Từ đầu tuần, sáng sáng đi làm, tôi đã thấy các bà, các cô luống tuổi, chở đầy nhót trên chiếc xe đạp cũ. Những quả nhót đỏ tươi, phủ một lớp phấn trắng óng ánh dưới nắng như mời gọi. Thỉnh thoảng, có lẫn những quả vẫn mang màu đỏ cam, rồi màu xanh, nhưng cũng đủ khiến người ta thèm thuồng.
Nhớ hồi Tết, nhìn dàn nhót lúc lỉu màu xanh rì, đã to hơn ngón tay trỏ, lẫn vào đám lá dày. Người háo ăn chua, đã mong đến hè. Bây giờ, nhiều người thích ăn nhót xanh cuộn lá bắp cải, chấm cùng chẩm chéo nên nhót xanh mới trở thành thức quà “đắt giá”. Cái vị chát xít của những quả non ấy, trước kia vẫn bị “ghẻ lạnh” ghê lắm.
Ngày còn nhỏ, có lần dì tôi từ trường đại học về, hăm hở đi xin nhót xanh về nấu canh. Ai cũng lấy làm lạ lùng. Những quả nhót đã căng, được lau hết phấn trắng, rồi nấu cùng chút thịt băm, cho ra cái vị chua thanh, đưa cơm phải biết!
Từ đó, canh nhót, trở thành “thương hiệu” của riêng dì. Món ăn dân dã ấy được dì tôi học từ một người bạn phương xa, sống cùng kí túc. Cô gái sống xa nhà, từng đêm quay quắt nơi phố thị, chắc nhớ lắm món canh của mẹ.
Nhót chín là món quà quê mang nhiều kỉ niệm. |
Sau này, mẹ tôi rồi nhiều bác hàng xóm cũng học theo dì nấu canh nhót. Giống như canh rau rút, hay canh lá vông chua, mỗi năm chỉ được ăn vài bữa là đã hết mùa, nên người ta càng thấy ngon. Ở đời, ngọt ngào mới khó kiếm, chứ chua chát thì thiếu gì…
Thời đi học, cứ đến mùa nhót là quần đứa nào cũng bị nhuộm toàn phất trắng. Mấy đứa con gái hay ăn quà, làm khổ cả những thằng con trai ngồi cạnh, dẫu chúng vừa nhìn thấy nhót đã rùng mình. Khi cô giáo vào lớp, thấy quần đứa nào cũng sắp bị nhuộm trắng, liền “tặng” cho một ánh nhìn sắc hơn dao.
Mới đầu tháng 3 âm, còn chưa “hưởng” cái rét nàng Bân đầy miễn cưỡng mà người ta tưởng như mùa hè đã ở ngay trước mắt rồi. Thỉnh thoảng, thấy trời oi oi, lại lôi mấy cái áo mỏng ra mặc. Chiều chiều, hiu hiu cơn gió mát, bỗng thấy dễ chịu vô cùng.
Mùa hè của tuổi thơ, không chỉ có trái nhót chín đỏ. Cứ mỗi độ tháng tư, nhìn thấy những chùm hoa dâu da xoan màu trắng xanh trên cành, lũ trò nhỏ chúng tôi đã nghĩ đến mùa hè. Đợi phượng nở thì lâu quá! Bởi lúc đó mùa hè đã ở ngay cửa lớp rồi.
Trẻ con bao giờ cũng vậy, vội vàng và nôn nóng. Hoa còn đang ở trên cành, đã mơ đến chùm quả bé tí, đỏ đỏ, xanh xanh, vàng vàng. Lúc đó, bỗng một đứa trong bọn giật mình: “Qua mùa hè, không biết cả bọn có còn được học cùng nhau không?”. Cây dâu da xoan trên đường chúng tôi đi học đã đầy quả chín, nhưng bạn bè ở đâu hết rồi. Những quả đỏ tươi chuyển màu thẫm, rồi rụng đầy gốc.
Những mùa hè đã cũ, khi vùng biển quê tôi còn chưa có khu du lịch, tất cả thật yên ả, thanh bình. Buổi chiều, nếu được nghỉ học đột xuất, cả đám lại rủ nhau đạp xe ra biển, hò hét chán chê rồi mới về.
Hoa loa kèn trắng theo những gánh hàng rong vào phố. |
Mùa hè ở quê, mùa hè của con trẻ chỉ có vậy. Còn mùa hè ở Hà Nội, hồi mới vào đại học, khi đón mùa hè đầu tiên của phố thị, tôi mê mẩn những bông loa kèn trắng. Một màu sắc thanh tân, dịu dàng, nhưng không chút u buồn. Nhận được tiền lương ở chỗ làm thêm, tôi liền mua một bó nhỏ về trưng nơi bàn học. Căn phòng trọ vốn ẩm thấp và tối tăm bỗng sáng bừng lên. Vạt nắng cuối chiều còn cố len vào cửa sổ nhỏ để ngắm những cành hoa xinh đẹp.
Tôi chờ một ngày, hai ngày, rồi đến ngày thứ ba… chờ đến khi những bông hoa héo rũ, vẫn chưa thấy chúng nở. Có bông chỉ he hé cánh rồi héo đi. Cô bạn cùng phòng cười tôi ngốc nghếch.
Giờ đây, mùa hè không còn là những ngày tháng vô ưu nữa. Mùa nào cũng giống nhau. Vẫn sáng sáng đi làm, chiều về chen chúc trên con đường đầy ngập những người, oi bức và hối hả. Thế nhưng, có vài ba khoảnh khắc, khiến tôi vẫn yêu mùa hè vô cùng. Có lẽ tình yêu đó đến từ những hoài niệm!