Chỉ hơn một tuần trước, lực lượng chức năng đã bắt giữ 300 kg ma túy đá tại quận Bình Tân thì tới tối 27/3, CA TP.HCM đã lại bắt được một lượng ma túy "khủng" ở ngay cầu vượt An Sương với 900 bánh heroin (315 kg). Cùng thời gian này, cảnh sát Philippines, có sự phối hợp từ công an Việt Nam, đã bắt giữ 276 kg ma túy đá ở thủ đô Manila.
Hai vụ bị bắt ở TP.HCM đều do các đối tượng nước ngoài cầm đầu và nguồn ma túy đều là từ vùng Tam giác Vàng vận chuyển tới. Vụ việc dấy lên hồi chuông về nguy cơ VN và TP.HCM có thể trở thành trung tâm trung chuyển của ma túy từ Tam giác vàng.
Từ lâu khu vực Tam giác Vàng, nơi biên giới của Lào, Thái Lan và Myanmar gặp nhau, đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất ma túy hàng đầu thế giới. Nếu như trước đây khu vực này nổi tiếng với những cánh đồng thuốc phiện và sản phẩm chính là heroin, thì bây giờ mọi thứ đã thay đổi.
Nhu cầu gia tăng dành cho các loại ma túy tổng hợp, đặc biệt là ma túy đá (methamphetamine) cũng khiến các băng nhóm tội phạm ở khu vực chuyển hướng sang sản xuất những chất kích thích này. Những cánh đồng hoa anh túc và việc buôn lậu heroine đã giảm, nhưng thay vào đó, các loại ma túy tổng hợp, đặc biệt là ma túy đá, lại xuất hiện nhiều hơn.
Khu vực Tam giác Vàng trên bản đồ. Đồ họa: maps4news.com |
Nếu như ma túy tổng hợp rất khó để sản xuất ở các nước phương Tây vì nguồn tiền chất được quản lý chặt chẽ, việc có được những tiền chất này với số lượng lớn từ Trung Quốc hoặc các quốc gia lân cận khu vực Tam giác Vàng là điều tương đối dễ dàng.
Các quan chức phòng chống ma túy các nước Châu Á - Thái Bình Dương từng nhóm họp tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar vào tháng 11/2018 để thảo luận về cách thức hạn chế tình trạng bùng nổ ma túy tổng hợp ở khu vực. Đại diện khu vực của Văn phòng Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), ông Jeremy Douglas cho biết sản lượng ma túy "nhiều chưa từng thấy", và nhận định để sản xuất được nhiều ma túy tổng hợp như vậy cần một lượng tiền chất lớn tương đương.
Các vụ bắt giữ ma túy đá ở khu vực xung quanh Tam giác Vàng đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, thậm chí cảnh sát của Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng phát hiện được số lượng ma túy tổng hợp có nguồn gốc từ khu vực này. Càng đi xa thì giá ma túy sẽ càng cao.
Theo số liệu của UNODC, giá để mua ma túy đá trên đường phố đã giảm đi ở nhiều nước trong khu vực, điều cho thấy nguồn cung đang trở nên dồi dào.
Ai là người sản xuất?
Theo CNN, phần lớn lượng ma túy đá xuất hiện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bắt nguồn từ bang Shan phía bắc Myanmar, đặc biệt là ở 2 khu vực đặc biệt của người Ngõa (Wa), đây là nơi mà trên lý thuyết là một bộ phận hành chính của bang Shan, Myanmar nhưng thực tế thì được điều hành theo kiểu tự trị với lực lượng vũ trang riêng.
Một quân nhân người Ngõa đứng canh cánh đồng hoa anh túc vào năm 1995. Ảnh: Getty. |
Khu vực này có địa bàn vô cùng hiểm trở, với núi non và các thung lũng sâu khiến việc tiếp cận trở nên vô cùng khó khăn và là địa bàn tuyệt vời cho các hoạt động sản xuất ma túy. Không chỉ vậy, quân đội tự trị của người Ngõa cũng bị cáo buộc là hoạt động dựa trên số tiền kiếm được từ ma túy.
Đây cũng là một khu vực rất khép kín và theo phóng viên Joshua Berlinger của CNN, nhiều người còn nói đùa rằng để đến được đó còn khó hơn cả tới Triều Tiên. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, sản lượng thuốc phiện và heroin ở khu vực đã giảm xuống trong những năm qua, thay vào đó thì những "nhà sản xuất" ở khu vực này đã chuyển sang kinh doanh ma túy tổng hợp, vừa để phục vụ nhu cầu thị trường và hơn nữa, ma túy tổng hợp dễ sản xuất và mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với ma túy truyền thống.
Ma túy đá có thể được sản xuất trong nhà, sử dụng các loại hóa chất để bào chế, và cũng yêu cầu ít nhân lực hơn, thay vì một lượng lớn người để trồng, chăm sóc và thu hoạch như cây thuốc phiện. Các phòng điều chế ma túy tổng hợp cũng gọn hơn, dễ dàng di chuyển và phá hủy trong thời gian ngắn, bạn không thể làm điều tương tự với một cánh đồng hoa anh túc.
Sau cuộc họp năm 2018 tại Naypyidaw, Thứ trưởng Nội vụ Myanmar, Thiếu tướng Aung Thu cho biết: "Trong khi một lượng ma túy đáng kể bắt nguồn từ đất nước chúng tôi, chúng tôi không phải là nơi sản xuất các tiền chất".
Trung Quốc, quốc gia có đường biên giới với bang Shan của Myanmar, đã có cuộc truy quét các cơ sở sản xuất ma túy đá trong giai đoạn 2013-2014 tại phía nam đất nước. Sự bùng nổ sản lượng ma túy đá tại Myanmar gần đây có thể coi là kết quả của đợt truy quét đó.
Những nguyên liệu để sản xuất ma túy tổng hợp ở phía bắc Myanmar được cho là hầu hết bắt nguồn từ Trung Quốc. Hóa chất từ các nước khác trong khu vực, như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam cũng được tìm thấy ở Myanmar, theo Al Jazeera.
Các thiết bị của một cơ sở sản xuất ma túy đá được phát hiện tại bang Shan hồi tháng 2/2018. Ảnh: Bộ Quốc phòng Myanmar. |
Đường đi của ma túy đá
Khu vực bang Shan từ lâu đã là nơi có giao thông kém phát triển nhất trên thế giới, và việc vận chuyển ma túy trước đây thường diễn ra nhỏ lẻ bằng sức người, đi qua những con đường mòn xuyên rừng núi. Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi từ khi Trung Quốc đổ tiền đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Myanmar nhằm kết nối tỉnh Vân Nam tới các cảng biển ở Đông Nam Á, Thái Lan và Lào cũng nhận được sự đầu tư nhất định.
Bên cạnh việc kích thích giao thông và vận chuyển hàng hóa trong khu vực, một tác dụng phụ của cơn lốc phát triển cơ sở hạ tầng này đó là nó vô tình tạo điều kiện để những kẻ buôn lậu ma túy vận chuyển chất cấm với số lượng lớn hơn đến các thành phố khác trong khu vực.
Ông John Coyne, cựu giám đốc tình báo chiến lược Cảnh sát Liên bang Australia và hiện là chuyên gia về các vấn đề an ninh biên giới tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định: "Thứ mà bạn đang có là một lượng lớn người, hàng hóa hợp pháp đi ra từ Myanmar và Lào, nơi mà bạn có thể giấu ma túy trong đó".
Ma túy đá có nguồn gốc từ bang Shan, ở cả dạng tinh thể và dạng viên nén, đã được tìm thấy ở những nơi xa xôi như Nhật Bản, New Zealand và Australia. Lượng ma túy đá trị giá 800 triệu USD đã từng được cảnh sát Australia phát hiện vào tháng 12/2018.
Đường đi của ma túy đá tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đồ họa: CNN dựa trên dữ liệu của Văn phòng Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc. |
Chuyên gia Jeremy Douglas từ UNODC cho biết chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, lượng ma túy đá bị bắt giữ ở Myanmar và Malaysia đã vượt qua con số của năm 2017. Trong năm 2015, tổng số lượng ma túy đá bị tịch thu ở khu vực xung quanh Myanmar thậm chí còn vượt qua con số của Trung Mỹ và Bắc Mỹ cộng lại.
Chuyên gia John Coyne thì cho rằng, việc các vụ bắt giữ tăng lên thể hiện chiến thắng của lực lượng an ninh, nhưng cũng có thể cho thấy các băng nhóm đã sản xuất được quá nhiều ma túy đá, khiến chúng không bị ảnh hưởng bởi các vụ bắt giữ với số lượng lớn.