Ngày 13/5 khoảng 19.000 công nhân lao động của tỉnh tham gia diễu hành phản đối hành động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Cuộc diễu hành xuất phát với khoảng 800 công nhân lao động ở các doanh nghiệp địa bàn thị xã Dĩ An kết hợp với 5.000 công nhân ở Công ty giày Thông Dụng đóng ở thị xã Thuận An. Họ mang theo cờ Việt Nam và biểu ngữ tập trung diễu hành trên các tuyến đường thuộc khu công nghiệp VSIP 1 và các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn thị xã để lôi kéo công nhân cùng diễu hành phản đối việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo.
Sáng 14/5, ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, lúc đầu cuộc diễu hành diễn ra trong ôn hòa, tuy nhiên nhiều công nhân có dấu hiệu quá khích đã kích động, phá cổng các doanh nghiệp đột nhập vào, yêu cầu chủ doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc và lôi kéo số công nhân này tham gia cổ vũ lực lượng. Họ chia thành nhiều nhóm đến các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thuộc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và lôi kéo công nhân nghỉ việc để tham gia diễu hành.
"Một số đối tượng đã kích động công nhân đập phá cổng, tường rào và tài sản của doanh nghiệp; gây mất an ninh trật tự. Thậm chí có đối tượng lợi dụng tình hình hỗn loạn để cướp tài sản, đốt nhà xưởng, hành hung các bảo vệ và chuyên gia", ông Nam nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo các ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp bảo vệ và ngăn ngừa tình trạng diễu hành tiếp diễn; đồng thời ban hành Chỉ thị chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể triển khai các biện pháp để bảo vệ tình hình.
Công nhân Bình Dương diễu hành phản đối ôn hòa chiều 12/5. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Theo báo Bình Dương, đến 1h sáng 14/5, đã có hàng trăm doanh nghiệp bị đột nhập và phá hoại tài sản, trong đó đa số là các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc; có khoảng 15 doanh nghiệp bị đốt nhà xưởng, thiệt hại nhiều tỷ đồng dẫn đến nguy cơ hàng trăm công nhân mất việc làm. Để ngăn chặn tình trạng đột nhập, phá hoại, lấy cắp tài sản của các doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an địa phương kết hợp với sự chi viện của Bộ Công an; đồng thời tỉnh cũng huy động toàn bộ hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động tại các khu vực đông công nhân diễu hành, các khu nhà trọ để công nhân không tham gia vào các hoạt động diễu hành gây mất an ninh trật tự. Lãnh đạo tỉnh cũng kêu gọi tất cả mọi người hết sức bình tĩnh, kiềm chế; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tuyệt đối không nghe sự xúi giục, kích động của kẻ xấu dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.
"Tỉnh đang chỉ đạo xử lý nghiêm khắc những đối tượng lợi dụng tình hình đã gây rối, phá hoại tài sản của người dân và doanh nghiệp và của nhà nước; cương quyết trấn áp những kẻ ép buộc người khác thực hiện hành vi trái pháp luật; đồng thời tập trung chỉ đạo nhanh chóng ổn định tình hình nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư và của công nhân lao động”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam nói.
Theo báo Tuổi Trẻ, tại công ty TNHH Diamond (chuyên mặt hàng may mặc, giày da tại KCN Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát), tới 23h đêm 13/5, những người quá khích vẫn chưa rút đi. Họ phá cổng xông vào nhà máy đập vỡ nhiều đồ đạc, cửa kính rơi vỡ loảng xoảng. Gần 5h sáng 14/5, sau khi đốt nhà máy của công ty này, các đối tượng bỏ trốn. Lực lượng chức năng đã can thiệp dập tắt đám cháy.
Tuy nhiên, hàng chục nhà máy khác đã không được may mắn như vậy. Tại khu công nghiệp VSIP 1 và khu công nghiệp Việt - Hương (thị xã Thuận An, là nơi xuất phát đầu tiên của đoàn diễu hành) hàng chục nhà xưởng bị đập phá và đốt.
Rạng sáng 14/5, nhà xưởng của Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing (đường số 5, KCN VSIP 1) hay một công ty tại số 37 đại lộ Tự Do (cũng trong KCN VSIP 1) lửa khói vẫn bốc cháy âm ỉ. Một số đối tượng lợi dụng hỗn loạn để vào hôi của.
Vào khoảng 2h-3h30 ngày 14/5, trên quốc lộ 13 (đoạn cổng chính của KCN VSIP 1), một số đối tượng quá khích còn chặn đường làm giao thông tại khu vực này tắc nghẽn. Một ôtô bảy chỗ chở người nước ngoài hướng từ Bình Dương về TP.HCM, tới đây bị các đối tượng quá khích chặn lại đòi những người này phải xuống xe do nghi họ là người Trung Quốc.
Phải mất hàng chục phút giằng co, những người trên xe phải cho biết họ là người Hàn Quốc thì các đối tượng quá khích mới cho họ quay đầu xe chạy lại về hướng Bình Dương.
Trưa 14/5, trả lời VTV, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lòng yêu nước rất đáng trân trọng nhưng thể hiện như thế nào mới là điều quan trọng. Nếu thể hiện lòng yêu nước không đúng pháp luật thì đúng là tự hại chúng ta.