Đến trưa 24/11, Khánh Hòa đã sơ tán hơn 12.000 người dân ở vùng xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để nơi an toàn.
Mưa lớn diện rộng
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kết hợp với rìa Tây Bắc hoàn lưu bão số 9, từ nay đến 27/11, tỉnh Khánh Hòa xuất hiện đợt mưa lớn trên diện rộng.
Mưa lớn gây ngập đường 23/10, TP Nha Trang. Ảnh: An Bình. |
Từ ngày 24 đến 27/11 trên các sông ở Khánh Hòa xuất hiện lũ, đỉnh lũ trên các sông đạt mức báo động II đến báo động III, có sông trên báo động III. Lũ về kết hợp với triều cường sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng trên hạ lưu các lưu vực sông tỉnh Khánh Hòa.
Hiện có 7 hồ chứa thủy lợi ở địa phương này đang xả điều tiết lũ. Cụ thể, hồ Hoa Sơn (thị xã Ninh Hòa) xả điều tiết lũ cao nhất ở mức 22 m3/s, thấp nhất là hồ Láng Nhớt xả điều tiết lũ ở mức 0,76 m3/s.
Trước tình hình này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị điều tiết hồ chứa đảm bảo an toàn hồ đập, hạn chế gây ngập lụt vùng hạ du, tích nước phòng chống hạn năm 2019.
Trước khi xả điều tiết lũ, các đơn vị phải thông báo trước 8 giờ cho chính quyền địa phương cấp xã để người dân biết, chủ động ứng phó.
Trưa 24/11, trên địa bàn TP Nha Trang xuất hiện mưa lớn trên nhiều khu vực. Ảnh: Minh Hoàng. |
Mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở sườn núi, ngập úng ở vùng trũng thấp ở thị xã Ninh Hòa, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và TP Nha Trang, những nơi vừa xảy ra trượt lở đất trong cơn bão số 8, và vùng lân cận, quốc lộ 1 qua xã Vĩnh Phương, đèo Rù Rì, quốc lộ 27C - đoạn đèo Khánh Lê (Nha Trang đi Đà Lạt).
Lo núi lở
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa lo ngại nhiều địa phương xảy ra núi lở trong đợt mưa lũ ngày 18/11 có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay phường Vĩnh Trường và xã Phước Đồng (TP Nha Trang) có nhiều vị trí xung yếu bị lở núi kèm theo lũ quét, gây thiệt hại nặng về người, tài sản trong đợt mưa lũ ngày 18/11.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, mưa lớn kéo dài có nguy cơ gây sạt lở núi, đe dọa các khu dân cư. Ở các khu vực này, nhà dân nằm chênh vênh bên sườn núi, đường đi hẹp.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng bố trí lực lượng sơ tán dân; ứng trực tại các vị trí xung yếu, nguy hiểm; sẵn sàng ứng cứu người dân khi có tình huống khẩn cấp.
Bất chấp sóng lớn nguy hiểm, nhiều du khách ra bờ biển Nha Trang vui chơi, chụp ảnh. Ảnh: An Bình. |
Ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết thêm dù tâm bão số 9 không vào Khánh Hòa nhưng hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn dễ dẫn đến sạt lở núi, lũ quét.
Từ chiều qua đến trưa nay, TP Nha Trang liên tục kiểm tra các khu dân cư ven biển, ven sông, ven suối, vùng có nguy cơ ngập lụt sâu, sạt lở để tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi an toàn.
"Địa phương đã triển khai cắm biển báo nguy hiểm, chốt chặn tại các vị trí xung yếu, không cho người dân trở lại khu vực nguy hiểm nhằm giảm thiểu thấp nhất thương vong", ông Thọ nói.