30 năm thức trắng
Về thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp hỏi bà Đinh Thị Anh (53 tuổi) ai trong cũng biết. Hiện bà Anh đang sống cùng mẹ là cụ bà Phan Thị Luyến (gần 90 tuổi) trong một căn nhà cũ nát ven con đê nhỏ của thôn Phú Quý.
Hỏi chuyện không ngủ, bà Anh nói: “Muốn ngủ lắm nhưng không biết làm sao ngủ được chú ơi, bệnh tật thì đầy mình, không biết 'đi' khi nào đây". Bà nói, không chỉ không ngủ được 30 năm nay, mà còn bị sỏi thận, bệnh tim nên người gầy sọp, yếu ớt.
Bà kể, năm 22 tuổi kết duyên với người đàn ông trong thôn. Nhưng khi có bầu, thấy ông ấy "ba trời" quá, nên bà bỏ về nhà mẹ đẻ. Khi sinh đứa con gái, bà bị hậu sản nên bị lở trên mặt, đến nay còn vết thẹo.
Cũng từ thời điểm ấy, không hiểu vì sao bà Anh lại không ngủ được. Cứ đêm đến là nằm thao thức, cố tình nhắm mắt để ngủ mà không thể say giấc được. Từ đó đến nay, bà Anh mắc chứng mất ngủ.
“Hiện nay có có cái ti vi nho nhỏ để xem chứ trước đây không có điện đài gì nên buồn lắm. Cứ làm hết việc là lên giường nằm, không có việc gì cũng buồn. Đi bệnh viện thì không có tiền, còn uống thuốc nam thuốc bắc nhưng không ăn thua. Đành để mặc số phận vậy chứ giờ cũng không biết làm gì hơn", bà Anh tâm sự.
Gia cảnh bà Anh không thuộc diện hộ nghèo nên không có thẻ bảo hiểm y tế, tất cả mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào hai sào ruộng. Ngoài ra, bà còn phải nuôi mẹ mình tuổi già đau ốm triền miên khiến cuộc sống thêm phần khốn khó.
“Tôi ước được đi viện lắm nhưng không dám bước vào bệnh viện. Giờ cũng lớn tuổi rồi nên đến đâu hay đó vậy", bà Anh nói.
Bà Anh (trái ảnh) đã mất ngủ, bệnh tật, ốm yếu lại nuôi mẹ già. |
Cách nhà bà khoảng 500 m, tại thôn Phú Quý cũng có bà Trần Thị Bảy (75 tuổi) cũng đã gần 20 năm không ngủ. Bà Bảy có cháu ngoại là chị Nguyễn Thị Yến Nhi đang làm ở tổ một cửa của UBND xã Đại Hiệp.
Chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Bảy thì được biết gia đình vừa có chuyện, chồng bà vừa qua đời cách đây gần một tháng. Sau khi lo ma chay cho chồng, bà mệt mỏi nên đã đi nằm viện gần được một tuần.
Anh Lê Âm Vang (44 tuổi), con bà Bảy cho biết, gia đình có 7 người con nhưng đã mất một.
"Cách đây cũng gần 20 năm, sau một trận đau, không hiểu sao mẹ tôi mất ngủ. Từ đó, sau nhiều lần đi khám, uống thuốc nam nhưng cũng bất thành. Đêm không ngủ được nên bà tuy nằm trên giường nhưng ai làm gì, trong xóm có chuyện gì là bà biết hết. Sáng ra kể vanh vách.
Thời gian gần đây, bà già yếu nên sức khỏe cũng giảm sút nhiều. Mẹ tôi nguyện ước ai có cách gì đó giúp bà ngủ được, bà cũng mãn nguyện trước khi gần đất xa trời”, anh Vang trầm ngâm nói.
Chúng tôi lên Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Nam, tìm gặp bà Bảy thấy bà cũng già yếu đi nhiều. Đang đau nên bà không nói được nhiều nhưng nguyện vọng của bà là… được ngủ. “Có những điều hết sức bình thường là mọi người được ngủ, còn tôi sao không làm được”, bà Bảy thở dài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Mười, trưởng thôn Phú Quý cho biết: “Ở thôn có hai trường hợp đặc biệt như bà Anh, bà Bảy quả cũng lạ. Gia cảnh hai bà đều khó khăn cả. Nhờ cơ quan chức năng, nhà khoa học, y bác sĩ, hay những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho hai bà có cuộc sống ổn định, an tâm hơn”.
Y văn thế giới chưa lý giải được?
Trước đó, báo chí cũng đã có đề cập đến trường hợp ông Thái Ngọc ở xã Quế Trung (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) gần 40 năm không ngủ. Ông Ngọc đã có rất nhiều đoàn báo chí, nhà khoa học nghiên cứu về hiện tượng lạ trên. Trước đó, trường hợp anh Nguyễn Văn Kha (trú tại nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cũng trên 35 năm không ngủ.
Dù uống nhiều loại thuốc Đông y nhưng bà Anh vẫn không thể chợp mắt. |
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Văn Mau, phó giám đốc Bệnh viện tâm thần (BVTT) Đà Nẵng cho biết, bệnh lý mất ngủ có hai dạng, một dạng mất ngủ do tổn thương và mất ngủ vô căn. Trong đó, khi bị tổn thương gì đó ở não, người bệnh bị mất ngủ, dạng này cũng thuộc dạng khó chữa. Loại thứ hai là không có bệnh lí nào, bỗng dưng mất ngủ mà không có căn nguyên.
Ngoài ra, hiện nay có tình trạng mất cảm giác ngủ hay nói là rối loạn cảm giác ngủ. Khi người ngoài có thấy ngủ, thấy ngáy nhưng khi người đó thì lại khăng khăng cho rằng mình không ngủ được.
“Hiện trong y văn thế giới chỉ nói bệnh lý mất ngủ thông thường chứ việc lí giải vì sao mất ngủ hàng chục năm thì chưa có một lý giải nào một cách khoa học, chính xác. Nếu bệnh nhân mất ngủ mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe thì không cần can thiệp, còn nếu mất ngủ kèm theo bệnh lí, cơ thể suy nhược thì phải can thiệp”, bác sĩ Mau chia sẻ.
Theo ông Mau, tại BVTT Đà Nẵng hiện cũng có rất nhiều bệnh nhân đến chữa bệnh mất ngủ, đặc biệt là người già, thường mất ngủ 2 đến 3 tháng, bệnh viện đã chữa lành cho rất nhiều trường hợp. Còn chuyện người hàng chục măm không ngủ thì chỉ đọc trên báo chí biết một số trường hợp chứ đến BVTT Đà Nẵng chữa trị thì chưa thấy.