Mưa lớn sau bão số 9, các hồ chứa xả lũ dồn dập khiến nhiều địa phương ở Khánh Hòa bị cô lập. Đến chiều 25/11, tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn tê liệt do sạt lở, ngập nước.
|
Từ đêm 24/11 đến chiều 25/11, Khánh Hòa có mưa to, nhiều nơi ngập nặng. Các trục chính như quốc lộ 1 (đoạn qua Cam Ranh), quốc lộ 27C (đường Nha Trang - Đà Lạt), quốc lộ 26 đi Đắk Lắk, tỉnh lộ 9 đi huyện Khánh Sơn… bị sạt lở nặng gây cô lập nhiều nơi. |
|
Nước lũ trên quốc lộ 1 đoạn qua phường Cam Linh (TP Cam Ranh) gây ách tắc giao thông nhiều giờ sáng 25/11. |
|
Đại lộ Nguyễn Tất Thành (TP Cam Ranh) bị ngập sâu. |
|
Người dân sống dọc quốc lộ 1 đoạn qua TP Cam Ranh dùng bao cát làm bờ kè chống nước lũ tràn vào nhà.
|
|
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), cho biết tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện vẫn đang diễn biến phức tạp. Mực nước trên các sông vẫn đang dâng cao gây chia cắt cục bộ nhiều điểm trên toàn huyện. Địa phương đã di dời 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu ở những khu vực gần sông, suối, triền núi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Xã Ba Cụm Nam và thị trấn Tô Hạp đã cắt điện. |
|
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Nha Trang, đến trưa 25/11, địa phương đã sơ tán gần 1.400 hộ dân với gần 6.000 người ra khỏi vùng nguy hiểm. |
|
Ở TP Nha Trang, các xã, phường phải sơ tán dân ra khỏi vùng lở núi gồm: Phước Đồng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thái, Vĩnh Lương, Vĩnh Phước. TP Nha Trang cũng ghi nhận thêm 15 điểm xung yếu phát sinh so với phương án phòng chống thiên tai đã lập. |
|
Trung tâm sát hạch lái xe Hồng Bàng ở TP Cam Ranh ngập sâu. |
|
Nhà dân bị ngập sâu hơn 1 m ở huyện Cam Lâm (TP Cam Ranh). |
|
Nhiều nhà dân ở xã Cam Thịnh Đông (TP Cam Ranh) bị ngập sâu 1-1,5 m. Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, do ảnh hưởng rìa tây bắc hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên trong 6 giờ tới, Khánh Hòa vẫn tiếp tục có mưa, có nơi mưa to, tổng lượng mưa phổ biến từ 80-120 mm. |
|
Mưa lũ gây xói lở tỉnh lộ 3 đoạn từ TP Nha Trang đi xã Phước Đồng. Trước diễn biến phức tạp mưa lũ, Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Trung bộ đã cảnh báo lũ khẩn cấp trên sông Cái Nha Trang có thể gây ngập sâu ở nhiều địa phương. Ngoài ra, các địa phương cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và TP Nha Trang. |
|
Mưa lũ tàn phá tan hoang tuyến đường từ TP Cam Ranh đến xã Cam Lập. Ảnh: Tuấn Anh. |
|
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Như Bình, Giám đốc Công ty CP đường sắt Phú Khánh, cho biết tàu không thể chạy được do mưa lớn làm ngập đường ray, mưa lũ cuốn trôi đá, hở móng ba đoạn đường ray ở Suối Cát (huyện Cam Lâm). Còn tuyến đường sắt từ ga Kà Rôm đến ga Phước Nhơn (Ninh Thuận) cũng bị ngập nặng nhiều đoạn sâu hơn 1 m. |
|
Theo ông Bình, đến 15h30 ngày 25/11, đường sắt Bắc - Nam vẫn tê liệt. Nhiều đoạn đường ray ở Suối Cát (huyện Cam Lâm) còn ngập sâu nên chưa thể khắc phục được các vị trí sạt lở. |
Khánh Hòa cô lập nhiều nơi
Khánh Hòa
Mưa lũ
dân cư bị cô lập
sạt lở núi
sơ tán dân
Khánh Hòa