VN đã thu nhận được tín hiệu từ vệ tinh VNREDSat-1
15h chiều 7/5, TS Bùi Trọng Tuyên - Trưởng ban quản lý dự án vệ tinh nhỏ - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, những tín hiệu đầu tiên của vệ tinh VNREDSat-1 truyền về đã được thu nhận.
Những thông số xuất hiện thường xuyên khi tên lửa đi vào vũ trụ. |
Điều này cho thấy sau khi tách khỏi tên lửa Vega, vệ tinh VNREDSat-1 đã khởi động động cơ đẩy của mình để tự điều chỉnh tới quỹ đạo làm việc một cách chính xác.
Sau thời khắc lịch sử 9h6 phút 31 giây ngày 7/5 (giờ Việt Nam), tên lửa đẩy Vega được phóng vào vũ trụ, các tầng chứa nhiên liệu của tên lửa lần lượt được tách khỏi tên lửa đẩy. Sau khoảng 2 phút đầu, tầng chứa nhiên liệu dưới đáy thấp nhất được tách ra khỏi tên lửa. Các tầng chứa nhiên liệu tiếp theo được lần lượt tách ra để tên lửa đi vào trong quỹ đạo. Vệ tinh được tách khỏi tên lửa đầu tiên là vệ tinh Proba-V (Bỉ).
1giờ 37 phút sau khi phóng lên vũ trụ, tên lửa đem theo vệ tinh VNREDSat-1 ở độ cao 715km, đạt vận tốc 7,61km/giây. Đến 1 giờ 43 phút sau khi phóng, độ cao tên lửa tiếp tục giảm xuống ở mức 695 km, vận tốc đạt 7,63km/giây. 1 giờ 51 phút sau khi phóng, nắp bảo vệ buồng chứa vệ tinh VNREDSat-1 được tách ra.
1 giờ 57 phút 28 giây sau khi tên lửa Vega phóng lên vũ trụ, tức 11g 3 phút, vệ tinh VNREDSat-1 tách hẳn ra khỏi tên lửa và điều chỉnh để chuẩn bị đi vào quỹ đạo chính xác. Cả hội trường Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam rộn ràng những nụ cười, những cái bắt tay chúc mừng và tràng pháo tay kéo dài cho thời khắc đặc biệt.
2 giờ 8 phút sau khi phóng, vệ tinh vệ tinh ESTCube-1 (Estonia) cũng tách khỏi tên lửa bay vào quỹ đạo.
Sự kiện vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 tách khỏi tên lửa, bay vào vũ trụ thành công, đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 5 trong khu vực có vệ tinh viễn thám, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore.
Theo Tuổi Trẻ