Mùa phim Tết 2022 diễn ra trong bối cảnh hai thị trường lớn là Hà Nội và miền Tây - nơi đóng cửa hoàn toàn, nơi mở với số lượng rạp ít ỏi. Gánh nặng doanh thu phim Tết được đặt hoàn toàn trên vai của hệ thống rạp chiếu tại TP.HCM bỗng trở nên quá sức. Và thị trường bị thất thu là điều đã được dự báo trước.
Phim không đủ hay để lôi kéo khán giả
Dựa trên thống kê của Box Office Việt Nam, con số doanh thu hơn 9 tỷ đồng trong ngày mùng Một Tết cho tất cả 5 phim Việt trình chiếu cùng với các phim nhập ngoại, đã phản ánh được bức tranh thị trường điện ảnh ảm đạm đến mức nào.
Trước đó, Spider-Man: No Way Home ra mắt từ trung tuần tháng 12/2021 với doanh thu 103 tỷ đồng. Con số này thực chất không phản ánh được mức độ khởi sắc của thị trường. Tác phẩm đã có một lượng khán giả nhất định theo thời gian, cộng thêm chất lượng của bộ phim được bảo chứng bao năm nay cùng tâm lý hồ hởi của khán giả trước một bom tấn mới toanh… đã khiến cho lượng vé bán ra tại thị trường Việt Nam tăng đột biến.
Song, chỉ với Spider-Man thôi là chưa đủ sức nặng làm bàn đạp để kéo thị trường đi lên. Những bộ phim mới toanh mà các nhà sản xuất Việt Nam đưa ra chiếu Tết với đa dạng màu sắc: Chìa khóa trăm tỷ (hài), 1990 (tâm lý), Nhà không bán (kinh dị), Mưu kế thượng lưu (tâm lý), Trạng Tí (kỳ ảo) có vẻ là một “thực đơn” phong phú cho khán giả.
Nói về mức độ đầu tư và chất lượng thì có lẽ Trạng Tí là phim tốt nhất. Song Trạng Tí rơi vào tình huống khởi chiếu xong lại đem đi cất vì đại dịch rồi lại khởi chiếu, khiến cho phim đánh mất đi sự bất ngờ của lần đầu ra rạp và trở thành “phim cũ” trong mắt khán giả.
Loạt phim Việt công chiếu trong dịp Tết Nguyên đán 2022. |
Trong khi đó, Chìa khóa trăm tỷ là một phim Việt hóa trên kịch bản gốc Key of Life (Nhật) và có cả sự học hỏi của phiên bản Hàn là Luck-Key. Bộ đôi Kiều Minh Tuấn - Thu Trang trong Chìa khóa trăm tỷ là sức hút duy nhất mà phiên bản Việt có được.
Phim có những màn tung hứng hài hước và đáng yêu của cặp diễn viên chính, song bản chất câu chuyện này có phần xa lạ với khán giả Việt. Thế nên “yếu tố thắng lợi” của phim dựa vào những mảng miếng hài hơn là một câu chuyện mà khán giả Việt cảm nhận nó gần gũi với đời sống của mình.
1990 có đề tài thời thượng song tính kết nối giữa các nhân vật của Lan Ngọc, Diễm My 9X và Nhã Phương không chặt chẽ cũng như có độ lệch pha về khả năng diễn xuất, dẫn đến bộ phim bị rời rạc và vụn. Trong khi đó, chất lượng của cả hai phim Nhà không bán và Mưu kế thượng lưu đều không đạt được kỳ vọng của khán giả.
Riêng với hai phim nhập ngoại là Đấu trường âm nhạc 2 và Vùng đất thần kỳ dành cho đối tượng gia đình thì tiếc là đều chiếu khá trễ so với thời điểm ra mắt, cũng như hai tác phẩm này đều đã bị phát hành lậu trên mạng.
Số lượng phim thì nhiều nhưng chất lượng lại không đảm bảo hoặc mất đi lợi thế (phim dở, phim được chiếu lại sau nhiều lần hoãn chiếu, phim đã có trên mạng…) để khán giả truyền miệng nhau với thông điệp nhất định phải xem.
Cùng với đó là kinh phí dành cho khâu truyền thông của các phim đều được cắt giảm tối đa, những yếu tố khách quan vì đại dịch nên ảnh hưởng tâm lý ra rạp của khán giả, túi tiền của người xem bị thắt chặt… đều góp phần kéo giảm số lượng vé bán ra tại các rạp ngày Tết.
Và, khi mà thị trường rạp của TP.HCM phải gánh vác gần như doanh thu toàn bộ thị trường do hệ thống rạp phim của Hà Nội đóng cửa hoàn toàn, còn hệ thống rạp phim ở miền Tây lại mở cực kỳ ít. Mọi thứ trở nên ảm đạm cũng là điều dễ hiểu.
Nhìn tổng quan, thị trường phim Tết đã mất đi thị phần khán giả lớn nhất là đối tượng gia đình, phân khúc chiếm số lượng vé bán ra nhiều nhất này đang rất ngại ra rạp vì đại dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Với mức doanh thu đang dẫn đầu thị trường sau 4 ngày khởi chiếu là hơn 25 tỷ đồng, bộ phim Chìa khóa trăm tỷ được kỳ vọng có thể chạm đến mốc 50 tỷ đồng trong mùa phim Tết năm nay. Và con số doanh thu cao nhất có thể của bộ phim đã đưa mùa phim Tết 2022 trở thành mùa phim Tết thất bại thê thảm nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, khi không có bất cứ bộ phim nào chạm đến mốc doanh thu 100 tỷ đồng.
Thị trường điện ảnh chưa hồi phục
Cuộc đua phim Tết 2022 thật sự đã ngã ngũ và niềm hy vọng của cả thị trường lại hướng đến những bộ phim sắp ra rạp. Chỉ trong vòng một tuần nữa, lại có thêm hai phim Việt tiếp tục chen chân vào số suất chiếu ít ỏi đang có là Bẫy ngọt ngào và Chuyện ma gần nhà.
Sau rất nhiều lần hoãn chiếu, Bẫy ngọt ngào quyết định ra rạp như là cơ hội cuối cùng không còn lựa chọn nào khác. Đến giờ này, dàn cast của phim với Minh Hằng, Bảo Anh, Quốc Trường, Diệu Nhi… thực tế cũng chưa có gì là đảm bảo cho một bộ phim chất lượng khiến khán giả phải ra rạp.
Bẫy ngọt ngào sắp sửa trình làng sau nhiều lần hoãn chiếu. |
Trong khi đó, bộ phim kinh dị Chuyện ma gần nhà của ê-kíp từng làm một phim kinh dị trước đó là Bắc kim thang, đang là ẩn số với câu chuyện liên quan đến các truyền thuyết đầy ám ảnh trong dân gian. Dù vậy, cả hai phim này đều xếp loại NC18, đây tiếp tục là một hạn chế với khán giả đại chúng.
Những bộ phim nước ngoài ra rạp trong tháng 2 có thể điểm danh ở mức độ nhận diện được chất lượng ổn như Án mạng trên sông Nile, Thợ săn cổ vật, Gia tộc Gucci… cũng vẫn chưa có phim nào có khả năng làm dậy sóng rạp chiếu. May ra khả năng cao nhất thu hút khán giả ra rạp sẽ rơi vào bộ phim The King’s Man: Khởi nguồn (ra rạp 25/2).
Tuy nhiên, thị trường vẫn cần thêm thời gian để hồi phục nhất là với các tỉnh miền Bắc với hy vọng sớm cho mở cửa lại tất cả cụm rạp. Và từ đây cho đến lúc đó, doanh thu của thị trường phim Việt Nam chắc chắn vẫn chỉ ở mức 50-60% so với cùng kỳ các năm trước.
Có lẽ, tín hiệu khởi sắc đầu tiên trong năm 2022 sẽ phải trông chờ vào bom tấn Batman ra rạp vào ngày 4/3 sắp tới. Khi ấy, mùa hè 2022 mới thật sự là mùa rộn ràng với cả rạp chiếu lẫn khán giả yêu thích phim chiếu rạp.