Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một đơn vị Trung Quốc tư vấn thiết kế thủy điện bị sập hầm

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân, xử lý trách nhiệm các đơn vị để xảy ra vụ việc.

Ngày 20/12, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành tổ chức khám nghiệm hiện trường, truy tìm nguyên nhân dẫn đến vụ sập hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương). Có mặt tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, sau khi cứu nạn thành công các nạn nhân, cơ quan chức năng đã phong tỏa hiện trường để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố, lỗi từ đâu, do ai để xử lý trách nhiệm. 

Đối tượng bị điều tra chắc chắn là chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan. Trước đó, ngày 17/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khi đến kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu hộ tại thủy điện này đã lập tức yêu cầu dừng thi công công trình vô thời hạn vì để xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng.

Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường vụ sập hầm thủy điện.
Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường vụ sập hầm thủy điện.

Dự án thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương) và thủy điện Đạ Chomo (xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) trước đây do Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư, có tổng công suất lắp máy 23MW. Trong đó nhà máy thủy điện Đạ Dâng có công suất 14MW, nhà máy thủy điện Đa Chomo công suất 9MW, tổng số vốn đầu tư khoảng 650 tỷ đồng.

Dự án khởi công vào tháng 12/2003, nhưng sau đó chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện do “trục trặc” tài chính. Đến tháng 3/2006, dự án chuyển đổi chủ đầu tư sang cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (Hà Nội).

Tháng 4/2008 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy mô, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 19/8/2009, với tiến độ thực hiện dự án từ 2009 đến 2011.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2014, dự án vẫn chưa hoàn thành. Đến tháng 3/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp thay đổi giấy chứng nhận đầu tư lần thứ nhất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án hoàn thành đưa vào phát điện trong quý IV/2014.

Dự án thực hiện theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý. Việc tư vấn thiết kế do Viện thiết kế thủy lợi thủy điện Nam Ninh (Trung Quốc) thực hiện. Công ty Cổ phần tư vấn Nhật Thăng - VNT6 (Hà Nội) là đơn vị giám sát. Công ty Cổ phần Sông Đà 10-6 là đơn vị thi công hạng mục nhà máy. 

Với hạng mục hầm dẫn nước, trước đây do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô thực hiện, sau đó chuyển sang Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng ngầm Vinaconex, và nay là do Công ty Cổ phần Sông Đà 505 thi công.

Hầm dẫn nước này có chiều dài 700 m, đã đào sâu được gần 500m. Ngày 16/12 vừa qua, vào lúc 7h30, trong khi 32 công nhân của công ty này đang vào ca làm việc, bất ngờ hầm đổ sập khiến 12 công nhân không kịp chạy bị mắc kẹt bên trong.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chia vui cùng chỉ huy các lực lượng cứu hộ khi sau khi việc giải cứu 12 công nhân thành công.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chia vui cùng chỉ huy các lực lượng cứu hộ khi sau khi việc giải cứu 12 công nhân thành công.

Chiều tối ngày 19/12, nhận tin 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện đã được giải cứu thành công, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện hoa và số tiền 100 triệu đồng thưởng cho các lực lượng tham gia cứu hộ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó vừa đặt chân đến sân bay Bangkok (Thái Lan) trong chuyến công tác cũng đã gửi thư khen đến các lực lượng cứu hộ.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã trao tặng Lữ đoàn Công binh 293, Lữ đoàn Công 27 (Quân khu 7) và Đội cứu hộ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam mỗi đơn vị 100 triệu đồng.

http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=530879&mod=detnews&p

Theo Ngọc Hà/Báo công an TP HCM

Bạn có thể quan tâm