Các vụ đụng độ "ăn miếng trả miếng" giữa Israel và lực lượng Hamas lần này đang diễn ra khốc liệt khác thường, được cho là dữ dội nhất kể từ cuộc chiến năm 2014 ở Dải Gaza, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại tình hình có thể vượt tầm kiểm soát.
Đây là hệ quả của các cuộc tranh chấp kéo dài giữa hai bên. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên nhượng bộ lẫn nhau. Sáng 14/5, tình hình leo thang tới một giai đoạn mới khi Israel tuyên bố bắt đầu tấn công tại Dải Gaza bằng bộ binh. Tuy nhiên, quân đội của họ vẫn ở phía bên ngoài biên giới. Trước đó, một quan chức Israel tuyên bố hôm 12/5 rằng ba lữ đoàn bộ binh đã “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”, ngầm ám chỉ một cuộc giao tranh trực tiếp giữa binh lính hai bên.
Tuy nhiên, điều gây sửng sốt không kém chính là những gì đang diễn ra trên đường phố, khi thế giới đang chứng kiến cảnh tượng những vụ đám đông ngang nhiên hành hung người giữa phố chỉ vì "trông anh ta giống người Arab". Những vụ đập phá xe cộ, cửa hàng, khách sạn,... cũng đang diễn ra một cách tồi tệ.
Người Arab sinh sống tại Israel tụ tập bên cạnh một nhà thờ Hồi giáo trong cuộc đụng độ giữa người Do Thái, cảnh sát Israel và người Arab tại thành phố Lod hôm 12/5. Ảnh: New York Times. |
Không ai chịu lùi bước trước ai
Người ta không khỏi rùng mình khi nghĩ lại vụ việc xảy ra ở Bat Yam - vùng ngoại ô bên cạnh bờ biển phía nam của Tel Aviv - khi mà hàng chục phần tử Do Thái cực đoan thay nhau đánh đập một người đàn ông nằm bất động trên nền đất được cho là người Arab.
Tại các thành phố Or Akiva, Beersheva hay Tiberias, người Do Thái ném đá vào xe và các khách sạn nơi mà người Arab sinh sống.
Ở thành phố Lod, các gia đình Arab lo sợ các cuộc tấn công khiến họ nhớ lại ký ức đau thương trong quá khứ. Hàng nghìn người Palestine đã rời bỏ nhà cửa của họ vào năm 1948 (năm xảy ra chiến tranh giữa Israel và Palestine), và không bao giờ quay trở lại.
“Tôi không chắc liệu mình có thể tiếp tục sống ở đây hay không”, Maha Nakib - 50 tuổi, một quản trị viên và cựu thành viên Hội đồng thành phố Lod, cho biết. “Tôi sợ rằng họ sẽ cố gắng trục xuất chúng tôi ra khỏi chính ngôi nhà của mình”.
Nhưng tất cả không chỉ dừng lại ở đó. Trong nhiều tuần, căng thẳng sắc tộc gia tăng ở Jerusalem, trung tâm của cuộc xung đột. Vào tháng 4, những người Do Thái cực đoan diễu hành qua trung tâm thành phố, hô vang câu nói “Cái chết cho người Arab”. Điều này như một mồi lửa khiến cho đám đông của cả hai bên tấn công lẫn nhau.
Đám đông người Israel tấn công một người đàn ông Arab ở Bat Yam. Ảnh: NYT. |
Tại Acre, một thị trấn ven biển miền Bắc Israel, một đám đông người Arab đã đánh một người đàn ông Do Thái bằng gậy và đá khiến anh ta rơi vào tình trạng nguy kịch. Vụ việc tương tự cũng xảy ra ở Tamra.
Giới chức Israel đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở thành phố Lod, miền trung nước này lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, bắt giữ 280 người với cáo buộc thực hiện các vụ bạo loạn trên khắp đất nước.
Ngày 13/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu triệu tập khẩn cấp cuộc họp nội các nhằm cấp thêm quyền hạn cho cảnh sát để tiến hành dẹp các cuộc bạo động và thực thi lệnh giới nghiêm nếu tình hình không được cải thiện.
Bề nổi của tảng băng chìm
Chỉ trong vòng chưa đầy hai ngày, người dân Israel và Palestine cảm thấy ngỡ ngàng khi xung đột cục bộ tại Jerusalem leo thang đột ngột và nhanh chóng thành một cuộc chiến trên không toàn diện ở Dải Gaza, kéo theo các bất ổn về tình hình dân sự. Một số cựu lãnh đạo giàu kinh nghiệm lo sợ cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập kỷ đang tiến vào một giai đoạn mới.
Theo Tzipi Livni - cựu Bộ trưởng nội các Israel và từng là Trưởng phái đoàn đàm phán hòa bình với Palestine, việc không giải quyết được gốc rễ cuộc xung đột giữa hai nước Israel và Palestine cuối cùng có thể dẫn đến nội chiến trong chính đất nước của người Do Thái.
“Và đây chính xác là những gì đang xảy ra”, bà nói. “Quả bom nằm dưới lớp đất nay đã phát nổ, và hệ quả của nó thật khủng khiếp. Tôi không muốn sử dụng từ “nội chiến”, nhưng đây là một cái gì đó mới và kinh khủng khiến tôi cực kỳ lo lắng”.
Xung đột giữa người Israel và Palestine từng trở thành vấn đề nghị sự toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, vấn đề này dường như bị lãng quên. Không có một cuộc đàm phán hòa bình thực sự nào được diễn ra.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald J. Trump đã không quan tâm đến bản chất thực sự của vấn đề là gì khi ông thuyết phục bốn chính phủ Arab bình thường hóa quan hệ với Israel. Động thái trên đã phá vỡ lời cam kết tồn tại hàng thập kỷ giữa các nước Arab - chỉ công nhận nhà nước Israel khi có thoả thuận hoà bình giữa Israel và Palestine.
Một gia đình Israel sau cuộc tấn công tên lửa từ Gaza ở thành phố Ashkelon hôm 12/5. Ảnh: New York Times. |
Nguyên nhân của cuộc đụng độ lần này là do phán quyết đang bị trì hoãn của tòa án Israel về nơi định cư của người Palestine tại Sheikh Jarrah. Phán quyết đưa ra về việc liệu giới chức trách có thể trục xuất người Palestine khỏi Sheikh Jarrah và tạo nơi lưu trú cho người Do Thái hay không.
Không chỉ vậy, sự chèn ép của phía Israel đối với cuộc tụ tập trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, đặc biệt là cuộc đột kích vào một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi - nhà thờ Hồi giáo Aqsa ở Jerusalem - đã trở thành giọt nước tràn ly gây ra cuộc đụng độ khốc liệt lần này.
Tuy nhiên, sự giận dữ khi bị tấn công vào địa điểm linh thiêng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực chất, bạo loạn ở nhiều nơi hiện nay như một quả bóng "căm phẫn" nổ tung sau bao ngày tích tụ của nhóm người Arab thấp cổ bé họng tại Israel.
Những người này có đầy đủ quyền công dân. Nhiều người trong số họ còn trở thành các nhà lập pháp, thẩm phán hay quan chức cao. Vậy nhưng, những người thi hành quyền lực lại vẫn là nạn nhân của hàng tá các đạo luật phân biệt đối xử, gần đây nhất là quyết định hạ cấp địa vị của ngôn ngữ Arab và xác định chỉ người Do Thái mới có quyền quyết định bản chất của nhà nước Israel.
Diana Buttu, một nhà phân tích chính trị người Palestine từ Haifa, thành phố phía bắc của Israel, và là cựu cố vấn pháp lý cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cho biết: “Chúng tôi bị đối xử như thể chúng tôi không nên ở đây. Chúng tôi là những người mà họ muốn "rửa sạch" khỏi đất nước này”.