Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một tấm vé về với tuổi thơ

Dù công việc sau này không còn liên quan đến văn chương, tình yêu dành cho những trang viết của tác giả Cao Văn Quyền (sinh năm 1988) thì vẫn còn đó.

Cây bút Cao Văn Quyền viết cho thiếu nhi như một đề tài yêu thích.

Mới đây, anh vừa ra mắt tác phẩm Lỗi tại cái đuôi diều, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Những năm tháng học trò, Cao Văn Quyền là thành viên của Bút nhóm Hoa Cát (Nghệ An). Hoạt động trong nhóm bút với những thành viên cùng trang lứa và đam mê đã giúp anh duy trì và theo đuổi việc viết. Những năm tháng ấy, Cao Văn Quyền xuất hiện đều đặn trên các ấn phẩm dành cho học trò, từng đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác “Những kỷ niệm thời đi học” của báo Thiếu niên Tiền phong.

Tốt nghiệp THPT, anh thi vào ngành Kế toán của Đại học Thủy lợi. Dù ngành học không liên quan nhưng tình yêu với những trang viết vẫn được Cao Văn Quyền duy trì cho đến tận hôm nay. Anh là đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 6 vừa qua.

Viết văn từ sớm, nhưng phải đến tận bây giờ, khi tác phẩm Lỗi tại cái đuôi diều được xuất bản, Cao Văn Quyền mới có một tập sách in riêng. Sở dĩ phải lâu như vậy mới có tác phẩm được Cao Văn Quyền chia sẻ: “Thực sự là ngày trước tôi không để ý. Đến khi thấy bạn bè và mọi người ra sách, lại được mọi người động viên nên tôi mới thực hiện tập hợp bản thảo. Bản thảo này được tôi làm xong từ hồi trước dịch Covid-19, nhưng rồi dịch bùng phát nên đến bây giờ sách mới ra được”.

Có thể đọc Lỗi tại cái đuôi diều như một tập truyện ngắn, nhưng cũng có thể đọc như một truyện dài, bởi ở đó, các câu chuyện được nối kết với nhau, xoay quanh cuộc sống của anh em sinh đôi Quyền - Lực và những người bạn nhỏ như Vũ, Tú, Mận, Lì… Các câu chuyện được Cao Văn Quyền viết nhẹ nhàng, mộc mạc chứa đựng trong đó nhiều tiếng cười và cũng không thiếu những khoảnh khắc xúc động của những cô, cậu bé nơi thôn dã.

“Rất nhiều câu chuyện trong sách là tuổi thơ của tôi và của bạn bè ở quê, cộng thêm trí tưởng tượng cho câu chuyện được phong phú hơn. Riêng nhân vật Quyền trong tác phẩm phác họa một phần của tôi ngoài đời”, Cao Văn Quyền tiết lộ.

Lỗi tại cái đuôi diều ít nhiều đã mang đến cho người đọc tấm vé để trở về tuổi thơ, nhưng một điều lấy làm tiếc ở tác phẩm của Cao Văn Quyền, ấy là giọng văn không nhất quán, lúc Bắc lúc Nam. Dẫu vậy, với một tác phẩm đầu tay thì sai sót là điều khó tránh. Chỉ mong, nếu có đủ đam mê và tình yêu để đi đường dài với văn chương, tác giả sẽ chú ý hơn cho những tác phẩm sau.

Cao Văn Quyền bảo, anh không dám nhận mình là người tâm huyết và đam mê văn chương, mà chỉ xem văn chương là một cuộc dạo chơi, rất nhẹ nhàng và thoải mái. Và vì văn chương mang đến những niềm vui trong cuộc sống nên anh sẽ còn gắn bó với văn chương cho đến lúc nào không thể viết được. Trong hành trình đó, Cao Văn Quyền lựa chọn viết cho thiếu nhi như một đề tài yêu thích để theo đuổi.

Theo anh, khi viết cho thiếu nhi, người viết phải đặt tâm thế mình vào một đứa trẻ để viết. “Đây là điều không dễ vì tùy vào từng mỗi giai đoạn mà tâm lý của trẻ con khác nhau. Chưa kể, trẻ ngày nay cũng khác với trẻ ngày xưa. Nhưng vì tôi đã từng là con nít, có nhiều trải nghiệm và hoài niệm nên cũng dễ hình dung ra hơn”, Cao Văn Quyền bộc bạch.

Ươm mầm tài năng viết cho thiếu nhi

Qua 5 năm tổ chức, cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” đã thu hút hàng nghìn tác phẩm, là nơi ươm những hạt mầm viết truyện đồng thoại cho thiếu nhi.

Viết cho thiếu nhi: Đừng vụt sáng thành hiện tượng rồi biến mất

Văn học thiếu nhi luôn là vấn đề xã hội quan tâm. Lực lượng sáng tác cho thể loại này luôn có nhưng vì sao thị trường vẫn thiếu những tác phẩm chất lượng nổi bật?

https://www.sggp.org.vn/mot-tam-ve-ve-voi-tuoi-tho-852615.html

Quỳnh Yên / Sài Gòn giải phóng

Bạn có thể quan tâm