Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Một năm trên quỹ đạo cứ ngỡ như cả cuộc đời'

"Có vẻ như tôi đã sống ở trạm vũ trụ cả cuộc đời. Khoảng thời gian đó dường như lâu hơn tôi nghĩ”, Scott Kelly, phi hành gia vừa trở về sau một năm làm việc ngoài trái đất, nói.

Nhà du hành vũ trụ Scott Kelly. Ảnh: Slate.com

Sau gần một năm sống trong không gian, Scott Kelly, phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã trở về trái đất tuần này. 

Tổng thống Barack Obama ca ngợi sứ mệnh trong không gian hơn 340 ngày của Kelly, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ dài nhất so với mọi nhà du hành vũ trụ Mỹ trước đây. 

Cứ ngỡ đã rất lâu

“Điều khiến tôi bất ngờ nhất là độ dài của một năm. Có vẻ như tôi đã sống ở đó cả cuộc đời. Khoảng thời gian đó dường như lâu hơn tôi nghĩ”, New York Times dẫn lời ông Kelly nói tại cuộc họp báo của NASA hôm 4/3. 

Theo phi hành gia Mỹ, ông cảm thấy khỏe sau khi phi thuyền Soyuz đưa ông và hai phi hành gia Nga khác hạ cánh xuống Kazakhstan ngày 1/3. Lần này, Kelly cảm thấy ổn hơn dịp ông trở về trái đất hồi năm 2011 sau 159 ngày làm nhiệm vụ trên trạm không gian.

Kelly đã di chuyển hơn 230 triệu km trong hơn 340 ngày sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Do vậy việc phi hành gia đang mắc chứng rối loạn nhịp sinh học là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo ông Kelly, những ngày sống trên ISS, ông cảm thấy mệt mỏi và đau cơ. “Chiều cao của tôi tăng hơn so với lần trước", ông nói. Da của Kelly rất nhạy cảm do không quen tiếp xúc nhiều với không khí trên trạm ISS.

NASA,  nha du hanh,  vu tru,  tau vu tru anh 1

Scott Kelly (trái) và người anh song sinh Mark Kelly trong bức ảnh chụp ngày 26/3/2015, một ngày trước khi Scott bắt đầu hành trình sống và làm việc trên ISS. Ảnh: NASA

 

Sau khi trở về trái đất, Kelly cao hơn 5,8 cm so với chiều cao trước đây. Trong khi đó, chiều cao của người anh sinh đôi Mark Kelly, một cựu phi hành gia, không thay đổi. Theo CNN, trong vũ trụ, phi hành gia thường cao hơn khi cột sống kéo dài ra. Nhưng họ sẽ trở về chiều cao trước đây sau một thời gian trở về trái đất. 

NASA muốn so sánh sự thay đổi các đột biến di truyền, giữa ông Kelly và người anh sinh đôi Mark nhằm cung cấp các dữ liệu về tác động của môi trường không gian đến con người. “Bằng cách kiểm tra kết quả mà Mark thu thập trong suốt một năm, chúng ta có thể thấy những thay đổi”, tiến sĩ John Charles, quản lý của chương trình nghiên cứu con người thuộc NASA, cho biết.

Cơ hội du hành sao Hỏa trong tương lai

Các nhà nghiên cứu của NASA hy vọng, từ chuyến đi của ông Kelly và bạn đồng hành - phi hành gia Nga Mikhail Kornienko, con người có thể sống trên các tiểu hành tinh hoặc sao Hỏa trong tương lai.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, chúng ta cần thời gian. “Phân tích dữ liệu chỉ là bước khởi đầu trong quá trình nghiên cứu nghiêm túc”, tiến sĩ Charles nói.

NASA và cơ quan vũ trụ Nga đã hợp tác để tìm ra cơ chế thay đổi trọng lượng cơ thể hay giãn xương, cơ, dây thần kinh và hệ tim mạch của các phi hành gia sau thời gian dài sống ngoài trái đất.

Tăng áp lực trong hộp sọ có thể làm suy yếu nhãn cầu của một số phi hành gia, khiến họ mắc chứng viễn thị. Khi ở trạm không gian, ông Kerry và Kornienko sử dụng thiết bị đưa chất lỏng trong cơ thể xuống chân thông qua áp suất âm. “Một trong những giả thuyết được nêu ra là sự chuyển dịch chất lỏng từ trên xuống dưới cơ thể đã ảnh hưởng tới hình dạng của nhãn cầu”, tiến sĩ Charles nói.

Ông hy vọng các kết quả đầu tiên từ nghiên cứu sức khỏe phi hành gia Kelly sẽ có trong vòng một năm. Nhiều mẫu máu và nước tiểu của ông Kelly và Kornienko vẫn còn trên trạm không gian và đang đợi chuyến đi tiếp theo của hãng SpaceX tiếp cận. Phi thuyền của SpaceX có tủ lạnh để bảo quản các mẫu đó, còn tàu du hành vũ trụ của Soyuz thì không.

Dù kế hoạch một năm tới chưa được thông báo, Julie Robinso, nhà khoa học của NASA, cho biết bà muốn kiểm tra dữ liệu từ 10 tới 12 phi hành gia để đưa ra những kết luận quan trọng về ảnh hưởng sức khỏe con người khi sống trong không gian.

Với riêng nhà du hành vũ trụ Kerry, đây là nhiệm vụ cuối cùng của ông ở NASA. Ông là phi hành gia NASA giữ kỷ lục sống trong không gian lâu nhất với 4 nhiệm vụ trên trạm vũ trụ trong 520 ngày.

“Cơ quan có rất nhiều người tài năng và tôi cũng không có lý do để lên đó thêm lần nữa", phi hành gia chia sẻ. "Có lẽ trong 20 năm tới, bạn có thể mua vé giá rẻ cho một chuyến thăm ngắn tới đó”, ông nói.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm