về phía ấy, tôi thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, trường năng lượng mà có lẽ bất cứ ai cũng mơ màng muốn có.” (Văn Thành Lê)

Ba nhà văn miền Nam viết về thế giới loài vật cho thiếu nhi

Thế giới loài vật luôn nhiều mê hoặc, đặc biệt là với các em thiếu nhi.

Thành Sơn

Bạn có thể quan tâm