Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mr. X' và dòng ma túy từ Lào tỏa đi các nước lân cận

Dù không có cảng biển nào nhưng với đường biên giới lỏng lẻo giáp 5 quốc gia, Lào trở thành địa điểm đầu tiên trên đường đi của ma túy đá từ Tam giác Vàng đến các khu vực khác.

Ngày 22/1/2017 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, nhiều du khách bất ngờ khi rất đông cảnh sát Thái Lan xuất hiện và bắt giữ một hành khách trên chuyến bay từ Phuket vừa hạ cánh.

Danh tính của hành khách sau đó được xác định là Xayasana Keopimpha, doanh nhân 41 tuổi người Lào, nổi tiếng trên mạng xã hội với bộ sưu tập siêu xe và trường dạy đua ngựa ở Vientiane. Xayasana cũng có mối quan hệ thân thiết với một số người nổi tiếng ở Bangkok.

Ma tuy da tu Tam giac Vang den Lao anh 1
Xayasana Keopimpha bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok. Ảnh: Straits Times.

Ông trùm đến từ Lào

Cảnh sát Thái Lan sau đó tuyên bố người này chính là ông trùm ma túy với mạng lưới phân phối từ Lào đến các quốc gia lân cận, trong đó có Thái Lan và Malaysia. Xayasana, còn được biết đến với tên gọi "Mr. X", được cho là chủ mưu trong đường dây vận chuyển hàng triệu viên yabba (ma túy đá trộn caffeine) cùng hàng tấn ma túy đá từ Lào vào Thái Lan qua hướng cửa khẩu Nong Khai trên tuyến biên giới 2 nước.

Tòa án Thái Lan ban đầu đề nghị tử hình Xayasana, nhưng ông trùm thành khẩn nhận tội nên được giảm án xuống chung thân. Vụ bắt giữ là một phần trong chiến dịch đẩy lùi ma túy đá của cảnh sát Thái Lan, vốn liên tục phát hiện và bắt giữ lượng ma túy đá kỷ lục trong những năm qua.

Trước đó vào ngày 10/1/2017, cảnh sát Lào bắt giữ trùm ma túy 50 tuổi Khonpasong Soukkaseum (còn gọi là Xiengther) tại Vientiane. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an Lào) Thonglek Mangnormek đánh giá Khonpasong cầm đầu băng nhóm buôn ma túy với quy mô lớn hơn băng của Xayasana. Nguồn tin báo chí Lào cho biết khi bị bắt, Xiengther đã đề nghị hối lộ 800.000 USD tiền mặt để thoát tội.

Việc Xayasana cùng một số trùm ma túy người Lào khác bị bắt giữ cho thấy quốc gia nhỏ bé này đang ngày càng nổi lên như đầu mối quan trọng trong mạng lưới vận chuyển và buôn bán ma túy ở khu vực Đông Nam Á.

Ma tuy da tu Tam giac Vang den Lao anh 2
Tính riêng năm 2018, cảnh sát Thái Lan phát hiện và tịch thu 18,4 tấn ma túy đá dạng tinh thể, con số này của năm 2017 chỉ là 5,2 tấn, và năm 2016 là 1,6 tấn. Ảnh: Reuters.

Theo AFP, cảnh sát Thái Lan cho biết họ cùng lúc xử lý 3 mạng lưới phân phối ma túy có nguồn gốc từ Lào, tịch thu hàng chục triệu USD tài sản và tiền mặt. Hiện họ vẫn đang tìm kiếm ông trùm của mạng lưới thứ 4 là Usman Salameang, một người Thái đang lẩn trốn ở Lào, kiểm soát tuyến đường vận chuyển ma túy xuyên biên giới Thái Lan vào Malaysia.

Mọi con đường đều dẫn tới Lào

Tam giác Vàng, khu vực nổi tiếng giữa biên giới 3 nước Myanmar, Lào và Thái Lan hiện là nơi sản xuất nhiều ma túy đá nhất thế giới, theo thống kê của Văn phòng Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC). Đây cũng là nơi sản xuất heroin nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Afghanistan.

Ông Jeremy Douglas, giám đốc UNODC khu vực Đông Nam Á, cho biết để chống lại sức ép từ cảnh sát Thái Lan, các tổ chức tội phạm ma túy đã chuyển hướng đưa ma túy đá từ Tam giác Vàng đến Lào để tập kết trước khi di chuyển đi các nơi khác.

Mặc dù không có cảng biển nào, nhưng Lào có đường biên giới giáp ranh với 5 quốc gia là Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia. Bên cạnh việc đường biên giới này đều nằm trên những khu vực hiểm trở, tình hình kiểm tra an ninh ở các cửa khẩu cũng tương đối lỏng lẻo. Chỉ hai trong số tất cả các cửa khẩu của Lào được trang bị máy quét và máy dò X-quang, theo AFP.

Trong khi đó, lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán ma túy cũng khiến cho những tên tội phạm giờ đây có thể trang bị công nghệ tối tân, thậm chí còn cao cấp hơn trang bị của lực lượng an ninh Lào. Ông Onphiuw Khongviengthong đến từ Ủy ban Kiểm soát Ma túy Lào (LCDC) cho biết: "Chúng sử dụng những phương tiện hiện đại và các thiết bị liên lạc mà cảnh sát chúng tôi không có".

Mặc dù chính phủ Lào đã có các biện pháp đẩy mạnh tội phạm buôn bán ma túy trong những năm gần đây, tiêu biểu như việc chia sẻ thông tin với cảnh sát Thái Lan để thực hiện vụ bắt giữ Xayasana, ông Douglas nhận định những kẻ bị bắt vẫn chỉ ở tầm trung gian. Theo chuyên gia này, đứng đằng sau hoạt động buôn bán vận chuyển ma túy ở khu vực là tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, kiểm soát từ sản xuất, vận chuyển đến những hoạt động rửa tiền.

Ma tuy da tu Tam giac Vang den Lao anh 3
Sòng bạc Blue Shield tại đặc khu kinh tế Tam giác Vàng, thuộc sở hữu của doanh nhân Zhao Wei. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng sòng bạc được lập lên để phục vụ rửa tiền cho các hoạt động buôn bán ma túy và tội phạm ở khu vực. Ảnh: Reuters.

Con cá lớn trong trường hợp này được cho là Zhao Wei, doanh nhân gốc Hoa đang làm ăn tại đặc khu kinh tế Tam giác Vàng ở Lào. Vào tháng 1/2018, Bộ Tài chính Mỹ đã ra lệnh cấm vận với cá nhân này vì cáo buộc đứng đầu tổ chức tội phạm khu vực, hoạt động từ buôn người, buôn lậu ma túy cho đến buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã trái phép.

Trong khi đó, UNODC cũng đang tìm cách giải quyết tình trạng người dân Lào ở các khu vực hẻo lánh trồng cây anh túc để sử dụng và bán làm heroin. Tại khu vực tỉnh Houaphan, giáp biên giới với Việt Nam, 10 ngôi làng của những người Hmong, vốn luôn trong tình trạng nghèo khó, không có lựa chọn nào khác là trồng cây thuốc phiện để có nguồn thu nhập. Nhiều người Hmong đã tham gia vào các đường dây buôn heroin sang Việt Nam và bị bắt giữ.

UNODC từ năm 2018 đã có dự án giúp đỡ những người dân ở đây trồng cà phê, loài cây có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt ở khu vực và đem lại doanh thu ổn định hơn cây anh túc. Tuy nhiên sau khi vấn đề thuốc phiện được xử lý tạm ổn, cơn lốc ma túy đá lại ập tới khiến các cơ quan chức năng Lào loay hoay chống chọi.

Ảnh hưởng tới Việt Nam

Chỉ trong 6 ngày từ 12-17/4, các lực lượng chức năng Việt Nam đã phát hiện số lượng ma túy khủng trong 3 vụ án tại Nghệ An và TP HCM, với khối lượng lên tới hơn 2 tấn, trong đó hầu hết là ma túy đá.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc công an TP HCM, cho biết: "Các đường dây ma tuý nước ngoài chọn TP HCM vì có giao thông kết nối nhanh với các nước, nhiều cảng biển, thuận tiện giao thương. Ngoài ra, chúng ta quản lý ngoại tệ còn yếu kém, cửa khẩu còn thiếu sót so với các nước khác".

Sau khi đưa ma túy từ Lào, Thái Lan, Campuchia vào Việt Nam, những tên cầm đầu đường dây, thường là người nước ngoài, sẽ chọn TP HCM là điểm trung chuyển ma túy đi các nước thông qua đường biển.

Ma tuy da tu Tam giac Vang den Lao anh 4
Lực lượng chức năng Việt Nam đã bắt giữ số lượng kỷ lục ma túy đá trong thời gian vừa qua. Ảnh: Công an cung cấp.

Ngoài ra, để qua mắt lực lượng chức năng, tội phạm thường ngụy trang ma túy vào trong các bao bì trà, cà phê, hạt nhựa, linh kiện điện tử, loa thùng. Địa điểm tập kết là các nhà xưởng thuê ngắn hạn từ 1-3 tháng hoặc những nơi kín đáo, được che chắn kỹ.

Chuyên gia Inshik Shim, nhà phân tích của UNODC ở khu vực, cho rằng những vụ bắt giữ ma túy có nguồn gốc từ Lào tại Việt Nam đang tăng nhanh, tuy nhiên số lượng các vụ bắt giữ lại đang thấp "một cách hơi lạ" tại các tuyến đường thường được sử dụng để vận chuyển ma túy trước đó qua Campuchia.

Ông Shim nhận định điều kiện giao thông tại các tuyến đường qua Campuchia là hết sức thuận lợi cho việc vận chuyển ma túy, và lực lượng chức năng các nước cần phải phối hợp và chú ý đến lộ trình này.

Chuyên gia LHQ: Ma túy từ Tam giác Vàng đi qua VN sẽ lên mức kỷ lục

Chuyên gia từ cơ quan chống ma túy Liên Hợp Quốc cảnh báo các đường dây buôn ma túy đá từ Tam giác Vàng đang dịch chuyển về phía Việt Nam và chúng ta phải sẵn sàng để đối phó.

Bắt ma túy 'khủng' ở TP.HCM - bùng nổ từ Tam giác Vàng tới châu Á

Quan chức phòng chống tội phạm của Liên Hợp Quốc mô tả sản lượng ma túy ở khu vực Tam giác Vàng đang tăng nhanh "chưa từng thấy", đặc biệt là ma túy đá và các loại ma túy tổng hợp.



Quốc Thăng

Bạn có thể quan tâm