Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mourinho tự nhuốm đen hồ sơ nghề nghiệp

Dù Mourinho tạo cho fan cảm giác ông mới là nạn nhân của Chelsea, các nhà hoạch định chính sách của CLB lớn không khó để nhận ra hiểm họa nếu mời về vị chiến lược gia người Bồ.

Lần đầu bị Chelsea tiễn khỏi Stamford Bridge, Mourinho chẳng mấy bận tâm. Ông tuyên bố: “Nếu đội bóng sa thải tôi vì kết quả tồi tệ, đó là phần tất yếu của cuộc chơi. Chelsea hủy hợp đồng, tôi trở thành triệu phú và được đội khác mời về chỉ hai tháng sau”.

Nhưng giờ mọi thứ khác hoàn toàn. Bị sa thải lần thứ hai ở Chelsea, Mourinho đối diện tương lai bất định. Các đội bóng không nghi ngờ năng lực của Mourinho sẽ nhấc máy gọi ông, nhưng thực tế ảm đạm là có thể rất hiếm tập thể thuộc hàng ưu tú của châu Âu muốn mời ông về.

Mourinho từng bật khóc vào mùa hè 2013. Không phải khóc vì bị Real sa thải. Ông khóc vì bị MU từ chối. Đây là chi tiết được tiết lộ trong cuốn sách “Mourinho – mặt trái của Người đặc biệt” của nhà báo nổi tiếng Diego Torres.

Nhà báo kể rằng, sau khi nghe kết quả công bố người thay thế HLV Sir Alex Ferguson ở MU, Mourinho òa khóc nức nở như một đứa trẻ ngay tại văn phòng của Gestifute – công ty của siêu cò Jorge Mendes, bạn thân ông.

Hết thật rồi 'Người đặc biệt' Mourinho

"Chúng tôi có thể chết vì ông ấy", Sneijder nói thế về Mourinho khi ông còn ở Inter Milan, nhưng từ khi ông cất bước rời Milano, ngày ra đi của "Người đặc biệt" luôn cay đắng.

Mourinho dù sao vẫn được phần lớn CĐV yêu mến, nhưng nhà quản lý có thể nghĩ khác. Ảnh: Getty.

Mourinho cảm thấy bất công vì ông nghĩ Sir Alex chắc hẳn phải "chấm" mình từ lâu. Thêm nữa là hai người có mối quan hệ thân thiết, Mourinho ngoa ngoắt nhưng không bao giờ dám đụng đến Sir Alex chỉ vì muốn “giữ miếng” sau này.

Nhưng trái ngược với mong muốn của Mourinho, Sir Alex và Sir Bobby Charlton sợ cá tính của chiến lược gia người Bồ sẽ làm ảnh hưởng đến thanh danh của MU. Họ quyết định chọn một người dù kém tài năng hơn nhưng thuần tính là David Moyes.

Chính Sir Bobby Robson từng tiết lộ với Guardian là ông không thích Mourinho, sau sự kiện HLV người Bồ Đào Nha chọc vào mắt cố HLV Tito Vilanova. “HLV của MU không làm thế. Cậu ấy là người có tài, nhưng thường đi quá xa giới hạn. Alex Ferguson cũng không thích Mourinho cho lắm”.

Ngay cả khi David Moyes tự chứng minh mình là “Người được chọn thảm hại”, MU không mảy may liệt kê Mourinho làm ứng cử viên ngồi ghế nóng. Đơn giản bởi ảnh hưởng của Sir Alex còn quá lớn.

Mourinho thành công hay thất bại ở Chelsea cần nhiều dẫn chứng số liệu để xác định, nhưng có một "di sản" không cần cân đo đong đếm cũng biết chính xác sự hiện diện của nó. Đấy là màn đánh bom phòng thay đồ, đầu độc mối quan hệ cầu thủ, tạo ra bãi chiến trường mà HLV kế vị sẽ tốn không ít công sức để dọn dẹp.

Mourinho làm vấy bẩn màu áo trắng tinh khôi của Real. Rồi ông đào tẩu sang Chelsea, trải qua quãng thời gian 2 năm đầu tương đối êm ả. Năm đầu tiên trắng tay nhưng chúng ta thấy ông tự nhận Chelsea là “chú ngựa nhỏ” và nhiều lần tỏ ra khiêm nhường. Chúng ta thấy ông…sến hơn hẳn. Ông nói nhiều về tình yêu, về dự định lâu dài và tuổi trẻ của cầu thủ Chelsea.

Nhưng 5 tháng cuối của nhiệm kỳ, sự cố gắng xây dựng triều đại bền vững và hình ảnh tốt đẹp hơn mà Mourinho cố tạo ra coi như đổ xuống sông biển.

Đoạn cuối triều đại của Mourinho ở Chelsea và Real Madrid đều rối tơi bời bởi tranh cãi và mâu thuẫn. Ảnh: Getty.

Bắt đầu là nghi án chửi bác sĩ Eva Carneiro là “đồ chó đẻ” rồi đến hàng loạt màn mắng mỏ trọng tài và án phạt vì vạ miệng. Mourinho kết thúc mối lương duyên đầy đau khổ và tranh cãi với Chelsea bằng việc gọi cầu thủ là “đồ phản bội”, khuyên họ nên ngẫm lại cách sống và đạo đức nghề nghiệp.

Nghiêm trọng hơn nữa là Mourinho có dấu hiệu tha hóa thành con người đam mê quyền lực, ngày càng sợ thất bại và ích kỷ. Thời gian cuối nhiệm kỳ hai, Mourinho biến thành nhân vật đối nghịch so với chính ông ngày mới vào nghề.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “think inside the box” (tạm dịch: suy nghĩ giới hạn trong chiếc hộp) để ám chỉ suy nghĩ hạn hẹp, theo lối mòn, bị định hướng. Mourinho trước khi rời khỏi Chelsea đã xắn tay định hướng dư luận quá tài tình.

Ông khiến mọi người đều tin rằng ông là “nạn nhân” chứ không phải “thủ phạm” thông qua màn tố cáo cầu thủ Chelsea phản bội. Luôn luôn phải nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía và nếu khẳng định Mourinho là nạn nhân, vô tội thì cũng chỉ là “think inside the box”.

Mourinho dường như đã trở thành một thương hiệu xấu xí chuyên gây tranh cãi và bất ổn. Thuê Mourinho là thuê cả rắc rối. Trên lý thuyết hiện giờ không còn chỗ ở các đội bóng lớn hàng đầu châu Âu cho ông.

MU nói “không”, Chelsea sau hai lần sa thải Mourinho gần như chắc chắn nói “không còn lần sau”. Real vẫn còn đó công thần Sergio Ramos - người nằm trong nhóm cầu thủ từng bị Mourinho chửi là "cừu đen, đồ chuột phản bội". Quan trọng hơn là chủ tịch Perez luôn muốn xây dựng hình ảnh đẹp đẽ cho đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha.

Bắt đầu điểm lại từ Italy. Mourinho từng có lần bày tỏ mong muốn về Inter Milan nhưng Inter hiện bay cao với HLV đương nhiệm Roberto Mancini. Chỉ còn lại Juventus nhưng Bà đầm già đang khoác chiếc áo chiến thuật đầy tươi mới và dần trở về quỹ đạo chiến thắng sau thời gian đầu chuệch choạc.

'Không có Mourinho, Chelsea sẽ chơi tốt hơn'

Trả lời Zing.vn, cây bút Ben Hayward của Goal (Anh) nhận định, Chelsea là đội bóng mạnh với dàn cầu thủ chất lượng, sẽ tiến xa ở Champions League dù chia tay Mourinho.

Sau quá nhiều sóng gió xảy đến, Mourinho có lẽ cần nghỉ ngơi. Ảnh: Daily Mail.

Louis van Gaal có thể sẽ mất ghế sau chặng Tourmalet Giáng sinh - năm mới nhưng chừng nào Sir Alex còn ảnh hưởng, Mourinho không thể về MU. Thêm nữa, liệu MU có dại gì từ bỏ thứ bóng đá bị chê bai là nhàm chán nhưng an toàn của Van Gaal để đổi lấy tranh cãi từ Mourinho.

Man City càng có lý do nói không với Mourinho. Chiến lược của Man City hoàn toàn khác Chelsea. Ngày mới nhận được dòng tiến của ông chủ, ông chủ muốn Chelsea hướng đến danh hiệu ngay lập tức nên xây dựng lối đá chắc chắn và mời Mourinho về.

Man City muốn đá đẹp mắt, đi vào lòng người trước rồi mới nghĩ đến danh hiệu. Vì vậy họ toàn mời về các tín đồ của bóng đá tấn công từ Mancini đến Pellegrini. Man City hiện theo dõi sát sao tín hiệu từ Pep Guardiola.

PSG sắp gia hạn hợp đồng với HLV Laurent Blanc, còn Barca không bao giờ mở cửa chào đón Mourinho – người vẫn bị các cules trêu chọc  là “phiên dịch viên”.

Tất cả dẫn chứng trên cho thấy nhiều khả năng Mourinho phải chấp nhận lùi một bước để được tiếp tục hít thở không khí bóng đá đỉnh cao. AS Roma không phải lựa chọn tồi. CLB của Italy đang sa sút dưới triều đại của Rudi Garcia và BLĐ chuẩn bị xuống tay sa thải vị HLV người Pháp nếu Roma không thắng Genoa hôm chủ nhật tuần này.

AS Roma là đội bóng giàu tham vọng được điều hành bởi giới chủ Mỹ và họ hiện có cơ hội mời về gương mặt HLV nổi bật hàng đầu thế giới. Tiền bạc chi cho mua sắm là vấn đề khi AS Roma cũng bị UEFA sờ gáy bằng luật Công bằng tài chính nhưng Mourinho trên lý thuyết không có nhiều lựa chọn.


Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm