Ngày 31/8, hàng nghìn shipper tại các quận, huyện thuộc "vùng đỏ" ở TP.HCM được hoạt động trở lại sau khi xét nghiệm nhanh tại các trạm y tế lưu động. Theo khảo sát sáng nay, nhiều ứng dụng cũng mở lại dịch vụ giao hàng tại "vùng đỏ" và duy trì dịch vụ ở "vùng xanh".
Trên các hội nhóm dân cư các quận huyện TP.HCM, hoạt động mua, bán online thực phẩm cũng nhộn nhịp hơn. Tối 30/8, chị Quỳnh (quận Bình Thạnh) lên mạng tìm các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm ngay trong khu mình ở. "Chọn các món cần, nhắn tin cho người bán, sáng hôm sau, hàng đã được giao đến tận nhà", chị nói.
"Tôi thấy nhiều người đặt hàng 'đi chợ hộ' 4-5 ngày chưa được giao nên lên mạng tìm người bán hàng online. Dù giá ship cao hơn ngày thường nhưng họ giao hàng nhanh không phải chờ lâu như đi chợ hộ", chị nói.
Các shipper xếp hàng chờ xét nghiệm tại điểm test nhanh ở Gò Vấp sáng 31/8. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đi chợ hộ 4-5 ngày, đi chợ online vài giờ
Vào nhóm đặt hàng của Bách Hóa Xanh gần nhà nhiều ngày nay nhưng anh Tú (quận 8) vẫn chưa thể đặt hàng được vì hệ thống "đi chợ" của siêu thị quá tải. Anh đành sang các hội nhóm bán thực phẩm online để mua thực phẩm vì nhà gần hết thực phẩm dự trữ.
"Thực phẩm gì cũng có từ rau củ đến thịt cá, đồ khô. Tuy nhiên tôi phải mua 2-3 người mới đủ thực phẩm cho bữa ăn, lúc này mua được đồ là may mắn rồi. Có người bán nhận giao trong ngày, có người hẹn sáng mai sẽ ship tới", anh nói.
Theo khảo sát của Zing, sau một tuần TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, áp dụng chương trình "đi chợ hộ", nhiều cá nhân bán hàng trên mạng đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp hơn trước, có người nhận được tới 50-60 đơn hàng/ngày.
Nhiều người tiêu dùng cho rằng shipper bắt đầu được hoạt động trở lại nên việc tìm người giao hàng sẽ dễ dàng hơn, đồng thời việc bán thực phẩm online cũng giúp giảm quá tải cho việc "đi chợ hộ" tại các quận, huyện.
Khi shipper hoạt động trở lại, kênh bán hàng online trên chợ mạng hoạt động nhộn nhịp trở lại. |
Trong sáng 31/8, việc đặt người giao hàng qua ứng dụng cũng dễ dàng hơn đối với các chủ hàng online. "Mấy hôm nay tôi đều phải đặt ship ngoài với giá rất đắt nhưng ít người nhận. Sáng nay, đặt trên ứng dụng Grab và Ahamove đã giao được hơn 10 đơn cho khách", chị Thảo Ly, chuyên kinh doanh online đồ khô trên mạng, nói.
Theo chị, thời điểm này shipper là lực lượng rất quan trọng để đảm bảo cung ứng thực phẩm kịp thời cho người dân. "Đa số khách hàng của tôi đều là người không thể chờ đơn hàng 'đi chợ hộ' từ phường. Họ chỉ cần đặt và tôi gom đơn thì trong ngày hoặc đến hôm sau là có thể giao đến", chị chia sẻ.
Chị Ly cho biết thời điểm này giá ship và giá thực phẩm cao là điều dễ hiểu. "Shipper họ chạy ngoài đường, qua các chốt phải dừng lại trình giấy tờ, khai báo y tế, cứ một chốt trung bình mất ít nhất 3 phút, chưa kể đi vòng vòng vì chốt chặn quá nhiều, rồi mưa gió, và khả năng tiếp xúc với F0 cũng khá cao", chị nói.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng lựa chọn mua bán thực phẩm trên Zalo Connect của ứng dụng Zalo. Tại đây, người bán cũng kinh doanh các mặt hàng thực phẩm từ rau củ, thịt cá, đồ dùng thiết yếu, người mua có thể trực tiếp nhắn tin với người bán để trao đổi thêm về thời gian giao hàng.
Chị Đỗ Phương Chi - một người đã mua hàng trên Zalo Connect - cho biết chị đã đặt mua rau và trái cây cho gia đình với số lượng đủ dùng trong 4 ngày. Cả đơn hàng có giá khoảng 300.000 đồng đã bao gồm cả chi phí vận chuyển. Với cách đặt hàng này, chị có thể nhận được đơn hàng đầy đủ trong ngày hôm sau hoặc trong vòng 2 ngày kể từ khi đặt hàng.
Siêu thị vẫn quá tải đơn hàng
Theo đại diện VinMart, VinMart + việc cho phép shipper được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ góp phần giảm tải cho lực lượng chức năng trong việc cung ứng hàng hóa.
Đồng thời, đây là giải pháp quan trọng để các hệ thống bán lẻ tháo gỡ những vướng mắc trong khâu giao hàng online. Ghi nhận trong ngày 30/8, lượng đơn đặt hàng online tại hệ thống VinMart,VinMart+ tăng cao hơn so với ngày hôm trước.
"Chúng tôi đã thí điểm dịch vụ giao hàng kết hợp cùng với Grab tại một số cửa hàng VinMart+ thuộc quận 7 để đáp ứng các đơn hàng mới, cũng như giải quyết các đơn hàng cũ đang còn tồn", đại diện này cho hay.
Theo đó, phía siêu thị và ứng dụng giao hàng này đang tiếp tục tìm các giải pháp hiệu quả để nhân rộng dịch vụ này ra các quận khác trong thời gian sớm nhất.
Do đang gặp vướng tại khâu nhân sự nên đa số siêu thị đều xảy ra tình trạng dồn ứ, tồn đọng đơn hàng. Ảnh: Phương Lâm. |
Đại diện Saigon Co.op, Aeon Việt Nam cũng cho biết hiện nay các siêu thị đều quá tải đơn hàng do số nhân viên đi làm hạn chế. "Hiện số đơn hàng tăng gấp 3-5 lần so với ngày thường. Chúng tôi đang tập trung xử lý nên chưa thể mở lại trang bán hàng online tại các quận, huyện vùng đỏ", đại diện Saigon Co.op cho hay.
Nhiều siêu thị cũng cho biết vẫn đang mong chờ hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của cơ quan chức năng về việc cấp thêm 20.000 giấy đi đường cho nhân viên ngành bán lẻ để kịp thời bổ sung nhân sự xử lý số lượng đơn hàng còn tồn đọng nhiều ngày qua.
Chiều 30/8, Sở Công Thương TP.HCM cho biết đang theo dõi tiến độ triển khai cho shipper vận chuyển hàng hóa tại các "vùng đỏ", "vùng cam" theo hướng dẫn của UBND TP chứ chưa có kế hoạch sử dụng đội ngũ này "đi chợ hộ" người dân.