Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một nhà đầu tư chi gần 7.400 tỷ đồng thâu tóm Vinaconex từ SCIC

Danh tính của nhà đầu tư trúng giá chưa được tiết lộ, tuy nhiên mức giá trúng được xem là thành công khi cao hơn tới 56% so với thị giá và hơn 36% so với giá khởi điểm.

Ngày 22/11, phiên đấu giá gần 255 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã hoàn tất.

Kết quả, một nhà đầu tư đã trúng đấu giá với mức giá chi ra cho mỗi cổ phiếu VCG lên đến 28.900 đồng, cao hơn 56% thị giá và cao hơn 36% giá khởi điểm. Như vậy, nhà đầu tư này đã bỏ ra số tiền lên đến trên 7.360 tỷ đồng để sở hữu 57,71% vốn điều lệ Vinaconex.

Hai nhà đầu tư còn lại bỏ giá lần lượt 22.300 đồng và 21.300 đồng cho mỗi cổ phiếu VCG.

dau gia thanh cong Vinaconex anh 1
Phiên đấu giá cổ phần Vinaconex của SCIC thành công ngoài mong đợi.

Trước đó, theo công bố từ HNX, có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua toàn bộ lô cổ phiếu VCG (tương ứng 57,71% vốn điều lệ Vinaconex) mà SCIC muốn bán bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC, Công ty TNHH An Quý Hưng và 1 cá nhân là ông Nguyễn Văn Đông. Với quy định đấu giá, nhà đầu tư muốn tham gia phải đặt cọc 10%, tương ứng 543 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau đó, một nhà đầu tư tổ chức đã bất ngờ rút khỏi "cuộc thâu tóm" Vinaconex từ tay SCIC. Do đó, phiên đấu giá chỉ có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Văn Đông và 2 nhà đầu tư tổ chức.

Cũng trong hôm nay, Tập đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội (Viettel) đã bán đấu giá 1 lô gồm 94.010.175 cổ phiếu VCG, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 2.002 tỷ đồng đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phiếu.

Hai nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá lượng cổ phần Vinaconex do Viettel sở hữu gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam của ông Trịnh Cần Chính, con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ, một công ty mới thành lập tháng 11/2017.

Kết quả, một nhà đầu tư đã trúng giá với số tiền bỏ ra tổng cộng là 2.002.416.800.000 đồng, chỉ nhỉnh hơn vỏn vẹn 72.000 đồng so với nhà đầu tư còn lại.

Về tiềm năng của Vinaconex, ngoài ngành nghề cốt lõi, doanh nghiệp này đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất. Trong đó gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Khu đất lớn nhất của Vinaconex có diện tích hơn 2,7 triệu m2 nằm tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 2 Hòa Lạc . Bên cạnh đó, Vinaconex cũng sở hữu khu đất hơn 356.171 m2 tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 1 (Quốc Oai, Thạch Hòa), được cho thuê mặt bằng và hạ tầng.

Ngoài ra, Vinaconex cũng sở hữu dự án bất động sản khá lớn với diện tích 32.696 m2 tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Khu đất này đang được Vinaconex triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora).

Hay mới đây, Vinaconex cũng đang thực hiện 2 dự án cải tạo chung cư cũ tại 93, 97-99 Láng Hạ, với tổng mức đầu tư dự kiến lần lượt 949 tỷ đồng618,7 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đang triển khai dự án chung cư cao 33 tầng tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (đầu tư 637,5 tỷ đồng) và Vinata Towers (đầu tư 618,7 tỷ đồng).

Con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô dự chi 2.000 tỷ mua cổ phần Vinaconex

Trong hai nhà đầu tư muốn mua lại 21,28% cổ phần Vinaconex từ Viettel có công ty của ông Trịnh Cần Chính, con trai nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm