Ngày 25/11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch, chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng thẩm định là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh vị trí đặc biệt của vùng ĐBSCL - một trong những trọng điểm về quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước. Dù đạt nhiều kết quả trong phát triển, ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của vùng.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc làm việc với Hội đồng thẩm định quy hoạch. Ảnh: M.H. |
"Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa cao so với các vùng khác", Phó thủ tướng nhấn mạnh. Ông yêu cầu đơn vị chủ trì (Bộ KH&ĐT) và Tư vấn lập quy hoạch vùng ĐBSCL đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt.
Từ nay đến 2030, Phó thủ tướng nhận định hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc. Ông yêu cầu rà soát, cập nhật đầy đủ các quy hoạch hạ tầng GTVT gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy vào quy hoạch vùng ĐBSCL.
Cụ thể, quy hoạch phải ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng. Từ nay đến 2025, Nhà nước sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Sóc Trăng - Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (khoảng 400 km).
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc trục cao tốc nối TP.HCM với vùng ĐBSCL. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngoài ra, sân bay quốc tế Cần Thơ phải được mở rộng, đường bộ ven biển phải được đầu tư. Cảng biển (trong đó có Cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hệ thống các công trình dịch vụ - hậu cần phải được nâng cấp nhằm giảm chi phí logistic, hỗ trợ việc xuất khẩu nông sản của vùng.
“Khi có hệ thống giao thông đồng bộ thì đóng góp của ĐBSCL sẽ gấp nhiều lần hiện nay”, Phó thủ tướng khẳng định.
Theo Phó thủ tướng, ĐBSCL là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng. Do đó, hệ thống thủy lợi, chống xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông - bờ biển, đặc biệt là hệ thống các hồ dự trữ nước, đường ven biển phải được chú trọng.
“Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nếu không có giải pháp cụ thể, quy hoạch đúng đắn thì sau này, thiệt hại sẽ rất lớn”, lãnh đạo Chính phủ lưu ý.
Bên cạnh đó, Quy hoạch Vùng ĐBSCL cũng cần chú ý hệ thống phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục), bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa, các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng. Phó thủ tướng nhắc lại phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11 rằng "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội", Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh việc giữ gìn và phát huy các di sản thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của từng địa phương và toàn vùng ĐBSCL để tạo ra “sức mạnh mềm” trong phát triển kinh tế - xã hội.
Sau cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ trình Thủ tướng để có thể phê duyệt trong tháng 12.
Vùng ĐBSCL chiếm 12% diện tích, 19% dân số, 50% sản lượng lúa và 95% gạo xuất khẩu, 65% lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây của cả nước.
Đại diện Tư vấn quy hoạch - Liên danh Haskoningdhv (Hà Lan) và GIZ (CHLB Đức) - nhận định đến năm 2050, ĐBSCL phát triển là đồng bằng bền vững, là nơi đáng sống và làm việc; là điểm hấp dẫn du khách và nhà đầu tư. Trọng tâm của chiến lược phát triển vùng là “bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường”.
Theo tư vấn, để hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sẽ phân ĐBSCL thành 3 vùng: Vùng ngọt quanh năm, vùng chuyển tiếp ngọt - lợ, vùng mặn - lợ.
Theo sinh thái nông nghiệp, ĐBSCL sẽ được phân thành 14 vùng, bao gồm 6 tiểu vùng trong vùng ngọt quanh năm, 5 tiểu vùng trong vùng chuyển tiếp ngọt - lợ, 3 tiểu vùng trong vùng mặn - lợ.