Rất nhiều tên tuổi làng văn đã đóng đinh tên mình với Sài Gòn. Vài năm gần đây, Sài Gòn đương đại được gọi tên với tần suất dày đặc ở các tập tản văn/tạp bút. Các cây viết trẻ cày xới Sài Gòn ở nhiều góc nhìn khác nhau. Chỉ cần nhắc tên tựa sách đã thấy… Sài Gòn rồi.
Có thể kể ra, là Sài Gòn bao nhớ, Sài Gòn cứ vội, Sài Gòn mê, Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, Sài Gòn thị thành hoang dại, Sài Gòn vẫn hát, Sài Gòn chuyện đời của phố, Tìm nhau giữa Sài Gòn, Chuyện nhỏ Sài Gòn… Vậy nên người viết hồ nghi, liệu còn gì để người ta viết về Sài Gòn nữa không? Để không dẫm chân lên nhau, trùng lặp cảm xúc lên nhau?
Vậy mà vẫn còn. Và còn nhiều. Yêu thương xa, yêu thương gần minh chứng cho điều đó.
Tập tản văn Yêu thương xa, yêu thương gần của 2 tác giả trẻ vừa ra mắt. |
Lưu Quang Minh ở Sài Gòn, Trần Duy Thành ở Hà Nội, xa như… hai đầu nỗi nhớ. Viết, như một cơ duyên để cả hai biết nhau, gặp nhau và quyết định cùng ngồi lại viết chung một cuốn sách sẻ chia cảm xúc tuổi trẻ, tình người, tình bạn, tình yêu và cảm xúc sống theo cách nhìn, cách nghĩ của mỗi người.
Nếu như Lưu Quang Minh khá nam tính, đi thẳng vào các vấn đề đời sống, thời sự, những điểm vui chơi giải trí, mua sắm thời thượng của Sài Gòn (Work – Eat – Shop, Bơi giữa ngày mưa, Những giờ kẹt xe, Phố Tây…); thì Trần Duy Thành lại dừng lâu hơn ở những tản văn phảng phất tính “nữ” với đề tài thiên về xúc cảm sâu lắng, tình yêu và nỗi nhớ.
Nhà văn trẻ Lưu Quang Minh. |
Người đọc dễ rưng rưng cùng tác giả khi nghe kể về người cậu gần gũi thân thiết thuở nào (Cậu), về câu chuyện tình nhẹ nhàng nảy mầm từ mùa Phục Sinh của hai người trẻ, tha thiết và chân tình (Phục Sinh tâm hồn), hay mùa xuân an lành trong bầu không khí Tết, gương mặt người thân ánh nét cười của niềm vui để cảm giác yêu thương quay về, ấm nồng và gần gụi (Tết là khi ta về với yêu thương)…
Cứ vậy, Sài Gòn ghi dấu vào tản văn của Lưu Quang Minh và Trần Duy Thành bằng những điều gần gụi, bé xinh, bằng những điều khắc khoải mãi còn thương sâu, trọn vẹn những năm tháng thanh xuân nhiệt thành, giàu tin yêu và hi vọng, nhưng cũng không ít những ngày “nổi gió”.
Tuổi trẻ được sống và cảm nhận trong một thành phố như vậy thật đáng sống biết bao. Những con người, những hành động thương yêu, những bài học từ cuộc đời hiện lên lấp lánh theo từng trang viết.
Cây viết đang được chú ý Trần Duy Thành. |
Cảm nhận về Yêu thương xa, yêu thương gần, cây viết trẻ với bút danh GreenStar, đồng trang lứa với hai tác giả, cho rằng: “Với ai yêu Sài Gòn, kể hết cảm xúc dành cho nơi này có lẽ sẽ xếp thành một cuốn sách. Yêu thương xa, yêu thương gần chính là một cuốn sách như thế, dành cho những ai đã, đang và sẽ sống ở Sài Gòn.”
Còn tác giả Ánh Mai chia sẻ: “Hai cây bút nâng niu phần đáng yêu nhất của Sài Gòn, như cách những trái tim vẫn dành cho nhau và biến điều đó thành câu chữ để gìn giữ, trân quý. Yêu thương xa, yêu thương gần không chỉ có bóng hình người, mà còn là nhịp đập của một thành phố, nơi người trẻ vẫn không ngừng tìm đến, để được sống và được yêu.”
Như vậy, Yêu thương xa, yêu thương gần, là Lưu Quang Minh và Trần Duy Thành viết cho độc giả, nhưng có thể họ đang viết cho nhau lắm chứ. Một người nhìn từ bên ngoài, một người nhìn từ bên trong, tạo nên cái nhìn vừa bao quát vừa cặn kẽ, vừa đủ rộng lại vừa đủ sâu, về Sài Gòn.
Tác giả Lưu Quang Minh sinh năm 1988 tại TP.HCM. Anh là cử nhân Thiết kế Đồ họa, tác giả của các tập truyện ngắn: Gia tài tuổi 20, Sài Gòn ẩm thực trong tôi, Thực hay mơ, Viết cho người tôi yêu, Những tâm hồn đồng điệu…
Tác giả Trần Duy Thành sinh năm 1995 tại Ninh Bình. Hiện anh đang theo học ngành Tâm lý học, Học viện Quản lý Giáo dục Hà Nội. Anh là tác giả của tập truyện ngắn Say nắng Sài Gòn và có mặt ở một số tập truyện ngắn dành cho giới trẻ.