7 năm đã trôi qua kể từ ngày Sir Alex Ferguson giải nghệ. MU từ vị thế của đội bóng thống trị nước Anh, trở thành kẻ vất vả cạnh tranh cho cuộc đua giành suất dự Champions League.
Chiến lược gia người Scotland đóng vai trò không nhỏ cho sự sa sút ấy, qua việc gieo cấy những hạt mầm đem đến sự lụn bại.
Sir Alex Ferguson vẫn là nhân vật đứng sau nhiều quyết định của MU. Ảnh: Getty. |
“Người được chọn”
Chọn Moyes, người đồng hương thay vì Jose Mourinho hay nhiều HLV danh tiếng (nhiều tin đồn có cả Pep Guardiola), được xem là một trong những quyết định nổi tiếng và sai lầm nhất của Alex Ferguson.
Sau này, cựu HLV người Scotland thanh minh nhiều về phương án chọn Moyes năm xưa: “Khi bắt đầu tìm kiếm những ứng viên thay thế, tôi đã liên hệ với vài người”.
“Tôi bảo Pep nhớ điện cho tôi khi có CLB nào đề nghị nhé, vậy mà cậu ta không làm và rồi gia nhập Bayern vào tháng 7/2013”, Ferguson kể lại trong cuốn tự truyện năm 2015. “Mourinho đã hứa với Roman Abramovich, Carlo Ancelotti thay chính Mourinho ở Real. Klopp hạnh phúc tại Dortmund, còn Louis van Gaal đang dẫn tuyển Hà Lan đến World Cup 2014”.
Tuy nhiên, có phiên bản khác của câu chuyện MU chọn HLV được những người thân cận của Jose Mourinho kể lại. Trong giai đoạn cuối tại Real, “Người đặc biệt” đã không thể tin nổi vào mắt mình, khi đọc thấy thông tin Moyes trở thành “Người được chọn” của MU trên báo.
Jose Mourinho thậm chí nhiều lần hỏi siêu cò Jorge Mendes để xem có cách nào hủy bỏ quyết định trên không. Mourinho từ lâu luôn ao ước dẫn dắt MU và phải đến 3 năm sau ông mới thỏa nguyện. Lời thanh minh của Alex Ferguson vì thế bị đặt dấu hỏi.
Cho dù sau này khá nhiều cầu thủ và chuyên gia Anh đã bao biện cho sự thất bại của Moyes tại Old Trafford như sự thiếu kiên nhẫn của BLĐ, đội hình đổ nát hậu Sir Alex. Tuy nhiên, việc sự nghiệp HLV của Moyes trở nên lận đận sau khi rời MU đã nói lên nhiều thứ. Chiến lược gia người Scotland chỉ dẫn dắt các đội bóng hạng trung bình yếu và không gây được ấn tượng.
Bên cạnh đó, vào thời điểm Alex Ferguson chuẩn bị giải nghệ, vẫn còn các ứng viên khác sau này thể hiện được khả năng như Masimmiliano Allegri hay Antonio Conte. Chọn Moyes vì thế được xem như quyết định mang ý chí của Sir Alex.
The Busby Babe, một trong những trang blog nổi tiếng nhất trong cộng đồng fan MU, từng nhận định: “Sir Alex đã nhận đều đặn 3 triệu bảng mỗi năm cho vai trò cố vấn và đại sứ tại CLB từ khi nghỉ hưu, vai trò của ông cho sự sa sút của đội bóng, vì thế không thể được xem nhẹ”.
Hạt mầm mang tên Moyes của Alex Ferguson đã khiến MU đi lùi. Và những quyết định đầy hỗn loạn sau đó của ban lãnh đạo MU trên ghế huấn luyện cũng nhuốm màu cố vấn của Sir Alex.
Năm 2016, có thông tin Ferguson từng muốn MU bổ nhiệm Ryan Giggs thay vì Jose Mourinho. Trong khi đó, Ed Woodward không muốn tiếp tục đi theo vết xe đổ mang tên Moyes hay Van Gaal, bởi những tác động của đội ngũ cố vấn.
Alex Ferguson được cho đứng sau quyết định bổ nhiệm Moyes. Ảnh: Getty. |
Đội hình đổ nát
“Sau khi Moyes kế nhiệm, chúng tôi chỉ về đích thứ 7 ở Premier League. Khi ấy Paul Scholes treo giày, còn Ryan Giggs đá bóng vừa tham gia huấn luyện. Những ai gia nhập Man Utd sau thời Ferguson đều gặp khó khăn. Trình độ của đội bóng khi đó đã giảm sút”, Robin van Persie chia sẻ mới đây.
Tháng 10/2015, trong bài phỏng vấn với BBC, Alex Ferguson cũng thừa nhận ông đã để lại đội hình “không đúng tiêu chuẩn và già nua” cho Moyes.
Trong sự nghiệp HLV của mình tại MU, Ferguson được biết đến với tư cách HLV sẵn sàng vung tiền mua sắm các ngôi sao. Ông cũng sẵn sàng gây chiến với BLĐ đội bóng vào những năm đầu thế kỷ 21 để tăng ngân sách chuyển nhượng.
Tuy nhiên, kể từ khi MU bán Cristiano Ronaldo cho Real Madrid với giá kỷ lục 94 triệu euro, chiến lược gia người Scotland đã thỏa hiệp với các ông chủ nhà Glazer về nhiều quyết định mua sắm.
Alex Ferguson mang về Michael Owen và Antonio Valencia ngay sau đó để thay thế, mua thêm Gabriel Obertan - cầu thủ sau này có sự nghiệp không mấy thành công. Một năm sau, ông mua thêm Javier Hernandez, Chris Smalling và bản hợp đồng Bebe lưu danh sử sách với giá tổng cộng 24 triệu euro.
Những bản hợp đồng mang tính kế thừa của Ferguson trong giai đoạn cuối tại MU chỉ đếm được trên đầu ngón tay như David de Gea, hay phần nào là Ashley Young,... Bản hợp đồng Robin van Persie đến từ Arsenal gần như chỉ mang tính chất chữa cháy và giúp HLV này thoả ước mơ vô địch trong mùa giải cuối.
Các đời HLV MU sau này phải mua sắm liên tục để thay đổi đội hình mà Sir Alex để lại. Ảnh: Getty. |
Khoảng trống quyền lực
Tự thân Ferguson chưa bao giờ là HLV xuất chúng về chiến thuật hay định hình phong cách thi đấu đặc trưng cho đội bóng. Guardian từng tiết lộ sự ra đi của trợ lý thân tính Carlos Queiroz vào năm 2008 đã để lại khoảng trống lớn về chiến thuật trong các buổi tập của MU.
The Busby Babe phân tích khoảng trống này đã được thể hiện trong những thành công “kịch tính” của Ferguson ở giai đoạn cuối tại MU. Dấu ấn tinh thần trong các chiến thắng của nửa đỏ thành Manchester là đậm nét hơn yếu tố chuyên môn.
Và khi MU không còn “người cha tinh thần” mang tên Ferguson, mọi nhược điểm chuyên môn lộ ra gây ảnh hưởng nặng nề. Lý do khác đó là Ferguson cũng không thể tạo ra những người kế thừa đủ tốt nhằm cản phần nào sự sa sút của đội bóng.
MU và chiến lược gia người Scotland dường như không thể rút ra bài học từ chính người tiền nhiệm Matt Busby trong quá khứ. Sau khi Matt Busby tuyên bố giải nghệ vào năm 1969, khoảng trống quyền lực quá lớn mà cố HLV này để khiến MU phải mất tới 17 năm để có thể hồi phục lại, với sự xuất hiện của chính Ferguson.
Liệu các CĐV MU có thể chờ đợi tới 17 năm? Với bóng đá hiện đại, đó là quãng thời gian dài khủng khiếp.