Bước vào thế giới người lớn là bước vào những ngày dứt mộng mơ, những ngày sống mỏi mệt trong cuộc mưu sinh, trong những bộn bề và âu lo.
Con người rất dễ lạc lối trong những ngày bước đi vội vã ấy. Cứ bước đi mải miết, đến lúc đôi bàn chân đã mỏi, mới dừng lại nhìn xung quanh thì chỉ thấy những xa lạ, trống vắng và cô đơn.
Đến lúc ấy, “tình yêu thương như chiếc la bàn” sẽ tìm được hướng đi đúng, dẫn lối ta quay về.
Một chú bé và một người cha là tự sự của một người đã trưởng thành trong định vị yêu thương, không lạc lối bởi đã bước chậm mà cảm nhận những điều bé nhỏ của cuộc sống, và anh luôn có “chiếc la bàn” trong tay để tìm được nẻo về nhà ấm áp và sum vầy. Từ ấy, anh đã viết về những câu chuyện bé nhỏ ấy, để tâm tình với những đứa bé.
Cuốn sách là những câu chuyện nhỏ được chia thành ba chủ đề chính. Những mẩu chuyện trong chủ đề Ngày xửa ngày xưa có một chú bé là những câu chuyện rất thơ ngây viết về giấc mơ, về sự háo hức, về nỗi buồn và kinh nghiệm mà những đứa trẻ đã tự mình học được từ thiên nhiên, từ những người bạn cùng trang lứa. Câu chuyện về chiếc cặp sách, cây trứng cá, giếng nước trong, củ sắn đắng,.. đều được đan cài trong đó những bài học cuộc sống vô cùng ý nhị và sâu sắc.
Trong phần hai của cuốn sách là những tâm sự của một người cha đối với nhứng đứa bé của mình. Tác giả viết như đang trò chuyện cùng con trai, con gái của mình, với lối viết vô cùng thủ thỉ, dịu dàng và ấm áp. Mỗi đứa trẻ khi bước vào những tâm sự ấy, cũng sẽ được cảm thấy tình cảm tha thiết và ấm áp.
Mẩu chuyện Giấc ngủ và lời ru có lẽ sẽ khiến không chỉ những cô bé cậu bé tuổi hoa niên thổn thức nhớ về lời ru của bà của mẹ trong ký ức, mà những người lớn cũng sẽ trở nên bình lặng ngẫm ngợi về tâm hồn mình. Lời ru đâu phải chỉ để ta có một giấc ngủ say. Lời ru ở đất nước nhiều điều buồn này chính là “lời kinh cầu nguyện. Ru phận mình, ru lòng mình. Ru đời, ru người, ru ta”. Và cũng từ những khúc ru buồn ấy, tác giả tự đặt cho mình một câu hỏi lặng lẽ, như một dấu hỏi cho mỗi nỗi buồn miên viễn của người lớn: “Không biết có nơi đâu cũng có những lời ru như thế như trong tiếng Việt? Không biết nơi đâu còn phải ru người lớn ngủ?”
Ở chủ đề thứ ba của cuốn sách, Gửi một nửa thế gian, lại là những câu chuyện đề cập đến những vấn đề vô cùng thực tiễn và hiện đại, để từ đó tác giả đưa ra quan điểm của mình về đời sống. Sau cùng, từ đó mà lẩy ra những điều đẹp đẽ, mong sao cho những người trẻ đang trưởng thành có thể ngẩng lên bầu trời đầy sao, và ngắm nhìn sự kỳ diệu ấy, để rồi dẫn lối bồi đắp nên một trái tim yêu thương.
Một chú bé và một người cha - cuốn tản văn mới của Đoàn Công Lê Huy. |
Cũng như chính lời chia sẻ của tỷ phú Warren Buffett trong Câu chuyện giếng nước, dòng sông, và bí quyết thành công: “Nguồn lực mạnh mẽ nhất trên thế gian này chính là tình yêu thương không điều kiện. Càng cho đi bạn càng nhận được nhiều”. Ấy cũng chính là điều đầu tiên và cuối cùng mà Đoàn Công Lê Huy nhắn nhủ, tha thiết và hy vọng chia sẻ cho người đọc, không chỉ những đứa trẻ, mà chính những người lớn tuổi, có lẽ càng cần có thời gian chậm lại để nhìn ngắm những yêu thương bé nhỏ này, để sống có ý nghĩa hơn. Nếu xem cuộc sống là một cuộc hành trình thì yêu thương là khởi nguồn, là la bàn dẫn lối, là chốn về cuối cùng.
Những mẩu chuyện nhỏ được viết bằng một thứ văn phong vô cùng dung dị, như những lời tỏ bày, trò chuyện, thấp thoáng những nét cười đầy bao dung của một người trưởng thành biết quý mến cuộc sống. Hơn nữa, ở cuốn tản văn này, những độc giả đã từng một thời say mê anh Chánh Văn của Hoa Học Trò, sẽ có cơ hội được gặp gỡ, và được đánh thức những ký ức tươi đẹp của một thời yêu dấu xa xôi ấy. Cũng là nhen nhóm lại những mơ mộng tưởng như đã tàn phai.
Và những độc giả còn đang trong tuổi hoa niên, có lẽ cũng sẽ dễ dàng neo vào từng câu chuyện, để cũng từ ấy mà biết chậm lại ngắm nhìn xung quanh, bé nhỏ mà đẹp đẽ, và rực rỡ xiết bao.
Cùng với Một chú bé và một người cha, Đoàn Công Lê Huy còn có những tập tản văn khác như: Yêu xứ xở, thương đồng bào; Gửi em mây trắng; Những bàn tay vẫy, những ngọn đèn ngoan...