Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một gia đình săn tìm hóa thạch nổi tiếng

Ở gia đình Leakey, khảo cổ học giống một thứ tín ngưỡng, được truyền từ đời này qua đời khác. Ba người con trai của họ đã tiếp nối con đường huy hoàng của cha mẹ.

Sau đợt khảo sát ở châu Phi vào năm 1931, Louis gặp Mary. Hồi đó cô tên là Mary Nicol, một họa sĩ trẻ, đồng thời là một nhà khảo cổ học đầy nhiệt huyết. Louis thì đã có vợ, làm cha của một cô con gái và một bé trai còn trong bụng mẹ.

Nghèo trơ đáy túi, ông chỉ có vài khoản thu nhập từ việc giảng dạy các lớp nhân chủng học và khảo cổ học ở trường St John’s, và đang hi vọng sắp có một khoản nhuận bút từ cuốn sách phổ biến kể về các phát hiện của mình, có tên Tổ tiên của Adam. Ông đang cần tìm ai đó vẽ tranh minh họa các công cụ đồ đá cho cuốn sách. Một người bạn giới thiệu ông với Mary vào một bữa tiệc tối.

Là con gái của một họa sĩ vẽ tranh phong cảnh, Mary trưởng thành qua các chuyến du khảo dài khắp nước Italy, Thụy Sĩ và Pháp. Cũng giống Louis, cô say mê khảo cổ học từ khi còn là một đứa trẻ.

Một nhà khảo cổ học người Pháp hướng dẫn cô và cha cô vào tham quan các gian phòng sơn vẽ trong hang động Pech Merle của người tiền sử, giúp họ tìm hiểu một số công cụ bằng đá trong đống đổ nát sau các vụ khai quật. Chuyến tham quan ấy đã khơi dậy ngọn lửa hứng thú với môn khảo cổ học ở Mary. “Sau chuyện đó, tôi nghĩ rằng thực sự tôi chẳng bao giờ còn muốn làm việc gì khác nữa”, Mary thổ lộ.

Mary cũng không được đào tạo chính quy. Sau khi cha cô đột tử, người mẹ gửi cô vào một trường nữ tu, nhưng cô tìm cách để bị đuổi học sau khi giả vờ lên một cơn động kinh (cô tự tống một cục xà phòng vào miệng), và gây ra một vụ nổ trong tiết học môn hóa.

Vụ nổ “phát ra một âm thanh đinh tai và các nữ tu đổ xô chạy tới, dù gì thì họ cũng cần tập thể dục”, Mary viết lại về sự cố này một cách hài hước như vậy. Nhờ thế, cô đã được đến nghe các bài giảng về khảo cổ học và địa chất học tại Đại học Tổng hợp London và Bảo tàng London, cũng như tham gia nhiều cuộc khai quật tại Anh với tư cách một người tình nguyện.

Hai mươi tuổi, tính thoải mái, có khuynh hướng nghệ sĩ, hóm hỉnh, là phi công lái tàu lượn, thích thuốc lá Pháp, ham phiêu lưu. Chẳng biết cô thể hiện mình như thế nào trong bữa ăn tối đầu tiên cùng Louis mà hai người bị hút vào nhau và đều cảm thấy xuất hiện một tình yêu sâu đậm.

Louis mời cô tham gia vào đợt khảo cổ Đông Phi thứ tư, cũng là đợt cuối cùng mà ông lãnh đạo, và quay trở lại hẻm Olduvai vào tháng 1 năm 1935. Họ theo một con đường mới, đi qua một lối dài bùn lầy tới đỉnh miệng núi lửa Ngorongoro, rồi xuống Serengeti và lọt vào những chặng đường hẹp, tối sầm của hẻm Olduvai.

Trên các bình nguyên có nhiều bầy dã thú nhởn nhơ như voi, ngựa vằn, tê giác và trâu rừng. Mary lại cảm thấy nảy sinh một tình yêu mới, nhưng lần này là tình yêu với châu Phi. Louis và Mary sục sạo hẻm núi, lượm lặt các công cụ bằng đá và sưu tập các hóa thạch của các động vật cổ nay đã tuyệt diệt nhưng được thiên nhiên bảo quản cực tốt.

Ở đó có rất nhiều rìu tay, và thậm chí cả những công cụ còn cổ xưa hơn nữa mà sau này họ gọi là nền văn hóa Olduvai (ngày nay đã xác định niên đại là khoảng hai triệu năm, một số đồ tạo tác cổ nhất thế giới). Nhưng họ chỉ tìm thấy hai mảnh xương sọ của người nguyên thủy.

Cùng nhau đi tìm dấu tích của người nguyên thủy

Hai chục năm nữa đã trôi qua trước khi họ tìm thấy bằng chứng để Louis xác quyết sự thật đúng đắn về nguồn gốc loài người. Trong thời gian này, ông li dị người vợ đầu, cưới Mary, và có với nhau bốn người con, ba trai và một gái. Đáng buồn là bé gái mất khi còn nhỏ.

Họ định cư ở Nairobi, tại đây Louis trở thành giám đốc bảo tàng. Đó cũng là nơi ông gặp Loveridge, người phụ trách bảo tàng ngày xưa, người thầy thông thái dẫn dắt ông vào nghề. Gia đình Leakey dành nhiều khoảnh khắc rỗi rãi và những đồng xu ít ỏi để tìm công cụ đồ đá và mẫu xương hóa thạch tại nhiều địa điểm khác ở Kenya và Tanzania.

Thỉnh thoảng họ lại có những phát hiện rất ngoạn mục. Năm 1942, tại Olorgesailie (một địa điểm trong thung lũng Rift, miền Nam Nairobi) họ tìm thấy những nơi đúng là lát đầy rìu tay, như thể người nguyên thủy vùng này có cả một công xưởng chế tác công cụ đồ đá.

Năm 1948, trên đảo Rusinga giữa hồ Victoria, Mary tìm thấy một hộp sọ còn cả xương mặt trong tình trạng bảo tồn cực đẹp của loài linh trưởng không đuôi cổ 20 triệu năm tuổi Proconsul, loài mà trước đó chưa ai từng thấy. Họ tìm được hóa thạch này bằng kinh phí hỗ trợ từ một thương gia người Mỹ có cơ sở ở London tên là Charles Boise.

Ông ta tiếp tục cung cấp các khoản kinh phí nhỏ để họ có thể tổ chức các cuộc khảo sát thực địa và vào năm 1959, những khoản đầu tư của Charles đã đơm hoa kết trái tại Olduvai. Mary lại có thêm khám phá mới. Do Louis ngã bệnh phải nằm lại ở gian lều cắm trại nên Mary ra ngoài một mình. Đỗ xe, bà bắt đầu lò dò từng bước chậm rãi theo con đường dẫn tới một tảng đá lớn, dốc nghiêng, đến kề bên bờ vực của hẻm thì dừng lại nghỉ chân.

Khoảng 11 giờ trưa, đang ngồi nghỉ, ngẩng đầu lên bà chợt nhìn thấy một mảnh xương vụn “không bám chắc trên mặt đá mà nhô ra từ phía dưới. Giống như đó là một mảnh xương sọ”. Bà run người lên, nhẹ nhàng lấy bàn chải chải sạch đất bám và nhận ra hai hàm răng to cắm vào bờ hõm cong của bộ xương hàm. Bà lập tức chạy ra chỗ đỗ xe, nhảy vào chiếc xe ô tô dã chiến Land Rover của gia đình, và phóng như điên về trại.

“Em kiếm được nó rồi! Em kiếm được nó rồi! Em kiếm được nó rồi!” Bà hét to lên. Louis ngồi nhỏm dậy, hỏi: “Kiếm được cái gì?” “Chính nó! Con người! Con người của chúng ta! Con người mà chúng ta tìm kiếm. Đến đấy nhanh lên! Em đã tìm thấy răng của nó!” Mary nói luôn một mạch. Louis vụt lấy lại được sức lực, và họ cùng nhau lái xe quay ngay lại chỗ đó. Mary đã đúng: rốt cuộc họ đã tìm được thứ mà họ muốn.

Lúc đầu Louis đặt tên cho hộp sọ đó là sọ của người nguyên thủy Đông Phi Zinjanthropus. Nhưng về sau, nó được phân loại lại dựa theo dáng lực lưỡng của loài Australopithecus, mang tên Australopithecus boisei (hay Paranthropusboisei), một loài khỉ hình người nguyên thủy của Nam Phi. Louis và Mary gọi âu yếm hộp sọ đó một cách giản đơn là "Con trai thân yêu".

Sau khi đánh thức được “Con trai thân yêu”, Louis và Mary trở nên nổi tiếng. Với kĩ thuật xác định niên đại mới, các nhà địa chất niên đại học cuối cùng đã định tuổi cho các hóa thạch tại Olduvai. Và Con trai thân yêu được xếp hạng là “Già! Già khụ! Già khú đế!” như một trong số các nhà địa chất niên đại học đã nói với Louis.

Sự thực hộp sọ đó đã 1,75 triệu năm tuổi, một độ tuổi chấn động Trái Đất, gấp ba lần độ tuổi mà các nhà khoa học thời đó tin rằng con người đã từng tồn tại trên hành tinh xanh. Tin về phát hiện này vang dội trên báo chí thế giới và đã khởi đầu cuộc chạy đua tìm kiếm xương cổ nhân chủng học, kèm theo hiện tượng các nhà khoa học vội vã đổ xô đến Đông Phi để đặt cược cho những lời tuyên bố của mình.

Clark Howell, một nhà cổ nhân chủng học người Mỹ, đồng nghiệp của vợ chồng Leakey đã nói: “Phát hiện ra người nguyên thủy Đông Phi Zinj là sự kiện mở ra kỉ nguyên mới hiện đại cho việc nghiên cứu khoa học chân chính về tiến hóa của loài người.”

Gia đình Leakey cũng đã có thể dành toàn thời gian cho các cuộc khai quật tại Olduvai với tiền tài trợ của Hiệp hội Địa lí quốc gia. Mary điều hành các cuộc khai quật này, tuyển dụng một toán công nhân người Kamba, nhiều người trong bọn họ sau này trở thành những thợ săn tìm hóa thạch nổi tiếng. Khai quật là sự nghiệp của cả gia đình Leakey: Louis, Mary, và ba con trai họ Jonathan, Richard và Philip đều cùng tham gia.

Truyền cho con cái niềm đam mê khảo cổ

Và chính Jonathan đã tìm ra những mảnh xương đầu tiên thuộc về một tổ tiên mới của loài người, Homo habilis (Người khéo léo), hay còn gọi là handy man (Người sử dụng công cụ). Louis và Mary tin rằng đó là dạng vượn người sử dụng công cụ nguyên thủy sớm nhất trong hẻm núi này.

Ngay từ đầu, Homo habilis đã gây ra một cuộc tranh luận công khai. Nếu nó là một sinh vật khác với “Con trai thân yêu”, thì có nghĩa là hai loài linh trưởng đứng thẳng đi lại bằng hai chân khác nhau từng sống trong cùng một thời điểm trên hoang mạc châu Phi.

Louis lập luận rằng kịch bản đó hoàn toàn hợp lí, ví như linh dương hay linh trưởng trong thế giới động vật cũng có nhiều loài sống bên cạnh nhau đấy thôi. Nhưng nhiều nhà khoa học đồng nghiệp của ông phê phán mạnh ý tưởng về cây phả hệ phân nhánh; họ mong được thấy một cây phả hệ chỉ có một nhánh thẳng và dài của các tổ tiên liên tục kế tiếp nhau.

Và rồi cũng có lúc ý tưởng đó được xác minh. Người con trai thứ hai trong gia đình, Richard Leakey, dẫn đầu các cuộc khảo sát nhằm săn tìm người vượn của anh quanh hồ Turkana tại Kenya. Cuối cùng, anh cùng đoàn thám hiểm đã tìm thấy một thực tế đúng như cha anh đã vạch ra trong kịch bản: có hai loài người vượn khác nhau, một loài có các xương khá to, một loài có xương mảnh dẻ, nhưng não lớn hơn, sống cạnh bên nhau.

“Họ sẽ không tin con đâu!” Louis thốt lên khi Richard trao cho ông một hộp sọ của người khéo léo Homo habilis phát hiện từ hồ Turkana. Nhưng dần dần, họ đã tin. Ngày nay các nhà cổ nhân chủng học đã vẽ nhiều cây phả hệ khác nhau, tất cả đều phân nhánh.

Louis từ trần sau một cơn nhồi máu cơ tim nặng năm 1972, một tuần sau khi xem hộp sọ Homo habilis do Richard trao cho. Ông thọ 69 tuổi. Mary tiếp tục các cuộc khai quật tại Olduvai, đội của bà phát hiện thêm nhiều hóa thạch và hàng nghìn công cụ đồ đá, tất cả những thứ đó bà thể hiện trên bản đồ với tỉ lệ lớn, ghi chú nơi cư trú cách đây gần hai triệu năm của các loài động vật và người từng gọi hẻm núi này là quê hương.

Năm 1974 bà chuyển mối quan tâm sang một địa điểm khác, vùng Laetoli, có nhiều hóa thạch cổ hơn hóa thạch vùng Olduvai. Tại đấy năm 1978, một thành viên trong đội đã phát hiện ra một dãy vết chân người cổ đích thực của ba người đi bộ trong mưa, gần một miệng núi lửa phun trào hơn ba triệu năm trước.

Khi khai quật, bà nhận ra một dấu chân rõ nhất trong dãy. Mary ngồi xuống ngắm nghía dấu chân đó. Châm một điếu xì gà, bà thông báo: “Bây giờ mới thực sự là có một vài thứ để bày lên bệ lò sưởi đây!”

Khi khám phá ra dấu chân trên, bà đã 65 tuổi. Bà tiếp tục nghiên cứu hai vùng Olduvai và Laetoli cho đến tận cuối thập niên 1980. Khi mất vào năm 1996, Mary là nhà khảo cổ học nữ nổi tiếng nhất thế giới. Bà và Louis đã hoàn tất những gì họ đặt ra: họ đưa ra ánh sáng bằng chứng là loài người xuất hiện đầu tiên và tiến hóa dần lên từ châu Phi.

Cũng giống các nhà khoa học lớn khác, họ đập tan những ý tưởng cũ kĩ lỗi thời và mở đường cho luồng suy nghĩ mới. Họ đã làm được điều đó khi trong tay không có thứ gì khác ngoài các mảnh xương và các hòn đá.

Hành trình tìm ra cái nôi của loài người

Louis và Mary Leakey đã có những đóng góp quan trọng cho ngành khảo cổ học. Nhờ họ, cả thế giới biết rằng châu Phi mới là cái nôi của loài người.

Người thay đổi ngành giải phẫu từ tử thi những tù nhân

Vào thế kỷ 16, giải phẫu tử thi là điều xa xỉ. Các nhà nghiên cứu mổ xác động vật, dựa vào đó để phỏng đoán về cấu trúc cơ thể người. Andreas Vesalius đã thay đổi điều đó.

Andrew Robinson/NXB Kim Đồng

SÁCH HAY