Trong suốt 12 năm ở Stamford Bridge, đây là lần đầu tiên chúng ta được thấy một Roman Abramovich kiên nhẫn. Cho đến nay, đó là điều hết sức kỳ lạ.
Abramovich đã luôn tin tưởng Mourinho
Cuộc suy thoái của Chelsea trở nên tồi tệ vào đầu tháng 10 và những tiếng thì thầm về tương lai Jose Mourinho ngày một lan rộng, tỷ phú người Nga vẫn bỏ ngoài tai. Thậm chí, lần đầu tiên trong triều đại Abram, một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã được tổ chức để đưa ra lời đảm bảo cho vị trí HLV.
Khi một cuộc hồi phục vẫn không xảy ra và sa thải Mourinho được cho là giải pháp cần phải thực hiện, chủ sở hữu Chelsea lại hành động. Lần này, một cuộc họp đã diễn ra vào tháng 11, cho phép HLV người Bồ thêm thời gian đến tháng 1 để ổn định tình hình. Cảm thấy Mourinho chưa đủ an tâm, Abramovich thông qua GĐTT Michael Emenalo tái khẳng định, niềm tin vào HLV vẫn không thay đổi.
Ở các trận đấu của Chelsea, tỷ phú người Nga vẫn có mặt đều đặn, ôm mặt khi thất bại và cười rạng rỡ khi có được chiến thắng. Một sự nhẫn nại tuyệt vời, xa xỉ trong bóng đá hiện đại và xa xỉ với chính Abramovich.
Abramovich đã luôn tin tưởng Mourinho. |
Quyết định sa thải không được đưa ra, dù chỉ là dấu hiệu nhỏ. Nó không phải vì ông chủ Chelsea tiếc số tiền 40 triệu bảng phải bồi thường cho Mourinho, một khoản khá lớn trong bối cảnh tài sản của ông đang thu hẹp vì tình hình tài chính ngày một xấu đi. Tất cả xuất phát từ niềm tin với Mourinho.
Abram thực sự muốn xây dựng một đế chế lâu dài và ổn định ở vị trí HLV. Mou là người tốt nhất cho vai trò lãnh đạo. Chính vì vậy mà ông học cách chờ đợi. “Người đặc biệt” được cho 1 năm không danh hiệu để tái thiết đội bóng, nhận những khoản đầu tư lớn để tăng cường nhân sự và trước khi thành công trong phạm vi nước Anh, thất bại ở châu Âu không bị truy cứu.
Tương tự như lúc này, không vì một vài kết quả xấu mà thái độ của tỷ phú người Nga thay đổi. Ông tin tưởng Mou sẽ đưa Chelsea vượt qua khó khăn và rồi một đội bóng mạnh mẽ sớm được phục dựng trở lại.
Abramovich vào thế phải lựa chọn
Nhưng sau trận thua mới đây trước Leicester, sự kiên nhẫn của Abramovich đã đi đến tận cùng giới hạn. Một lần nữa phải lưu ý, nó không phải do kết quả, mà xuất phát từ bản thân Mourinho.
HLV người Bồ nói trong giận dữ, rằng ông đã bị phản bội bởi chính các học trò. Điều này thực sự tồi tệ, phản ánh thực trạng hỗn loạn trong phòng thay đồ Chelsea. Cầu thủ đã không còn đứng sau và chiến đấu vì người quản lý.
Đây là sự khẳng định cho những đồn đoán trước đó, về tuyên bố “thà thua còn hơn là chiến thắng cho Mourinho” từ một cầu thủ giấu mặt là hoàn toàn chính xác. Đồng thời, khi chính HLV 52 tuổi nói ra cũng có nghĩa, mối quan hệ này không còn cơ may cứu vãn.
Mourinho giờ đây rơi vào trạng thái bất cần. Ông mỉa mai chấn thương của Hazard, đưa ra những nhận xét thô bạo về hiệu suất các cầu thủ, về sự bất hợp tác của họ với chỉ đạo của ông và nói rằng "một số nên xem lại cách sống". Đây là sự kiện hiếm gặp ở Mou, người luôn bảo vệ học trò tuyệt đối và cách đây vài tuần còn nói rằng, những chỉ trích là không công bằng với các cầu thủ, họ đã chiến đấu với cả trái tim.
Abramovich buộc phải xuống tay với Mourinho. |
Khi người lãnh đạo không thể điều khiển cấp dưới, viễn cảnh về một cuộc hồi phục như Abramovich mong đợi không bao giờ xảy ra. Tất cả sẽ sụp đổ, với tốc độ kinh khủng hơn. Vậy thì tại sao không ngăn chặn điều đó bằng một hành động nhanh chóng, tống cổ kẻ đứng đầu bị chống lại kia ra đường?
Vào năm 2000, Marcello Lippi, HLV của Inter đã nói sau thất bại trước Reggina: “Tôi xấu hổ với đội bóng này. Nếu là Chủ tịch, tôi sẽ sa thải HLV, đầu tiên và ngay lập tức. Tiếp theo, bắt các cầu thủ úp mặt vào tường rồi đá vào mông chúng, từng người một”. Massimo Moratti đã đi theo lời khuyên ấy, nhưng các cầu thủ không phải chịu đòn. Họ nhận được quản lý mới. Còn Lippi bị sa thải một vài ngày sau đó.
Tỷ phú người Nga dĩ nhiên cũng ở vào thế phải có một quyết định lớn, giống như Moratti. Nhất là khi cả hai ông chủ này đều có sự tương đồng, đó là nếu phải lựa chọn, họ luôn đứng về phía cầu thủ.