Tôi là Nguyễn Hoàng Khánh (22 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM), sinh viên năm cuối trường Đại học Văn Lang. Tôi bắt đầu chạy xe ôm công nghệ từ năm 2017. |
Tôi thường thức dậy vào lúc 7h sáng, sau đó thay đồng phục và xuất phát từ nhà riêng ở huyện Hóc Môn, TP.HCM. |
Khoảng 8h, tôi bắt đầu mở ứng dụng để nhận đặt xe. Ứng dụng yêu cầu tài xế chụp ảnh nhận dạng để xác minh tài khoản. |
Sau gần 10 phút, tôi vẫn chưa nhận được yêu cầu đặt xe của khách. Tôi quyết định chạy xe trống 12 km đến chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình, TP.HCM) để tìm cuốc xe đầu tiên.
8h33 phút sáng, tôi nhận cuốc xe đầu tiên từ đường Đồng Đen (Tân Bình, TP.HCM) đến huyện Bến Cát (Bình Dương). Chi phí cuốc xe này là 166.000 đồng. Tôi thích nhận những cuốc xa vì có tiền nhiều, cùng thời gian nhưng những cuốc ngắn nội thành chỉ khoảng dưới 100.000 đồng. |
Tổng quãng đường vào khoảng 40 km. Dù thời tiết buổi sáng khá dễ chịu, tôi vẫn phải tự trang bị bao tay để di chuyển trên đường dài. |
Quãng đường di chuyển gần một tiếng đồng hồ, qua nhiều cung đường khác nhau, từ đường đẹp đến đường sỏi đá ở tỉnh. Tôi trả khách vào lúc 9h30. |
Đây là chiếc khăn lau mặt của tôi sau cuốc xe. Một ngày bình thường, tôi trung bình chạy khoảng hơn 10 cuốc xe qua nhiều quận khác nhau. |
Sau đó, tôi tìm nơi ăn sáng. Tài xế thì ăn sáng vô giờ vô giấc, khi nào hết khách, rảnh thì tôi mới đi ăn.
Do không có khách đặt xe nên tôi chạy về hướng trung tâm Bình Dương để tìm kiếm cuốc mới. Tầm giữa trưa nên nắng bắt đầu gắt và nhiệt độ lên cao. |
Đây là lần đầu tiên tôi chở khách xuống Bình Dương sau hơn 2 năm chạy xe ôm. Khu vực thành phố mới Bình Dương thì khá vắng, không có nhiều xe ôm công nghệ xuất hiện.
11h30, vẫn chưa có cuốc xe tiếp theo, tôi chạy đi tìm nơi nghỉ trưa. Các tài xế thường ăn uống khá vội vàng và nghỉ trưa ở bất kỳ vỉa hè nào có thể đậu xe, ngay cả khi nghỉ, tôi cũng để ứng dụng mở nhằm chờ khách. |
Bên cạnh chạy xe ôm, các ứng dụng công nghệ còn cho phép tài xế đăng ký giao thức ăn. 13h14 phút, app “nổ” một đơn hàng giao thức ăn gồm 4 phần mì Quảng. Việc đầu tiên sau khi nhận cuốc là gọi cho khách để xác nhận. |
Sau khi tìm được quán ăn, tài xế phải chờ khoảng 10-15 phút để nhận hàng. Tài xế thanh toán trước cho cửa hàng, sau đó đến nhận lại tiền của khách. |
Các cuốc xe tại Bình Dương thường ngắn, có cước phí từ 12.000-15.000 đồng. Xen giữa các cuốc xe là những quãng nghỉ ngắn giữa giờ. Tài xế dường như không thể rời mắt khỏi chiếc xe khi đi làm. |
Sau 9 phút kể từ khi nhận cuốc, thức ăn được giao cho khách, cước phí 15.000 đồng. Việc giao hàng sẽ áp lực hơn chở khách vì tài xế phải cố giao nhanh nhằm đảm bảo chất lượng thức ăn. Thi thoảng, việc địa chỉ trên bản đồ bị sai cũng gây khó khăn cho shipper. |
Tôi tiếp tục nhận được đơn hàng giao 2 ly cà phê, chờ khoảng 5 phút, cửa hàng đã làm xong nước. |
Nhiều quán xá vẫn còn khá vắng khách, tài xế có thể ngồi nghỉ ngơi trong lúc chờ đợi thay vì chen chúc như giờ cao điểm. Tôi rất sợ bị “boom” hàng. Trước đây, tôi từng nhận giao một phần bún đậu mắm tôm giá 190.000 đồng, khi đến nơi không gọi được cho khách mà muốn khóc. Sau khoảng hơn 10 phút chờ đợi, khách hàng xuống nhận và bảo do SIM bị hỏng. |
Sau gần 2 tiếng không có cuốc xe mới, tôi quyết định chạy xe không từ Bình Dương về TP.HCM để tìm khách. Đường xa không đáng lo. Một phần vì chạy ban ngày và tôi cũng là thanh niên. Trước đây tôi có chạy thêm vào ban đêm nhưng sợ bị cướp nên đã chuyển hẳn sang ban ngày. |
15h, tôi giao giấy tờ từ đường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Giá của chuyến đi này là 58.000 đồng. |
Tài xế có thể vừa chở khách, vừa ship thức ăn và giao hàng. Tuy nhiên, Tôi nhận thấy tài xế thường chạy kiểu dịch vụ nào sẽ được ưu tiên dịch vụ đó hơn.
Gần 16h, tôi nhận cuốc thứ 7 trong ngày. Đây là vị khách người Nhật, giá chuyến đi này là 30.000 đồng. |
Tài xế cũng nhận được nhiều đánh giá trên ứng dụng. Tôi cũng từng bị nhận đánh giá 3 sao nên phải cố gắng chạy để nhận được rating 4,98 như hiện tại. |
Đến 17h12 phút, tôi tắt ứng dụng và trở về nhà. Hôm nay tôi hoàn thành 10 cuốc xe, thu nhập 321.000 đồng. Ngoài ra, tôi còn nhận được 10.000 đồng tiền thưởng của khách. |
Để chạy được xe ôm công nghệ, mỗi tài xế phải ký thỏa thuận hợp tác (hợp đồng làm đối tác) với công ty quản lý. Mỗi chuyến đi, tài xế sẽ chia phần trăm cho công ty. Đổi lại, công ty cũng lo bảo hiểm khi xe tôi bị hư hỏng. |
Để chạy được xe ôm công nghệ, mỗi tài xế ký thỏa thuận hợp tác (hợp đồng làm đối tác) với công ty quản lý. Mỗi chuyến đi, tôi đều chia phần trăm cho công ty. Đổi lại, họ cũng lo bảo hiểm khi xe tôi gặp tai nạn. |
Sản xuất: Lê Phát
Biên tập: Lê Trọng
Video: Ái Duyên