Politico nhận định đây là một phần nỗ lực của Nhà Trắng trong việc mở rộng sự hiện diện ở Bắc Cực nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc.
Viết trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết lãnh sự quán ở thủ phủ Nuuk của Greenland được khai trương hôm 10/6.
“Sự hiện diện của chúng tôi ở Nuuk sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác của chúng tôi với các đồng minh Bắc Cực, và tăng cường sự thịnh vượng chung với những người bạn ở Đan Mạch và Greenland của chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn các đồng minh đã giúp chúng tôi thực hiện bước tiến quan trọng này”, ông Pompeo viết.
Phái đoàn ngoại giao Mỹ đã hoạt động Nuuk ở từ năm 1940-1953. Thông báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi Nhà Trắng chỉ đạo các cơ quan lên kế hoạch phát triển một hạm đội tàu phá băng mới, để đảm bảo sự hiện diện ổn định của Mỹ ở Bắc Cực và Nam Cực.
Mỹ mở lại lãnh sự quán ở Greenland sau 67 năm. Ảnh: AFP via Getty. |
Tháng 8/2019, Tổng thống Trump xác nhận ông định mua hòn đảo vốn là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khi đó nói: “Greenland không phải để bán. Greenland không phải của Đan Mạch. Greenland thuộc về Greenland. Tôi thực sự hy vọng rằng đấy không phải một ý tưởng nghiêm túc”.
“Đó là cuộc thảo luận lố bịch. Thủ hiến Greenland Kim Kielsen tất nhiên đã nói rõ rằng Greenland không phải để bán”, bà Frederiksen nói với tờ Sermitsiaq.
Chính quyền Trump đã yêu cầu lấy trong ngân sách tháng 2 một khoản 587.000 USD để Bộ Ngoại giao xây dựng lãnh sự quán vĩnh viễn nhằm thúc đẩy phát triển cách lĩnh vực du lịch, y tế và tài nguyên thiên nhiên của Greenland.
Vào tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp 12,1 triệu USD để viện trợ cho Greenland, theo một quan chức được mô tả là người nỗ lực chống lại lợi ích của Trung Quốc và Nga trong khu vực.
“Việc mở lại lãnh sự quán Nuuk là sự mở rộng đầu tư của chúng tôi vào mối quan hệ đó, với mong muốn mối quan hệ an ninh, kinh tế và người với người giữa Mỹ, Greenland và Vương quốc Đan Mạch ngày một sâu sắc hơn”, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói hồi tháng 4.