Mưa lớn ở Ấn Độ làm nhà đổ, đường ngập, 82 người chết
Thứ tư, 1/8/2018 07:09 (GMT+7)
07:09 1/8/2018
Theo các quan chức Ấn Độ, số người thiệt mạng bắt đầu tăng từ tuần trước, khi mùa mưa tại quốc gia Nam Á bước vào giai đoạn cao điểm, làm nhiều công trình sụp đổ.
Theo Cơ quan Ứng phó Thảm họa Ấn Độ, ít nhất 82 người đã thiệt mạng vì những cơn mưa nặng hạt hoành hành tại quốc gia này từ tuần trước. ABC News dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Ấn Độ Awanish Awasthi cho biết số thương vong trên chủ yếu được ghi nhận tại thành phố Agra, nơi có đền Taj Mahal nổi tiếng.
Theo ông Awasthi, trong số những người thiệt mạng, một gia đình 4 người đã chết vì nhà sập. Những cơn mưa cũng làm hỏng bức tường của một pháo đài có từ thế kỷ 16 tại miền Tây thành phố Agra. Tuy nhiên, công trình tưởng niệm chính tại đây không bị hư hại, theo quan chức địa phương PK Singh.
Ông Singh cho biết tất cả trường học tại thành phố Agra cũng phải đóng cửa vì những cơn mưa giông. Trước đó, một người đàn ông 36 tuổi tại thành phố Shipra Sun thiệt mạng vì bị điện giật sau khi chở con gái đến trường. Trong ảnh, 2 nam sinh tại thành phố Mumbai lội qua những con đường ngập nước để về nhà.
Theo số liệu từ Cơ quan Ứng phó Thảm họa Ấn Độ, hơn 100 người đã bị thương và 450 ngôi nhà bị tàn phá sau những trận mưa lớn. Huyện Faizabad thuộc bang Uttar Pradesh là nơi hứng chịu hiện tượng thời tiết nặng nề nhất với lượng mưa lên đến gần 140 mm.
Mùa mưa ở Ấn Độ thường bắt đầu vào tháng 6 và kéo dài đến hết tháng 9. Trong thời gian này, quốc gia Nam Á thường đối mặt với nhiều thiên tai, thảm họa như lũ lụt, lốc xoáy, đe dọa mạng sống của hàng triệu người dân. Từ tháng 10 đến cuối năm, Ấn Độ bước vào giai đoạn giao mùa.
Một chiếc xe buýt chìm dưới nước tại thủ đô New Delhi sau trận mưa lớn hồi đầu tháng 7. Tuy mưa rào gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, nó cũng giúp kinh tế phát triển khi tạo ra công ăn việc làm cho hơn 600 triệu nông dân mỗi năm, đóng góp 20% cho GDP Ấn Độ.
Giới phân tích nhận định một "mùa mưa thành công" có thể giúp cải thiện nền kinh tế. Trong khi đó, nếu gió mùa xuất hiện trễ, hạn hán có thể xuất hiện gây tổn hại cho nền nông nghiệp ở Ấn Độ và khiến kinh tế chậm tăng trưởng.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu đã khiến mùa mưa ngày càng trở nên khó dự đoán tại Ấn Độ. Nhiều thảm họa thời tiết và thiên tai đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người mỗi năm. Năm 2016, ít nhất 300 người đã thiệt mạng trong trận lũ lụt hoành hành các bang miền Bắc Ấn Độ.
Những đám mây gió mùa bao phủ thành phố Mumbai hôm 14/7. Trong tháng qua, hệ thống giao thông tại đây liên tục bị cản trở do mưa gây ngập đường phố, nhiều chuyến tàu điện bị hoãn.
Cảnh sát và tình nguyện viên đẩy một chiếc xe tải phát điện bị mắc kẹt giữa dòng nước ngập sau cơn mưa nặng hạt ở thành phố Mumbai hồi cuối tháng 6.
Từ đầu tuần, bão nhiệt đới Sơn Tinh hoành hành tại Philippines, khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Tình trạng ngập lụt xảy ra trên diện rộng tại nhiều vùng của quốc đảo này.
Công trình đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy của Lào đổ sụp vào đêm 23/7, khiến huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, chìm trong biển nước và đẩy hơn 6.600 người vào cảnh màn trời chiếu đất.
Đợt mưa lớn cuối tuần qua tại Uppsala, Thụy Điển, đã biến một phần nhà ga trung tâm thành hồ bơi công cộng cho nhiều người giải nhiệt sau những ngày hè oi bức.