Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một năm của TT Trump: Không kích chống khủng bố tăng đột biến

Sau một năm nắm quyền ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump gia tăng tần suất không kích chống khủng bố ở Yemen và Somalia với quy mô gấp nhiều lần người tiền nhiệm.

Từ khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh các hoạt động quân sự ra nước ngoài, đặc biệt là khu vực Trung Đông. Không quân Mỹ đã gia tăng tần suất các vụ không kích. Nhiệm vụ chủ yếu là tập trung vào chống khủng bố ở Yemen và Somalia, khu vực thường được gọi là “bên ngoài các hoạt động chủ chiến” dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Gia tăng hoạt động ở Somalia

Theo tạp chí Long War, năm 2017, Không quân Mỹ tiến hành 35 phi vụ không kích vào Somalia, gồm 31 phi vụ nhằm vào nhóm Hồi giáo vũ trang Shabaab, 4 phi vụ tấn công các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang gây dựng cơ sở mới tại đây.

Tổng số vụ không kích trong một năm nhiều hơn 9 năm trước đó cộng lại. Mỹ bắt đầu các cuộc không kích vào Somalia từ năm 2007. Tính đến hết năm 2016, Không quân Mỹ đã tiến hành 30 phi vụ không kích ở Somalia.

Mot nam cam quyen cua Tong thong Trump anh 1
Biểu đồ theo dõi số vụ không kích của Mỹ ở Somalia. Đồ họa: Tạp chí Long War.

Cuối tháng 3/2017, chính quyền Trump nới lỏng các hạn chế đối với quân đội trong việc sử dụng vũ lực chống lại tổ chức khủng bố Shabaab. Quy định này được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc đánh giá mối đe dọa ngày càng tăng của Shabaab.

Năm 2016, Shabaab tận dụng “thiên đường an toàn” ở Somalia để mở rộng căn cứ, đe dọa lực lượng Liên minh châu Phi và Somalia. Các hoạt động không kích và hỗ trợ chính phủ sở tại dưới thời chính quyền cũ được cho là không hiệu quả.

IS sau khi bị đánh bật khỏi Iraq và Syria đang tìm cách gây dựng căn cứ mới ở Somalia. Không quân Mỹ bắt đầu không kích IS ở Somalia từ tháng 11/2017 tại khu bán tự trị Puntland, nơi IS hoành hành.

Chiến đấu cơ Mỹ phá hủy mục tiêu khủng bố Các chiến đấu cơ Mỹ mang theo vũ khí dẫn đường công nghệ cao không kích phá hủy nhiều căn cứ khủng bố trong năm 2017.

Không kích rầm rộ ở Yemen

Năm 2017, Không quân Mỹ tiến hành 120 phi vụ không kích vào các mục tiêu tại Yemen. Mục tiêu chủ yếu là tổ chức khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP) với 114 phi vụ. Cuộc nội chiến kéo dài ở Yemen đã tạo cơ hội cho AQAP mở rộng căn cứ, tạo ra nhiều mối nguy hiểm cho quốc gia này cũng như khu vực.

Mỹ bắt đầu các phi vụ không kích ở Yemen từ năm 2009. Tính đến hết năm 2016, 174 phi vụ không kích đã được thực hiện, trong đó nhiều nhất là năm 2016 với 44 phi vụ. Bên cạnh nhiệm vụ chống khủng bố, Không quân Mỹ cũng hỗ trợ cho liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu trong chiến dịch can thiệp quân sự vào nội chiến ở Yemen.

Mot nam cam quyen cua Tong thong Trump anh 2
Số vụ không kích năm 2017 gấp gần 3 lần năm 2016 dưới thời Tổng thống Obama. Đồ họa: Tạp chí Long War.

Tuy nhiên, năm 2017, Không quân Mỹ chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chống khủng bố. Tháng 10/2017, Mỹ tiến hành cuộc không kích đầu tiên nhằm vào các trại huấn luyện của IS ở Yemen. 6 phi vụ không kích đã được tiến hành trong năm ngoái.

Mở rộng không kích trở lại ở Pakistan và Libya

Pakistan và Libya từng là chiến trường trọng điểm của quân đội Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Đỉnh cao của các chiến dịch không kích ở Pakistan diễn ra vào năm 2010 với 117 phi vụ. Từ năm 2011, tần suất không kích giảm dần và năm 2016 chỉ còn 3 phi vụ.

Chính quyền Tổng thống Obama giải thích việc giảm tần suất không kích vì cốt lõi của al-Qaeda ở Nam Á đã bị tiêu diệt. Mặt khác, Mỹ muốn rút quân sau hơn 10 năm sa lầy ở Afghanistan và Pakistan.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump nói rằng Pakistan cung cấp nơi ẩn náu cho các tổ chức khủng bố như Taliban, ủng hộ al-Qaeda và các nhóm khủng bố toàn cầu khác. Ông Trump yêu cầu Không quân Mỹ tăng cường không kích trở lại.

Mot nam cam quyen cua Tong thong Trump anh 3
Biểu đồ theo dõi số vụ không kích của Mỹ ở Pakistan giai đoạn 2004-2017. Đồ họa: Tạp chí Long War.

Việc Tổng thống Trump chỉ trích Pakistan khiến quan hệ ngoại giao giữa 2 nước rơi vào căng thẳng. Các quan chức ở Washington đã tìm cách để giảm các vụ không kích nhằm xoa dịu Pakistan. Năm 2017, Không quân Mỹ tiến hành 8 phi vụ không kích tại Pakistan nhằm vào các lãnh đạo cấp cao của Taliban và al-Qaeda.

Tuy nhiên, đầu năm 2018, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng: “Mỹ đã dại dột viện trợ cho Pakistan 33 tỷ USD trong 15 năm qua và cái chúng tôi nhận được không có gì ngoài sự dối trá và lừa đảo, họ nghĩ rằng nhà lãnh đạo của chúng tôi là những kẻ ngốc. Họ cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố mà chúng tôi săn lùng ở Afghanistan với sự trợ giúp không nhỏ”.

Dòng tweet của Tổng thống Trump dự báo Không quân Mỹ sẽ tiến hành nhiều phi vụ không kích hơn nữa trong năm nay.

Tại Libya, năm 2016, Không quân Mỹ tiến hành 479 phi vụ. Tuy nhiên, số vụ không kích này là một phần của chiến dịch Odyssey Lighting được sự cho phép của chính phủ Libya. Chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố chiến dịch Odyssey Lighting là hoạt động chiến tranh chủ động nhằm chiếm lại Sirte.

Năm 2017, Không quân Mỹ tiến hành 12 phi vụ, con số rất nhỏ so với năm trước đó nhưng tập trung vào nhiệm vụ chống khủng bố. Mục tiêu chủ yếu là các căn cứ của tổ chức khủng bố al-Qaeda, IS và Ansar al Sharia.

Những câu hỏi về tính minh bạch

Không quân Mỹ cung cấp rất ít chi tiết về các cuộc không kích chống khủng bố trong năm 2017. Trong 114 phi vụ nhắm vào AQAP ở Yemen, Bộ Chỉ huy Trung ương (CENTCOM) chỉ cung cấp chi tiết về 4 địa điểm liên quan đến các mục tiêu có giá trị cao.

Ngay trong các cơ quan có thẩm quyền với báo cáo mạnh mẽ hơn, chính quyền Trump tiếp tục sử dụng các thuật ngữ dưới thời Tổng thống Obama để che giấu các hoạt động chiến đấu trực tiếp. Năm 2017, Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) sử dụng thuật ngữ “tấn công tự vệ” khi nói về các chiến dịch không kích vào các mục tiêu của Shabaab ở Somalia.

Sự không minh bạch trong các vụ không kích dẫn đến nhiều cáo buộc về thương vong cho thường dân, cũng như hiệu quả thực sự của các chiến dịch. Al-Qaeda, Shabaab kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở châu Phi. Các tổ chức này điều hành mạng lưới chiến binh, tình báo khá hiệu quả gây không ít trở ngại cho hoạt động chiến đấu.

Tạp chí Long War đánh giá các tổ chức khủng bố như al-Qaeda và các chi nhánh duy trì cuộc nổi dậy mạnh mẽ và tiếp tục kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ. Do đó, chính quyền Tổng thống Trump có thể phải tăng cường hơn nữa các chiến dịch chống khủng bố trong năm 2018.

Những tiết lộ 'sốc' từ cuốn sách 'lột trần Nhà Trắng' của Trump

Những nội dung tiết lộ gây sốc về “hậu trường" Nhà Trắng đã giúp cho cuốn sách "biết tuốt về Trump" vươn lên vị trí số 1 trong danh sách những cuốn bán chạy nhất của Amazon.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm