Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mùa đông khắc nghiệt bóp nghẹt bánh mì baguette Pháp

Bánh mì baguette vừa được UNESCO công nhận là di sản thế giới sau nhiều nỗ lực của Pháp, song những người thợ làm bánh cho rằng danh hiệu này không thể giúp họ "vượt qua mùa đông".

banh mi baguette anh 1

Bánh mì baguette có lẽ mang đậm chất Pháp hơn cả tháp Eiffel và sông Seine. Nó được hàng triệu người kẹp dưới cánh tay hay buộc sau xe đạp để mang về nhà mỗi ngày. Loại bánh mì này đã tạo nên nhịp sống và trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của Paris suốt nhiều thập kỷ.

Vào ngày 30/11, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận bánh mì baguette là “di sản văn hóa phi vật thể”, xứng đáng được nhân loại bảo tồn.

Quyết định này không chỉ giúp lưu giữ kiến thức về bánh mì baguette, mà còn tôn vinh một lối sống gắn liền với ổ bánh mì nóng giòn đang dần xói mòn vì những biến động kinh tế trong thời gian gần đây.

Một phần bản sắc Pháp

Theo New York Times, quyết định của UNESCO được đưa ra khi các tiệm bánh mì ở vùng nông thôn nước Pháp dần biến mất, dưới áp lực của cuộc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành tại châu Âu.

“Tin vui này đến trong một bối cảnh phức tạp”, ông Dominique Anract, chủ tịch Liên đoàn các Tiệm bánh và Bánh ngọt Pháp, cũng là người dẫn đầu nỗ lực đưa bánh mì baguette vào danh sách di sản của UNESCO, cho biết.

Ông Anract nói thêm: “(Ở Pháp) khi một đứa trẻ bị sâu răng, cha mẹ sẽ để chúng nhai một mẩu bánh mì. Và khi lớn lên, công việc đầu tiên mà chúng tự làm cũng là đi mua một chiếc bánh mì baguette”.

Sau thông báo của UNESCO hôm 30/11, phái đoàn Pháp tại UNESCO cũng đã ăn mừng theo phong cách cổ điển, với nụ hôn “la bise” truyền thống và những chiếc bánh mỳ baguette trên tay.

banh mi baguette anh 2

Bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia người Pháp Willy Ronis. Ảnh: Willy Ronis/New York Times.

Tổng thống Emmanuel Macron cũng chúc mừng tin vui này trên Twitter. Ông gọi bánh mì baguette là “250 g ma thuật và sự hoàn hảo trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta”, kèm theo bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia người Pháp Willy Ronis chụp một cậu bé với nụ cười rạng rỡ đang kẹp chiếc bánh mì baguette cao gần bằng người dưới cánh tay.

Baguette vẫn là loại bánh mì phổ biến nhất ở Pháp. Theo Liên đoàn các Tiệm bánh và Bánh ngọt Pháp, hơn 6 tỷ chiếc bánh được bán ra mỗi năm tại quốc gia này với giá trung bình khoảng một euro.

Bánh mì baguette từ lâu đã gắn bó với nhịp sống của người Pháp. Mùi bánh mì nướng phảng phất khắp khu phố lúc bình minh hay hình ảnh những người qua đường vội vã cắn chiếc bánh mì nóng hổi vào cuối ngày, vẫn luôn in sâu trong tâm trí của nhiều người dân địa phương.

Theo các nhà sử học, bánh mì baguette đã phát triển qua nhiều giai đoạn. Những ổ bánh mì thon dài được các thợ làm bánh người Pháp sản xuất vào năm 1600. Ban đầu, chúng được coi là loại bánh mì dành cho những người Paris khá giả - đủ khả năng mua một sản phẩm nhanh hỏng, trái ngược với loại bánh mì tròn, nặng nề của nông dân.

Bruno Laurioux, một nhà sử học người Pháp chuyên về thực phẩm thời trung cổ, cho biết kể từ sau Thế chiến II, bánh mì baguette mới trở thành mặt hàng chủ lực ở vùng nông thôn nước này.

Song người Pháp ban đầu không nhận ra sự gắn kết giữa họ và loại bánh mì đặc biệt này.

“Những người đầu tiên nói về cách người Pháp ăn bánh mì baguette - loại bánh mì rất lạ và khác biệt này - là những du khách đến Paris vào đầu thế kỷ XX”, ông Laurioux cho biết. “Chính quan điểm của người ngoài cuộc đã khiến baguette trở thành một phần bản sắc Pháp”.

Kể từ đó, người Pháp đã công nhận nó. Hàng năm, họ tổ chức một cuộc thi bên ngoài nhà thờ Đức Bà, ở Paris, để chọn ra thợ làm bánh mì baguette giỏi nhất. Người chiến thắng không chỉ giành được sự công nhận mà còn có hợp đồng một năm phục vụ tại Điện Élysée - nơi tổng thống cư trú và làm việc.

banh mi baguette anh 3
Bánh mì baguette được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: New York Times.

Khó vượt qua mùa đông

Pháp đã nộp hơn 200 đơn chứng nhận để bánh mì baguette được tôn vinh là di sản văn hóa thế giới, bao gồm cả những bức thư từ thợ làm bánh và bức vẽ của trẻ em.

Trong đó, một bài thơ của thợ làm bánh Cécile Piot viết:

“Tôi ở đây

Ấm áp, nhẹ nhàng, huyền diệu

Dưới cánh tay hay trong giỏ hàng

Hãy để tôi tạo nhịp sống cho cả những ngày nhàn rỗi và bận rộn của bạn”.

Nhiều thợ làm bánh trên khắp nước Pháp đã chia sẻ niềm vui khi nhận được thông báo của UNESCO. “Kể từ bây giờ, nó đã được UNESCO bảo vệ”, Sylvie Debellemaniere tự hào trao chiếc bánh mì baguette cho một vị khách vào tối 30/11.

Đối với cô, bánh mì baguette là một phần “huyền thoại” trong cuộc sống của người Pháp và là một món ăn “rất công phu”, theo Washington Post.

banh mi baguette anh 4

Một thợ làm bánh mì baguette ở Pháp. Ảnh: New York Times.

Với vị thế mới của bánh mì baguette, chính phủ Pháp đã lên kế hoạch tổ chức Bakehouse Open Day để “nâng cao uy tín bí quyết sản xuất bánh mì baguette”, đồng thời tài trợ học bổng và các chương trình đào tạo mới cho thợ làm bánh.

Tuy nhiên, bánh mì baguette đang bị đe dọa. Pháp đã mất 400 tiệm bánh thủ công mỗi năm kể từ năm 1970. Sự sụt giảm đặc biệt nghiêm trọng ở vùng nông thôn nước này, nơi các tiệm bánh truyền thống không thể vượt qua áp lực từ các siêu thị và chuỗi cửa hàng.

Không những vậy, kể từ năm 2017, doanh số bánh mì kẹp thịt đã vượt qua doanh số của jambon-beurre - loại bánh mì baguette phết bơ kẹp giăm bông.

Và đó vẫn chưa phải “nỗi sợ hãi” cấp bách nhất với những người thợ làm bánh mì baguette ở Paris. Trong những tháng gần đây, giá bột mì ngày càng tăng cao do chiến sự ở Ukraine, buộc họ phải tăng giá bánh.

Theo Reuters, giá bánh mì đã tăng gần 1/5 tại Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 8, khi xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn - gây gián đoạn thị trường toàn cầu, trong đó mức tăng trung bình ở Pháp là 8%.

“Sự công nhận của UNESCO không phải là thứ sẽ giúp chúng tôi vượt qua mùa đông”, Pascale Giuseppi, chủ một tiệm bánh mì baguette gần đại lộ Champs-Élysées, chia sẻ. “Chúng tôi vẫn còn những hóa đơn lớn hơn phải trả”.

Gần đó, một thợ làm bánh khác tên Jean-Luc Aussant, cũng nói rằng anh “không thực sự có tâm trạng để ăn mừng bất cứ điều gì”. Aussant phủi bột trên bàn tay và than vãn sự công nhận của UNESCO sẽ “chẳng thay đổi được gì”.

“Nếu có, tôi nghĩ có thể dùng danh hiệu này như một cái cớ để tăng giá bánh mì baguette”, anh nói thêm.

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.

Bánh mì tăng giá

Lạm phát khiến chi phí bột mì, các loại hạt đến trứng và thậm chí cả điện tăng cao đang buộc những nhà sản xuất bánh ở châu Âu phải tăng giá sản phẩm và cắt giảm sản lượng.

Những kệ hàng trống không trong siêu thị khắp thế giới

Người tiêu dùng toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng thực phẩm bị thiếu hoặc tăng giá, từ các mặt hàng cơ bản như bánh mì, bơ, đến thịt, đồ uống và gia vị.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm