“Cô ăn mặc như thế này có thích hợp không? Cô đã quên vụ thảm sát Nam Kinh rồi sao?”, một nhân viên bảo vệ nói trong đoạn video quay lại sự việc được đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc.
Vụ việc xảy ra tại Hành lang sinh thái Erhai ở thành phố Đại Lý, Vân Nam (Trung Quốc) vào cuối tuần qua, South China Morning Post đưa tin.
Khi một phụ nữ và ba người bạn của cô cố gắng vào khu du lịch, một số nhân viên bảo vệ đã ngăn cản họ vì trang phục được cho là "không phù hợp".
Người phụ nữ cho biết cô chỉ muốn mặc kimono để chụp ảnh trong khu tham quan. Những người bạn của cô cũng phản bác: “Luật nào ở Trung Quốc quy định mọi người không được mặc kimono?".
Nhưng các nhân viên bảo vệ vẫn kiên quyết không cho họ vào. Người phụ nữ này cũng nhận nhiều chỉ trích từ du khách xung quanh.
Tranh cãi về bộ kimono của người phụ nữ Trung Quốc làm dấy lên lại mâu thuẫn lâu năm của Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh minh họa: South China Morning Post. |
“Người Nhật đã giết tổ tiên của cô nhưng cô vẫn mặc kimono của họ. Cô không phải là người Trung Quốc”, một nữ du khách nói.
Một nam du khách cũng chỉ trích: “Cô không cảm thấy xấu hổ sao?”.
Người phụ nữ mặc kimono và những người bạn đi cùng sau đó đã rời khỏi địa điểm này. Tuy nhiên, ban quản lý khu du lịch cho biết không có quy định nào cấm những người mặc kimono vào khu vực này và sẽ tiến hành điều tra sự việc.
Vụ việc đã khơi dậy cuộc tranh luận về việc mặc kimono ở Trung Quốc. Nhiều người vẫn giữ cảm xúc lẫn lộn đối với Nhật Bản vì cuộc xâm lược từ thế kỷ 20 và đặc biệt là vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937.
Đây không phải là lần đầu tiên kimono gây tranh cãi ở Trung Quốc.
Vào tháng 8/2019, một phụ nữ mặc kimono đã bị từ chối xét nghiệm Covid-19 tại trạm y tế ở Hạ Môn, Phúc Kiến. Các nhân viên yêu cầu cô thay trang phục nếu muốn làm xét nghiệm. Nhưng thực tế, người phụ nữ này là nhân viên của một nhà hàng Nhật Bản và đó là đồng phục của cô.
Thảm sát Nam Kinh là cuộc thảm sát quy mô lớn của binh lính Nhật Bản trong nhiều tuần, sau khi chiếm được thành phố này vào tháng 12/1937. Chính quyền Trung Quốc khẳng định đã có 300.000 người thiệt mạng trong vụ thảm sát.