Trao đổi với Zing sáng 1/12, ông Trần Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 3, cho biết mưa lũ đã khiến nhiều đoạn quốc lộ ở Nam Trung Bộ bị ngập sâu, chia cắt. "Tại Bình Định, có đoạn quốc lộ 1 (Km 1202-1203) ngập sâu đến 1 m, chúng tôi phải rào chắn, không cho xe đi qua", ông Trung chia sẻ.
Lúc 21h ngày 30/11, trên đèo Khánh Lê (quốc lộ 27C qua Khánh Hòa) xuất hiện 4 điểm sạt lở, gây tắc đường. Cục Quản lý đường bộ 3 đã phải yêu cầu phương tiện lưu thông theo hướng khác. Đến sáng 1/12, 3 điểm sạt lở đã được thông, còn một điểm tại Km 62 đang tiếp tục được giải tỏa.
Người dân TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, chèo ghe đến vùng cao tránh lũ. Ảnh: A. Cương. |
Bên cạnh các tuyến quốc lộ, nhiều tỉnh lộ, đường huyện, xã và đường đô thị cũng bị ngập sâu khiến xe cộ mắc kẹt trong nước, người dân phải đi lại bằng thuyền bè.
Lãnh đạo Công ty Đường sắt Hà Nội cho biết cốt đường sắt qua các tỉnh Nam Trung Bộ vẫn cao hơn mực nước lũ. Còn lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay xác nhận hoạt động hàng không tại Nam Trung Bộ chưa bị ảnh hưởng.
Những ngày qua, mực lũ trên một số sông ở miền Trung đã trên báo động 3, trong đó hai điểm đạt xấp xỉ lũ lịch sử năm 1993 và 2013 là sông Kôn ở Bình Định và sông Ba ở Phú Yên.
Mưa lớn kết hợp với thủy điện xả lũ điều tiết nước đã khiến hơn 59.000 nhà dân bị ngập, 4.700 hộ dân ở Tuy An (Phú Yên) bị cô lập, có nơi ngập sâu 1-2 m.
Đến sáng 1/12, lũ trên sông Kôn trên báo động 3 là 1 m, còn sông Ba trên báo động 3 là 0,9 m.
Báo cáo tại cuộc họp ứng phó với mưa lũ miền Trung của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 1/12, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết đợt mưa lớn tại miền Trung sẽ kết thúc hôm nay.