Đối với những đứa trẻ dưới 7 tuổi ở Tel Aviv, trung tâm tài chính của Israel, đây là lần đầu tiên chúng bị bố mẹ dựng dậy giữa đêm và kéo xuống hầm tránh bom.
Tal Morry, một luật sư ở Tel Aviv, nói với cậu con trai 5 tuổi rằng đây là pháo hoa thôi. Tuy vậy, con trai bà nhanh chóng phát hiện sự thật. “Những đứa trẻ khác nói với nó”, bà thở dài.
Những năm bình lặng chấm dứt
Từ sau cuộc xung đột với lực lượng Hamas năm 2014, Tel Aviv gần như không phải hứng chịu rocket, khác với các thành phố và thị trấn phía nam đất nước, nơi vẫn thi thoảng tị tấn công rocket của lực lượng Hamas nhằm đáp trả việc Israel ném bom Dải Gaza.
Tel Aviv được coi là nơi né tránh xung đột giữa Israel và Palestine. Năm 2019, khi thành phố này đăng cai cuộc thi âm nhạc Eurovision, các thí sinh trên khắp châu Âu vẫn bay đến đó và tập luyện dù một cuộc đụng độ ngắn đang nổ ra, khiến 4 người Israel và 23 người Palestine thiệt mạng.
Tuy vậy, đêm 11/5, điều đó đã chấm dứt. Hamas tuyên bố đã bắn khoảng 130 quả rocket từ dải Gaza đến Tel Aviv, cách Gaza 50 km về phía bắc. Cư dân thành phố nhìn thấy nhiều đốm sáng trên bầu trời từ rocket và từ những tên lửa thuộc hệ thống phòng không “Vòm sắt” của Israel.
Tên lửa thuộc hệ thống "Vòm Sắt" được phóng để đánh chặn rocket. Ảnh: Guardian. |
Hệ thống này đã chặn hầu hết rocket, nhưng một số vẫn có thể vượt qua và rơi xuống khu dân cư.
Konstantin Kandaurov là một kỹ sư phần mềm 48 tuổi sống tại thành phố Rishon LeZion, ngoại ô Tel Aviv. Đêm 11/5, ông đang xem bóng đá trên tivi thì còi báo động phòng không vang lên. Ông cố gắng chạy xuống hầm trú ẩn, nhưng chỉ kịp chạy đến cầu thang thì quả rocket đã bay đến, làm rung chuyển mặt đất.
Trong cơn hoảng loạn, ông chạy ngược lên cầu thang và nhìn ra cửa sổ. Thông thường, ông sẽ thấy một con phố ngoại ô yên tĩnh với những căn nhà nhỏ xinh, có hàng cây phía trước.
Tuy vậy, ông chẳng còn thấy gì nữa. Con đường đã không còn. "Biển lửa bao trùm mọi thứ", ông cho biết. Quả rocket đã đánh trúng trước cửa ngôi nhà đối diện, khiến một người phụ nữ thiệt mạng và phá hủy toàn bộ đoạn đường.
Lực lượng Hamas nổi tiếng với những trái rocket tự chế, được gọi là Qassem. Tuy vậy, những quả rocket bắn vào Tel Aviv lần này dường như có sức công phá lớn hơn. Ở khu phố của Kandaurov, khoảng 10 ôtô đã bị phá hủy. Một chiếc trong số đó gần như không thể nhận ra hình hài, khi nó chỉ còn cái khung và vài chiếc bánh. Mùi xăng dầu cháy lan ra khắp khu phố. Nhà Kandaurov mất cửa sổ, một phần mái nhà và bị mảnh đạn găm đầy tường.
Kandaurov chỉ có thời gian kiểm tra tình hình của các thành viên trong gia đình khi còi báo động đã tắt. “Tiếng nổ kéo dài từ 20 đến 25 phút”, ông nói. “Sau đó, im lặng bao trùm khoảng một đến hai giờ đồng hồ. Cứ 10 phút, còi báo động vang lên một lần”.
Một cư dân khác cho biết một người phụ nữ cùng khu phố đã chết trong đêm đó do đau tim. Ngày hôm sau, một người đàn ông đi ra ngoài để kiểm tra ôtô. Kính xe đã bị vỡ, khiến bên trong xe đầy mảnh kính. Người đàn ông này vẫy tay đuổi phóng viên trước khi bước lại vào trong nhà.
Xung đột chưa chấm dứt
Theo trung tá Jonathan Conricus, người phát ngôn của quân đội Israel, hệ thống phòng không “Vòm sắt” có tỷ lệ đánh chặn thành công khoảng 90%.
Khi xung đột đang gia tăng, Hamas cố gắng qua mặt hệ thống này bằng cách phóng hàng chục tên lửa cùng lúc, vào cùng một khu vực. Trung tá Conricus phủ nhận rocket đã “vượt qua hệ thống Vòm Sắt”. Tuy nhiên, ông thừa nhận những trái rocket lần này có tầm bắn xa hơn và sức công phá lớn hơn những lần trước.
Các đợt tấn công bằng rocket vào lãnh thổ Israel bắt đầu từ ngày 10/5, sau khi cảnh sát Israel xông vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem. Al-Aqsa được coi là nơi linh thiêng thứ ba đối với người Hồi giáo.
Việc cảnh sát Israel tiến vào đến thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem đã châm ngòi cho căng thẳng. Ảnh: Anadolu. |
Bà Ilana, 76 tuổi, người dân Tel Aviv, nói rằng hành động của lực lượng chức năng Israel “chống lại toàn bộ thế giới Hồi giáo”.
“Tôi không biết rằng ai đã ra quyết định này”, bà nói. “Đây là điều ngu ngốc”.
Người Palestine ở Jerusalem tỏ ra giận dữ trước cách đối xử, cũng như các biện pháp kìm kẹp của chính quyền và quân đội Israel đối với họ. Việc Israel đuổi người Palestine ra khỏi nhà, phá hủy các khu dân cư và ngăn người dân tụ tập trước Thành cổ Jerusalem trong thánh lễ Ramadan của người Hồi giáo như giọt nước làm tràn ly.
Nhiều người dân ở Tel Aviv hay Jerusalem có thể thờ ơ với vụ việc. Tuy nhiên, một số người chịu tác động trực tiếp.
Ở Jaffa, ngoại ô Tel Aviv, nơi có các cộng đồng người Do Thái và Arab định cư xen kẽ, các cuộc biểu tình và bạo lực giữa hai cộng đồng diễn ra gần như hàng đêm.
“Tôi chưa bao giờ thấy người dân giận dữ như thế này”, Aziz al Azaa, chủ một quán café nói với Guardian.
Abu Ibrahim Abu Halaweh, một cư dân Jaffa, nói rằng nhiều người đang cố gắng kiềm chế sự thù ghét và bạo lực giữa hai cộng đồng.
“Chúng ta phải sống với nhau, dù có muốn hay không”, anh khẳng định.