Được chào đón nhiệt liệt bởi các nhà giáo dục khắp thế giới kể từ khi được công bố lần đầu vào năm 1983, lý thuyết trí khôn đa dạng của Howard Gardner đã được áp dụng vào các trường lớp tại nhiều khu vực.
Tác giả không thừa nhận khái niệm phổ biến rằng trí khôn là năng lực chung mà ai cũng có, chỉ là nhiều hoặc ít hơn. Thu thập trong tay vô số chứng cứ phong phú, Gardner "phác thảo" nên một lý thuyết tâm lý học mới, xác định sự tồn tại của nhiều loại trí khôn đã góp phần định dạng diện mạo nhận thức của con người, được gọi tắt là lý thuyết MI (Theory of Multiple Intelligences).
Cụ thể, để nắm bắt được đầy đủ khả năng, tài năng loài người sở hữu, ông đề xuất các dạng trí khôn khác nhau gồm: trí khôn ngôn ngữ; trí khôn âm nhạc; trí khôn logic - toán; trí khôn không gian; trí khôn cơ thể - vận động và trí khôn cá nhân (hướng nội và hướng ngoại). Những dạng trí khôn đó không nhất thiết bộc lộ hết ở một con người.
Howard Gardner chỉ ra rằng nhà trường và nền văn hóa của chúng ta tập trung phần lớn vào trí khôn ngôn ngữ và logic - toán, đề cao những người ăn nói mạch lạc và logic. Bên cạnh đó, ông cho rằng xã hội cần chú ý một cách công bằng đến các cá nhân thể hiện thiên bẩm về những dạng trí khôn khác (các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ, nhà tự nhiên học, nhà thiết kế, vũ công, bác sĩ…) góp phần làm giàu cho thế giới ta sống.
Tuy nhiên, nhiều trẻ em có những thiên bẩm như thế không nhận được sự củng cố của nhà trường. Thậm chí còn bị gán nhãn “thiểu năng học tập”, rối loạn năng lực chú ý hay đơn giản là “học sinh cá biệt” khi cung cách suy nghĩ và học hành của các em ít được chú ý tới trong những lớp học nặng về ngôn ngữ hay logic-toán.
Vì vậy, hiểu biết về nhiều loại trí thông minh có thể thúc đẩy các phương pháp giáo dục và học tập mang tính toàn diện và cá nhân hóa hơn, giúp ghi nhận, đánh giá chuẩn xác những điểm mạnh và khả năng đa dạng của tất cả học sinh.
Đặc biệt, bằng cách xác định và kết hợp trí thông minh độc đáo của riêng mình, các cá nhân có thể phát triển ý thức tự nhận thức và lòng tự trọng, cũng như theo đuổi con đường sự nghiệp phù hợp với thế mạnh và sở thích của họ.
Thông qua cuốn sách, độc giả được “viễn du” vào kho tàng cứ liệu so sánh giữa các nền văn hóa. Một thiếu niên trở thành thủy thủ nhà nghề ở vùng đảo Thái Bình Dương ra sao? Một thiếu niên học tiếng Ả Rập cực khó qua kinh Koran và trở thành nhà trí thức của đạo Hồi như thế nào? Hay câu chuyện cả nghìn em bé Nhật Bản 2 hoặc 6 tuổi chơi đàn giỏi, người nghệ sĩ kịch câm kỳ tài Marcel Marceau cùng một số tài năng hát rong thuộc những vùng “đói chữ”... Sự so sánh này dẫn tới việc xóa bỏ định kiến thường có xưa nay vẫn lấy các chuẩn mực “trí khôn phương Tây" làm thước đo.
Giáo sư Ulric Neisser, Đại học Emory nhận xét về Cơ cấu trí khôn: "Một cuốn sách gây ấn tượng và quan trọng. Gardner phá vỡ những khuôn mẫu hạn hẹp của lý thuyết đo nghiệm tâm lý và tiến trình xử lý thông tin, ông đưa ra một quan niệm phong phú về những năng lực người trong nhiều địa hạt".
Howard Gardner (sinh ngày 11/7/1943), là Giáo sư Tâm lý học Nhận thức và Tâm lý học Giáo dục bậc cao học tại Khoa giáo dục của Đại học Harvard (Quỹ John Hobbs and Elisabeth A.Hobbs).
Cuốn sách Frames of Mind - The Theory of Multiple Intelligences' (bản tiếng Việt - 'Cơ cấu trí khôn: Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn', do cố nhà giáo Phạm Toàn dịch) của ông được coi là 'sách gối đầu giường' của sinh viên sư phạm và các nhà tâm lý học nhiều nước.