Có lẽ, rất lâu rồi mới có một số của game show truyền hình mà sau khi lên sóng khán giả phải phàn nàn “sao mà ngắn thế”, “sao mà cắt nhiều thế”, “sao lại không dài hơn”. Tập 3 của Ký ức vui vẻ đã làm được điều ấy.
Không phải vì chương trình xuất hiện những gương mặt “hot”, cũng không phải vì một format mới mẻ vì Ký ức vui vẻ đã lên sóng tới mùa 2. Đơn giản, bởi tập 3 của chương trình này đã gợi nhớ về thanh xuân đẹp đẽ với những ký ức khó có thể nào quên về Mưa bụi, tuyển tập âm nhạc đã sống cùng hơn một thế hệ khán giả.
Mưa bụi trên sóng truyền hình VTV mới đây. |
“Mưa bụi” bắt nguồn từ đầu?
Mưa bụi là một nhạc tập phát hành vào năm 1990. Sản phẩm được phát hành dạng đĩa gồm 10 ca khúc với các ca sĩ ăn mặc thời trang lối Hong Kong thời thượng. MC là phát thanh viên Phương Thảo.
Không giới hạn về thể loại, Mưa bụi chinh phục được số đông công chúng nhờ hợp chất nhạc hợp thị hiếu với các ca khúc gồm cả nhạc vàng, nhạc trữ tình dân ca, nhạc trẻ, nhạc Hoa lời Việt và cải lương.
Sản phẩm ngay lập tức đạt thành công thương mại từ TP.HCM. Cũng từ đây đơn vị sản phẩm mở rộng hợp tác với nhiều nghệ sĩ và tiến hành sản xuất mỗi năm một đĩa. Bối cảnh ghi trải dài từ Nam ra Bắc. Sau thời gian thành công về âm nhạc, Mưa bụi còn có những tiết mục pha hài, chiếm trọn tình cảm của khán giả.
Về nguồn gốc của Mưa bụi, nhiều khán giả vẫn nghĩ là ý tưởng của Trung tâm Kim Lợi, tuy nhiên, xuất hiện tại Ký ức vui vẻ, Đình Văn đính chính về tác giả thực sự của Mưa bụi: “Không phải Kim Lợi mà Hữu Minh, tức nhạc sĩ Minh Vy, phu quân của Cẩm Ly mới là tác giả của Mưa bụi. Lúc đó, Hữu Minh chỉ mới có 18 tuổi”.
Bản thân nhạc sĩ Hữu Minh cùng từng chia sẻ về nguồn gốc của Mưa bụi là một chiều buồn khi cả đoàn đi quay cảnh làm karaoke trên Đà Lạt, thì gặp mưa bụi.
“Cam đoan chỉ ở Đà Lạt mới có mưa bụi. Đó là những hạt mưa nhẹ và mỏng manh lạ lùng, chỉ làm mềm tấm áo, không làm người ta ướt sũng, ý tưởng này sẽ dùng làm chủ đề cho video ca nhạc của Tài Linh. Máy M2 sẽ quay và đặc tả được mưa bụi”, nam nhạc sĩ chia sẻ.
Và một sản phẩm mới ra đời, với ý nghĩa giới thiệu quê hương bằng hình ảnh và âm nhạc. Theo nhạc sĩ Hữu Minh, đó là thế mạnh của phim ca nhạc trong nước, điều mà hải ngoại khó có thể làm được.
Tài Linh là một trong những nghệ sĩ "làm mưa làm gió" trên thị trường nhờ Mưa bụi. |
Nhiều nghệ sĩ thành sao nhờ “Mưa bụi”
Xem Mưa bụi ở hiện tại không khó để nhận ra những thô sơ về hình ảnh, âm nhạc. Tuy nhiên, ở thời điểm thập niên 90, sản phẩm này như một làn gió mới thổi vào đời sống âm nhạc trong bối cảnh nhạc ngoại đang được ưa chuộng và có thể “lấn chiếm” toàn bộ thị trường.
Làn gió mới này cũng đã góp phần đưa nhiều tên tuổi nghệ sĩ đến với công chúng. Tài Linh vốn là dân cải lương nhưng lại chuyển sang hát nhạc có phần trẻ trung với Đình Văn. Cả hai trở thành cặp đôi được yêu thích đặc biệt.
Cùng với đó là rất nhiều nghệ sĩ khác đã nổi tiếng, thành danh được yêu mến nhờ Mưa bụi như Chế Thanh, Thành Lộc, Hồng Vân, Kim Tử Long, Đình Văn, Duy Phương, Bảo Chung, Minh Nhí, Hữu Châu và cả các gương mặt trẻ hơn như Minh Thuận, Lam Trường, Cẩm Ly, Minh Tuyết, Cát Phượng, Nhật Cường,…
Mưa bụi không chỉ giới hạn là một sản phẩm âm nhạc mà còn góp phần đưa nhiều diễn viên, nghệ sĩ hài đến với công chúng. Có người thậm chí còn hết bị tẩy chay, được tiền bạc nhờ sản phẩm này.
“Tôi có nhà, có xe như hôm nay là nhờ Mưa bụi. Tôi cũng hết bị tẩy chay nhờ sản phẩm này”, Hồng Vân tiết lộ.
Chuyện là đầu thập niên 1990, vở diễn Bà mất gà, ông mất nết của đoàn Sao Đêm là một trong những vở được khán giả miền Nam cực kỳ đón nhận nhưng hoàn toàn thất bại khi đến với khán giả miền Bắc.
"Vì khán giả miền Bắc lạ lẫm và không thích cách diễn nhại giọng Bắc của các nghệ sĩ trong vở này nên tẩy chay dữ dội. Nhưng sau khi Mưa bụi 1 vừa được phát hành, cuộc đời tôi bước sang một trang mới khi sức lan tỏa của chương trình quá lớn. Sau đó, đoàn lưu diễn Sao Đêm trở lại miền Bắc và được khán giả đón nhận nồng nhiệt”, nữ nghệ sĩ nhắc lại kỷ niệm xưa.
Chế Thanh thì thành thật anh còn trụ vững được đến hôm nay là nhờ Mưa bụi. Trong khi, Kim Tử Long không quên được cảnh khán giả Hà Nội tặng bội tiền trên sân khấu vì quá yêu thích Mưa bụi.
Đình Văn, Chế Thanh và Kim Tử Long của năm 2019. |
Những ký ức thanh xuân đẹp đẽ
Trên mạng xã hội, nhiều khán giả chia sẻ rằng họ đã dành thời gian xem lại Mưa bụi của ngày xưa sau chương trình Ký ức vui vẻ. Và kỷ niệm như được sống lại.
“Không thể quên được thời gian ấy, xem đi xem lại, xem đến đĩa còn xước, vấp. Các nghệ sĩ rất chân thật, hát tự diễn và diễn cũng tự nhiên. Đó quả thực là một thời thanh xuân đẹp đẽ, không thể nào quên”, tài khoản Nguyễn Thư Hoài bày tỏ.
Trong khi đó, tài khoản Minh Tuấn nhớ lại: “Thời đó công nghệ chưa phát triển, Mưa bụi có lẽ là sản phẩm chỉn chu nhất về hình ảnh thời điểm đó. Do vậy, Mưa bụi có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, nhiều người thậm chí còn mặc và để tóc giống với các nghệ sĩ”.
Với 100 phút mỗi tập, Mưa bụi đã bền bỉ chinh phục khán giả và có sức sống mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ. Nhạc tập này chỉ thực sự đuối sức khi bước vào thập niên 2000. Khi ảnh hưởng Làn sóng xanh vang dội, Mưa bụi dần mất vị trí trên thị trường và nhường chỗ cho các hình thức âm nhạc trẻ trung, được đầu tư kỹ lưỡng hơn.
Dù Mưa bụi vẫn được sản xuất sau đó nhưng sức hấp dẫn không còn như xưa. Đến hôm nay, cả Mưa bụi và Làn sóng xanh đều chỉ còn là những ký ức đẹp, giúp khán giả nhớ lại một thời kỳ âm nhạc đã qua, cũng đầy sáng tạo và say mê.