GOCE - tên của một vệ tinh nhân tạo do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chế tạo - đã bay vào vũ trụ từ 4 năm trước để theo dõi địa cầu. Nhiệm vụ chính của nó là lập bản đồ về sự thay đổi trong lực hấp dẫn của trái đất. Thời gian hoạt động của nó đã dài hơn hai năm rưỡi so với kế hoạch ban đầu của ESA.
Các thiết bị đo gia tốc của vệ tinh Goce nhạy hơn khoảng 100 lần so với mọi thiết bị cùng loại mà con người từng chế tạo. Ngoài ra, nó chỉ bay cách mặt đất chừng 255 km, thấp hơn mọi vệ tinh khoa học khác.
GOCE là vệ tinh nhân tạo hoạt động trên quỹ đạo thấp nhất so với mọi vệ tinh khác. Ảnh: ESA. |
Sau khi hoạt động trên quỹ đạo trong hơn 4 năm, vệ tinh có khối lượng một tấn sẽ lao nhanh qua tầng khí quyển và bốc cháy trước khi chạm đất.
Văn phòng Rác vũ trụ của ESA thông báo GOCE đã cạn nhiên liệu vào ngày 21/10. Khi đó nó đang bay ở độ cao 192 km. Vệ tinh vẫn hoạt động bình thường dù nhiệt liệu cạn.
Đây là lần đầu tiên ESA để một vệ tinh nhân tạo rơi không kiểm soát từ năm 1987. Do quỹ đạo của GOCE quá thấp nên nó hứng chịu lực hút từ rìa bầu khí quyển.
Các nhà khoa học của ESA chưa thể tính toán chính xác thời gian và vị trí mà vệ tinh sẽ rơi. Nếu biết thời gian, họ có thể dự báo khu vực mà nó sẽ lao xuống.
"Đại dương bao phủ hai phần ba diện tích trái đất và mật độ dân số trên nhiều khu vực rất thấp. Vì thế nguy cơ GOCE gây thiệt hại về người và vật chất là rất thấp", ESA khẳng định.