Ngày 20/12, ông Bùi Văn Sơn cho hay ngay sau khi kết thúc công tác cứu hộ cứu nạn vào chiều tối 19/12, Công an tỉnh Lâm Đồng đã niêm phong hiện trường và sáng 20/12.
Công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm đường hầm này để phục vụ công tác điều tra.
Vì sao hầm sập?
“Hiện giờ anh em đang điều tra, tôi chưa kết luận được. Nhưng qua quan sát hiện trường, chúng tôi nhận định thủy điện này có nhiều vấn đề không ổn. Thời gian tới, các ngành sẽ phối hợp kiểm tra toàn diện về thiết kế, quy trình thẩm định thiết kế, mức độ tuân thủ thiết kế và tất cả yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng công trình”, ông Sơn nói.
Nhiều tổ chức, cá nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng thăm hỏi, động viên chị Đặng Thị Hồng Ngọc. |
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đường hầm thủy điện Đạ Dâng được thiết kế có tổng chiều dài 720m, hiện đã thi công từ phía thượng lưu xuống khoảng 600m, vị trí hầm bị sập cách cửa hầm nhận nước khoảng 500m và đoạn bị sập kéo dài khoảng 35m.
Hiện nay ở phía hầm này do Công ty CP Sông Đà 505 thi công.
Những ngày thực hiện công tác cứu nạn 12 công nhân bị kẹt, vào đoạn hầm bị sập ai cũng lo lắng vì thấy nước chảy thành dòng lớn từ mái hầm xuống, mái hầm gia cố tạm bợ, ngay cả hai bên hông hầm cũng lộ ra nhiều đất mềm ngấm nước có thể bị đổ.
Chiều 20/12, phóng viên trở lại và chui sâu vào bên trong đường hầm cứu nạn 12 công nhân bị kẹt do các chiến sĩ công binh đào. Ở nơi này nước dâng cao do không còn máy hút nước như lúc 12 công nhân còn kẹt. Có vị trí cát đá đã sạt xuống.
Khi chui được khoảng 10 m, chúng tôi quan sát tại đây có một khối đá chắn ngang nửa hầm từ trên cao xuống. Từ khối đá này, việc chèn chống các khúc gỗ còn để dở dang. Đây là nơi các chiến sĩ công binh đào rẽ sang hướng trái, cặp sát vách tường bêtông hầm rồi ngược lên phía trên và giải cứu được 12 công nhân.
Sáng 20/12, trả lời về nguyên nhân của vụ sập đường hầm, ông Nguyễn Tiên Phong - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng điện Long Hội (thuộc Tổng công ty CP thương mại xây dựng Viettramex, Hà Nội), chủ đầu tư thủy điện Đạ Dâng cho hay:
“Chúng tôi sẽ họp với các nhà thầu, đơn vị thiết kế, ban tư vấn giám sát để tìm hiểu nguyên nhân, rút ra kinh nghiệm cần thiết sau sự cố rất đáng tiếc này. Tuy nhiên bước đầu theo quan điểm của tôi là thời gian thi công kéo dài, địa chất xấu dẫn đến sập”.
Theo ông Phong, vị trí hầm bị sập là do nhà thầu Công ty CP Xây dựng công trình ngầm (Vinavico) thực hiện trước đây, có gia cố tạm trong khi chờ đổ bêtông, nhưng vì thời gian thi công dài quá nên hệ thống gia cố bị ảnh hưởng.
“Trước đây cũng xảy ra một số sự cố sạt lở nhỏ và nhà thầu đã khắc phục được”, ông Phong nói.
Dù vậy, khi được hỏi vì sao thấy hệ thống gia cố yếu như vậy vẫn để nhà thầu làm, ông Phong cho rằng vấn đề an toàn luôn được chủ đầu tư đặt lên hàng đầu và rất quyết liệt đối với nhà thầu, còn sự cố vừa qua là rất bất ngờ trong quá trình thi công.
Cùng ngày, ông Phạm Đình Hiếu - Chỉ huy trưởng tại công trình của Công ty CP Sông Đà 505 - cho biết nhà thầu này mới vừa tiếp quản công trường từ Vinavico tháng 11/2014. Trả lời câu hỏi vì sao không gia cố lại đường hầm mà vẫn tổ chức thi công, ông Hiếu đáp:
“Việc đào hầm, xử lý đổ bêtông gia cố vòm tạm là do Vinavico thực hiện. Còn chúng tôi thì làm tiếp phần bêtông kết cấu vĩnh cửu vỏ hầm. Khi công nhân đang lắp thép để chuẩn bị đổ bêtông từ bên trong hầm ra cửa hầm thì xảy ra tai nạn khủng khiếp này. Bây giờ lỗi thuộc về ai thì phải chờ cơ quan điều tra thôi”.
Đã kiểm tra và xử phạt hành chính
Về việc liệu có xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát mức độ an toàn trong thi công thủy điện Đạ Dâng hay không, sáng 20/12 ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết “việc này để sau”, bởi bây giờ đang tập trung lo cho các nạn nhân.
Trao đổi sáng cùng ngày, ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói: “Sau khi cứu nạn thành công, bây giờ là giai đoạn giải quyết hậu quả và phải thực hiện theo đúng các quy trình như: phong tỏa hiện trường, xác định nguyên nhân vì sao sập, lỗi thuộc về ai, ai chịu trách nhiệm... Thế nhưng chắc chắn là để xảy ra tai nạn này thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu, còn cụ thể mức độ thế nào thì chờ xem xét sau”.
Khi được hỏi trước nay Bộ Xây dựng có kiểm tra, cảnh báo về an toàn lao động trong xây dựng đối với dự án thủy điện Đạ Dâng hay không, ông Hùng nói theo quy định đó là trách nhiệm của ngành công thương.
Trong ngày, chúng tôi cố gắng liên lạc với lãnh đạo Sở Công thương, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu các thông tin về dự án nhưng bất thành.
Ông Lê Quang Huy, Chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Lâm Đồng, cho biết đầu năm 2013 đoàn liên ngành của tỉnh Lâm Đồng có kiểm tra dự án này khi đường hầm đã đào được khoảng 500 m.
Qua quan sát thì thấy chưa có nước ngầm rỉ trong đường hầm, các bên đều là vách đá khá chắc chắn. Tuy nhiên, lúc này chủ đầu tư đã thi công cầm chừng.
“Thời điểm này, chúng tôi ghi nhận trong đường hầm ngột ngạt. Đơn vị cũng chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho công nhân. Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã ra quyết định xử phạt hành chính”, ông Huy cho biết.
Ông Nguyễn Tiên Phong nói trước đây dự án thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo do Tổng công ty Công trình xây dựng giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2003 và dự kiến hoàn thành năm 2006.
Tuy nhiên, cuối năm 2006 thì Cienco 5 chuyển giao lại dự án cho Long Hội.
Từ đó đến nay, việc thi công công trình này tiến triển với tốc độ “rùa”, hiện thủy điện Đạ Dâng đạt khoảng 85% khối lượng công việc, còn thủy điện Đạ Chomo xong khoảng 75%.
Riêng thi công thủy điện Đạ Dâng thì đến nay phải thay đổi ba nhà thầu, Sông Đà 505 là đơn vị “tiếp quản” công trường sau các công ty Lũng Lô 2, Vinavico.