Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Moto, Nokia, Nintendo: Những cái chết vì bom tấn cuối cùng

Trong quý tài chính vừa qua, doanh số máy chơi game cầm tay 3DS gần như "sụp đổ": 820.000 chiếc. Cũng giống như Motorola và Nokia, Nintendo đã trở thành nạn nhân của chính mình.

Không ai cảm thấy bất ngờ khi Nintendo tuyên bố lỗ 97 triệu USD và doanh số "èo uột" cho máy chơi game cỡ lớn Wii U – một sản phẩm vốn có cấu hình quá thiếu hụt so với PlayStation 4 và Xbox One.

Nhưng, doanh số của máy chơi game cầm tay 3DS mới là bất ngờ lớn nhất, đáng buồn nhất trong quý tài chính vừa qua của Nintendo: từ mức 1,4 triệu máy bán ra vào quý I năm trước, quý I năm nay Nintendo chỉ bán ra được 820.000 máy 3DS. Lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số 3DS giảm xuống dưới mức 900.000 trong quý đầu năm.

Đã từ lâu, dòng máy chơi game cầm tay DS là niềm tự hào và "miếng ăn" chính của Nintendo trong bối cảnh dòng máy console tại gia Wii U ngày càng bất lực trước PS4 và Xbox One. Trong những năm đình đám nhất (2010 – 2011), doanh số mỗi năm của 3DS bùng nổ từ 3,6 triệu chiếc lên 13,5 triệu chiếc.

Thậm chí, 3 năm sau ngày iPhone thay đổi thế giới, Nintendo vẫn có thể đánh bại các thử thách khổng lồ của các thiết bị di động, một thế lực đã từng giết chết cả máy ảnh du lịch lẫn máy nghe nhạc MP3. Vào thời hoàng kim, 3DS mới thực sự là nhà vô địch của thế giới điện tử người tiêu dùng.

Ấy vậy mà đến thời điểm hiện tại, khi doanh số smartphone trong quý I đạt tới 200 triệu chiếc, Nintendo không thể đạt doanh số 1 triệu chiếc DS. Thành công quá khổng lồ của 3DS đã trở thành tai họa cho Nintendo: chiếc máy chơi game cầm tay này ngừng tăng trưởng quá nhanh và cho đến giờ doanh số đang "sụp đổ".

Rõ ràng, Nintendo không thể bắt kịp tốc độ phát triển quá nhanh của phần cứng và phần mềm trên các nền tảng di động. Smartphone được gia tăng sức mạnh theo từng quý, số đầu game trên iOS và Android mỗi năm cũng lên tới hàng trăm nghìn. Nintendo vẫn tự hào rằng mình không cần phát triển game cho các hệ điều hành di động trên smartphone và tablet. Nhưng có lẽ cho đến giờ công ty Nhật Bản đã nhận ra đó là một sai lầm.

Ai cũng có thể thấy Nintendo đã lặp lại sai lầm chết người của các hãng di động lớn như Motorola và Nokia. Vào thời điểm các công ty này cần đưa ra một quyết định thay đổi mang tính toàn diện, cả Motorola, Nokia và sau này là Nintendo lại tung ra một sản phẩm mang triết lý cũ nhưng lại đạt được thành công vang dội. Cũng giống như chiếc RAZR của Motorola và chiếc N95 của Nokia, Nintendo đã mắc phải "Hội chứng quả bom tấn cuối cùng": Lầm tưởng thành công nhất thời của một sản phẩm mang triết lý lỗi thời thành khả năng thống trị lâu dài.

Hãy cùng nhớ lại vào thời điểm 2005: chiếc điện thoại nắp gập RAZR của Motorola gây sốt trên toàn cầu. Nhưng, RAZR cũng là thành công cuối cùng của Motorola. Trong bối cảnh Nokia đang tích cực xây dựng một hệ điều hành dành riêng cho smartphone, Motorola vẫn kiên quyết theo đuổi phong cách điện thoại "ngu" đơn giản, dễ dùng nhưng càng mỏng càng tốt.

Chỉ trong vòng 1 năm rưỡi, doanh số RAZR đạt tới 50 triệu chiếc. Nhưng, đến cuối năm 2006, doanh số smartphone của Nokia đã bắt đầu đè bẹp RAZR trên toàn cầu. Công ty Phần Lan vươn lên trở lại vị thế thống trị trong năm 2006 và 2007 một cách đầy ấn tượng. Motorola ngày càng chìm vào khủng hoảng, về tay Google rồi lại bị bán lại cho Lenovo (Trung Quốc) trong năm vừa qua.

Và rồi, đến lượt Nokia mắc phải sai lầm đã từng làm đối thủ lớn nhất của mình sụp đổ. Đế chế smartphone Nokia đạt tới đỉnh điểm vào năm 2007 với chiếc N95 – một chiếc smartphone siêu thành công với camera 5MP, tính năng GPS, khả năng chơi game 3D và rất nhiều tính năng cao cấp khác mà không một đối thủ nào có thể bì kịp.

Cũng trong năm 2007 đáng nhớ, Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên. iPhone 1 thậm chí còn không có 3G và được thiết kế bởi một công ty gần như chưa từng có một chút kinh nghiệm nào trên thị trường điện thoại di động. Điểm hấp dẫn nhất của iPhone thế hệ đầu tiên là màn hình cảm ứng lớn cùng khả năng nghe nhạc tương tự iPod.

Ấy vậy mà trong năm đầu ra mắt, iPhone đã bắt đầu đạt được những thành công vượt trội. Còn doanh số N95 trong năm 2007 cũng đạt đến hàng triệu chiếc. Chiếc smartphone này cho tới giờ vẫn được ca ngợi là một trong những sản phẩm tuyệt vời nhất từng được phát hành.

Bởi vậy nên N95 trở thành cú đòn mà Nokia tự tung ra để giết chết mình: dựa trên thành công của N95, công ty Phần Lan từ chối thừa nhận rằng smartphone màn hình cảm ứng cỡ lớn mới là tương lai. Trước đó, Motorola đã mắc một sai lầm tương tự: từ chối chấp nhận rằng smartphone chứ không phải là điện thoại phổ thông mỏng, dễ sử dụng mới là tương lai của ngành di động. Cũng giống như Motorola, Nokia giờ đã về tay một thế lực công nghệ khác. Tương lai của thương hiệu từng được người dùng yêu quý này cũng vẫn là một dấu hỏi chấm rất lớn.

Đến năm 2014, Nintendo vẫn từ chối mang kho phần mềm khổng lồ của mình lên các hệ điều hành di động của Apple, Microsoft và Google. Mãi cho tới khi doanh số của 3DS bắt đầu giảm sút trầm trọng, công ty Nhật Bản mới nhận ra rằng tương lai của game di động đã thuộc về smartphone và tablet.

Kẻ thù của những gã khổng lồ công nghệ không phải là hiện tượng doanh số đột ngột sụt giảm hay những sản phẩm tệ. Từ bài học của Nokia, Motorola và Nintendo, ai cũng có thể nhận thấy rằng chính thành công vang dội cuối cùng của những triết lý sản phẩm lối mòn như RAZR, N95 và 3DS mới là thủ phạm giết chết những đế chế hùng mạnh một thời. Những sản phẩm "bom tấn" này đã cho Motorola, Nokia và đến giờ là cả Nintendo lý do để trốn tránh thay đổi và chống lại xu hướng tất yếu một cách tuyệt vọng.

Hiển nhiên, mọi chuyện vẫn chưa kết thúc với Nintendo. Nhưng, liệu công ty Nhật Bản có nhận ra sai lầm của mình và tìm cách thay đổi trước khi quá muộn? Câu trả lời có lẽ vẫn sẽ là "không". Thay vì mang kho game của mình lên các nền tảng di động, có lẽ Nintendo vẫn sẽ tiếp tục hứa hẹn ra mắt các đầu game và các phiên bản DS có cấu hình thay đổi chút ít mà thôi...

 

http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/1253670/motorola-nokia-va-nintendo-nhung-cai-chet-vi-qua-bom-tan-cuoi-cung

Theo Lê Hoàng/VnReview

Bạn có thể quan tâm