Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một ngày của bác sỹ pháp y trong nhà xác

Sau khi giải phẫu tử thi và lấy ra các cơ quan chính để phục vụ quá trình điều tra, bác sĩ pháp y rửa sạch thi thể nạn nhân, lau khô và đặt trong tấm vải.

Barbara Peters, bác sỹ pháp y tại bệnh viện St George, London, Anh. Ảnh: The Guardian

Barbara Peters là một bác sỹ pháp y tại bệnh viện St George, London, Anh. Cô thường bắt đầu công việc khám nghiệm tử thi vào khoảng 7 giờ sáng mỗi ngày. Công việc ở nhà xác luôn bận rộn. Vì vậy, Barbara luôn phải làm việc từ sớm để kiểm tra những tử thi mới được chuyển đến vào đêm hôm trước.

Quy trình khám nghiệm tử thi kéo dài khoảng 30 phút. Trước tiên, các bác sĩ pháp y phải ghi chiều cao, cân nặng của từng người và loại bỏ các vật thể trong túi áo, túi quần hoặc đồ trang sức trên cơ thể họ để giúp các nhà nghiên cứu bệnh học xác định nguyên nhân tử vong của nạn nhân.

Trong những năm hành nghề, Barbara từng thấy các vật thể như thuốc, kim tiêm hay thậm chí bọc tiền trong áo ngực của các tử thi nữ. Các chuyên gia bệnh học kiểm tra sơ bộ cơ thể nạn nhân thông qua các vết đâm, cắt hay trầy xước bất thường để thu thập manh mối, tìm nguyên nhân cái chết.

Công đoạn tiếp theo là giải phẫu tử thi. Sau khi lấy các cơ quan chính để phục vụ quá trình điều tra, bác sĩ pháp y sẽ rửa sạch thi thể, lau khô và đặt trong tấm vải.

Nhiệm vụ của các bác sĩ pháp y là giải phẫu các thi thể, hỗ trợ việc nghiên cứu để tìm nguyên nhân tử vong. Ảnh minh họa: blogspot.com

“Chúng tôi thường nghe đài hoặc nói chuyện với nhau trong lúc làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tiến hành mọi việc cẩn thận và tôn trọng người đã khuất. Suốt 10 năm làm việc trong nhà xác, tôi từng chứng khiến nhiều người chết vì tai nạn, đuối nước, hỏa hoạn, tự tử hoặc người khác giết. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên làm việc trong nhà xác. Nạn nhân là một phụ nữ lớn tuổi qua đời vì bệnh viêm phổi. Tôi thấy sự lạnh lùng trong từng cử chỉ của các đồng nghiệp khi họ tiến hành giải phẫu”, Barbara nói với The Guardian.

Công việc trong nhà xác không thích hợp với những kẻ nhút nhát nhưng nó cũng không ớn lạnh, ma quái giống như cảnh tượng trên các bộ phim truyền hình. Tại đây, các bác sỹ pháp y luôn làm việc hết sức để đảm bảo rằng, nơi đây là chốn yên bình và họ tôn trọng người đã khuất.

Bệnh viện đáng sợ trên đất Mỹ

Hành lang dài heo hút, các phòng bệnh cùng thiết bị y tế rỉ sét tại một bệnh viện ở Mỹ vào thập niên 50 khiến khung cảnh nơi đây giống trong phim kinh dị.

Công việc cần sự đồng cảm

Bệnh viện George tiếp nhận khoảng 600 tử thi mỗi năm, bao gồm cả trẻ sinh non và thai chết lưu. Đối với các tử thi trẻ em, các bác sĩ như Barbara thường đưa các bậc cha mẹ vào khu giải phẫu để họ nhìn thấy con, bế con trên tay và dạy họ cách lau rửa thi thể con. Việc này giúp họ có thể ở bên con nhiều hơn trong những giây phút cuối cùng trước khi nói lời vĩnh biệt.

“Ngoài ra, chúng tôi cần giải thích với thân nhân người đã khuất lý do và sự cần thiết của việc khám nghiệm tử thi. Sau khi giải phẫu, chúng tôi sẽ khâu các vết rạch và dán bằng băng keo hoặc băng gạc cha mẹ những đứa trẻ đã khuất sẽ yên tâm bởi con cái họ được chăm sóc cẩn thận”, Barbara nói.

Không phải ai cũng có thể trở thành bác sỹ pháp y. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ nữ tham gia công việc này thay vì phần lớn bác sỹ là nam giới như trước đây. Họ là những người biết cách chăm sóc, cảm thông và hiểu rõ những quy định của nghề.

Buổi chiều, nhiệm vụ của các bác sĩ là xem xét thông tin của các tử thi họ giải phẫu trong ngày. Barbara thường kết thúc công việc vào khoảng 4h30 hàng ngày sau khi giao chùm chìa khóa nhà xác cho nhân viên bảo vệ. Sau đó, cô trở về nhà và dành thời gian còn lại trong ngày cho gia đình và con gái nhỏ.

Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm