Mưa lớn bắt đầu trút xuống TP Đà Nẵng từ 15h ngày 14/10 và kéo dài liên tục đến tối 15/10 gây tê liệt giao thông, ngập úng hàng loạt căn nhà. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Sáng 15/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự - UBND TP Đà Nẵng, cập nhật ảnh hưởng của vụ bão trên địa bàn, tính đến 7h.
Thống kê cho thấy một nữ sinh 16 tuổi thiệt mạng vì đuối nước (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng); 6 quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang ngập nặng. Toàn bộ tuyến đường thuộc những khu vực này có mực nước cao nhất gần 2 m và thấp nhất 0,2-0,5 m.
Trong trận mưa ngập, nước tràn vào hàng trăm nhà dân. Một số khu vực ghi nhận người dân gặp nạn do nước chảy xiết. Nhiều tầng hầm công trình khách sạn, nhà dân bị ngập cùng hàng chục gia đình có trẻ nhỏ bị mắc kẹt trong trận ngập.
Nhiều ôtô chìm trong biển nước, độ ngập ở nhiều tuyến phố tại Đà Nẵng có thể lên 0,5-1 m. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Riêng các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà có hàng loạt xe bị chết máy, và một số điểm bị sạt lở, UBND quận phải hướng dẫn du khách đến chùa Linh Ứng để trú ẩn.
Bên cạnh đó, đất, đá, bùn trên bán đảo Sơn Trà tràn xuống mặt đường Lê Văn Lương trên diện rộng gây khó khăn trong việc tham gia giao thông.
Ảnh hưởng của bão cũng gây ra 91 sự cố với hơn 2.500 trạm mất điện, hiện TP Đà Nẵng khôi phục 24 vụ, còn 67 vụ chưa khắc phục.
Khu vực mất điện phần lớn tại quận Sơn Trà, dọc ven biển đường Trường Sa; một phần quận Hải Châu gồm các tuyến đường: Nguyễn Tri Phương, Phan Đăng Lưu, dọc trục Tôn Đức Thắng - Nguyễn Văn Cừ; một phần KCN Hòa Khánh, KĐT Phước Lý, Nguyễn Nhàn...
Còn khu vực quận Thanh Khê như: Nguyễn Văn Huề, khu vực Yên Khê 2, Dệt may 29/3… và các xã Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) đang mất điện.
Ngoài ra, cống thoát nước đường Lê Văn Lương ra biển gần Miếu Đôi bị sụp 2 bên mố tạo thành hố sâu; 2 người tham gia giao thông bị tai nạn thiệt hại 2 xe máy nằm dưới cầu.
Sáng cùng ngày, chính quyền các cấp TP Đà Nẵng phối hợp lực chức năng đã chỉ đạo quân đội huy động xe đặc chủng và chuyên dụng ứng cứu những khu vực ngập sâu, sơ tán hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn; đồng thời đưa những người dân bị thương đi cấp cứu.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 đã đi vào đất liền khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi. Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và phía bắc Tây Nguyên xuất hiện mưa lớn.
Ngày và đêm nay (15/10), mưa lớn bắt đầu dồn lên phía bắc. Lượng mưa ghi nhận được trong 24 giờ tới ở khu vực từ phía nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là 100-250 mm, có nơi trên 300 mm. Cơ quan khí tượng cảnh báo tình trạng ngập lụt tiếp tục diễn ra tại các khu đô thị, vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Do mưa lớn đang lan dần ra phía bắc, từ hôm nay (15/10) đến ngày 17/10, các sông ở Quảng Bình và Quảng Trị khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu là 4-7 m, hạ lưu 1,5-4 m.