Một chân dung khác của 'phù thủy' Trần Bảo Minh
Trần Bảo Minh chẳng mấy khó gần như bao lời đồn đại, thỉnh thoảng vẫn ăn cơm hộp ở văn phòng, cũng nghe loại nhạc bình thường chứ chẳng phải Chopin hay Beethoven, cũng đóng bộ jeans, sơ mi như bao dân làm thương hiệu, ý tưởng.
Trần Bảo Minh cùng gia đình nhỏ. |
Dị bản
Thế nhưng, bất kỳ thông tin gì liên quan đến “nhân hiệu” này đều tạo ra một câu chuyện với nhiều dị bản khác nhau. Kể như tin đồn anh được đền bù hai căn biệt thự sau khi rời khỏi Vinamilk, hay chuyện anh rời Asia Foods, đơn vị sở hữu mì Gấu Đỏ, khi “cơm không lành, canh không ngọt” với HĐQT; hoặc nhắc đến Trần Bảo Minh là nói đến marketing bom tấn... Chuyện anh rời Asia Foods và đến với sữa Ba Vì trong cương vị CEO cũng dấy lên nhiều quan điểm, đại loại là Trần Bảo Minh sẽ làm được gì? “Phù thủy” phải chăng đang dần hết “phép”?
Với Trần Bảo Minh, dư luận có hai dòng quan điểm. Một là không thể bàn cãi về những đóng góp của Trần Bảo Minh trên con đường trở thành hãng sữa số 1 Việt Nam của Vinamilk, sự xuất hiện ấn tượng của TH true Milk, thời khắc “đình đám” của Mì Gấu Đỏ. Nhưng song song với những lời tán tụng, anh cũng nhận cả “rổ đá” từ dư luận.
Năm 2012 là năm không ít sóng gió với Trần Bảo Minh khi anh rời Asia Foods, cũng ồn ào không kém thời anh bước chân khỏi Vinamilk năm 2009. Sau “sự cố” mì Gấu Đỏ hồi tháng 5/2012 cũng như cuộc “chia tay” với Asia Foods vào tháng 8/2012, trên nhiều diễn đàn đã xuất hiện các lời bình, trong đó có đề cập đến vai trò của anh, rằng: “Nói đến Minh là nói đến xài tiền nhiều và chỉ thích hợp với những doanh nghiệp đang muốn xây dựng thương hiệu trong giai đoạn đầu, còn khi đi vào ổn định thì không phù hợp nữa”.
Anh thẳng thắn phản biện rằng đây là quan điểm sai! Khi doanh nghiệp càng lớn thì cần phải chi tiền và đây chính là lúc cần làm thương hiệu. Việc tiêu tiền tăng theo doanh thu và lợi nhuận vì xây dựng thương hiệu là phần trăm của doanh thu và lợi nhuận. Đa số công ty Việt Nam không có ngân sách để làm. “Một số người không hiểu gì về chiến lược kinh doanh nên nói là tôi xài tiền nhiều, ông chủ có tiền cho mình xài à? Không ông chủ nào “khùng” đến mức nói trích ra 30% doanh thu để anh làm thương hiệu trong khi lợi nhuận không có gì hết. Hay đi vay tiền để làm thương hiệu à? Anh phải bán hàng tốt thì mới tạo ra tiền để làm thương hiệu được”, Trần Bảo Minh bày tỏ quan điểm.
Song, những suy nghĩ này của anh liệu có quá sớm để phù hợp với các công ty tư nhân Việt Nam? Theo Trần Bảo Minh, cái khó nhất làm cho các thương hiệu Việt Nam chưa mạnh được là khả năng nhìn nhận giá trị thương hiệu. Thương hiệu là đầu tư chứ không phải chi phí. Nếu anh xem nó là chi phí như đi mua nguyên vật liệu, chi phí thuê nhà, thuê xe... thì sẽ không bao giờ có thương hiệu mạnh. Ngày nào mà các “ông chủ” Việt Nam còn nhìn nhận tiền để xây dựng thương hiệu là chi phí thì ngày đó Việt Nam không có thương hiệu mạnh!
Những thương hiệu như McDonald’s không có nhà máy nhưng trị giá mấy chục tỷ đô. Ngay như Apple cũng sản xuất tại Trung Quốc và cả thế giới gia công cho Apple. Đây là mô hình mà Pepsi Global làm, Pepsi Việt Nam đang gia công cho họ. Tại Việt Nam, nếu TH true Milk làm đến tận cùng thì vẫn có thể làm được điều như Pepsi vì TH true Milk có hệ thống chuồng trại lớn, hiện đại và số lượng bò sữa của họ được nuôi ở Việt Nam chứ không phải đi nhập sữa bột ở nước ngoài về để sản xuất.
“Bố làm đó con!”
Rời Asia Foods, giới làm thương hiệu Việt Nam đồn đoán chuyện Trần Bảo Minh không thích hợp với mô hình “gia đình trị”, vậy tại sao anh tại tiếp tục đi vào một doanh nghiệp mang tính kế thừa? Trả lời câu hỏi này, Trần Bảo Minh cho rằng, với anh, “gia đình trị” không phải là yếu tố làm cho mình chán nản. Bởi đa số công ty Việt Nam là công ty gia đình, cái quan trọng là tầm nhìn và chiến lược có được thực thi hay không. Chẳng hạn, hàng loạt các công ty của Nhật Bản và Hàn Quốc đều là gia đình trị, nếu ai nói “né” những công ty dạng này thì sẽ không làm được gì.
Điều đó cũng giống như nhiều người nghĩ đất nước mình khó khăn quá, thôi thì đi định cư ở Canada hay Mỹ. Tất cả đều có lịch sử của nó! Trần Bảo Minh bày tỏ: “Tôi chỉ nghĩ những ông chủ F1 làm chậm hoặc ngăn sự thăng hoa của công ty, nhưng những đứa con đời F2, F3 thì đầu óc của họ mở mang hơn do họ đi học nước ngoài. Tôi tin rằng chính thế hệ con cháu này sẽ tạo nên sự đột biến do tầm nhìn xa và cách đặt vấn đề mới mẻ. Quan trọng là thời điểm chín muồi để các thế hệ trẻ đó có quyền trong công ty. Một thế hệ trẻ có tầm nhìn và đạo đức kinh doanh tốt thì các công ty Việt Nam sẽ có bước chuyển mình”.
Nhìn lại “biểu đồ” sự nghiệp của Trần Bảo Minh, người ta có cảm giác, thậm chí là nhận thấy một cách rõ ràng rằng, quy mô công ty anh “đầu quân” ngày một nhỏ dần. Từ hàng ngũ quản lý của Pepsi, một tập đoàn đa quốc gia, rồi đến Vinamilk, hãng sữa số 1 Việt Nam, đến TH true Milk, Asia Foods và hiện nay là sữa Ba Vì, một thương hiệu đang trong quá trình tăng cường sự hiện diện trên khắp cả nước.
Không tránh né bất kỳ thắc mắc nào, Trần Bảo Minh khẳng định, đúng là quy mô công ty ngày một nhỏ nhưng thu nhập của anh là tăng chứ không giảm, hơn nữa, sự thách thức cũng lớn dần. Ngay như lúc rời Vinamilk đến TH true Milk năm 2009, Trần Bảo Minh cùng ba đồng sự ngồi bàn bạc xem có nên về giúp TH true Milk hay không tại khách sạn Sofitel (Hà Nội), anh rất do dự khi dự án vẫn còn nằm trên giấy nhưng một trong ba đồng sự của anh khi đó là Ngô Minh Hải (hiện là Phó tổng nhân sự của TH Group), người lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm sống hơn Trần Bảo Minh, khuyên: “Đã làm thì phải làm việc để đời, cái mà người khác không làm được”.
“Đối diện với một tờ giấy và những mục tiêu lớn thì bản thân cũng nghi ngờ. Nhưng trong bất kỳ dự án nào cũng có những thách thức, Ba Vì cũng vậy. Khi tôi nhận khoản thu nhập lớn thì trong giấc mơ của mình, tôi vẫn ý thức được mình phải làm cho thương hiệu của công ty được như những thương hiệu mình từng làm chỉ với một niềm tự hào rằng, tôi có thể nói với con gái tôi là “bố làm đó con!”, Trần Bảo Minh chia sẻ.
Đối với anh, định nghĩa về hạnh phúc sẽ đặt dấu chấm hết ở hai chữ “gia đình”. Trong khi với sự nghiệp, Minh nói, anh mới 45, nghĩa là vừa chạm ngưỡng đỉnh cao về quản trị, trong khi kinh tế Việt Nam từ 5 - 7 năm tới vẫn cần chất xám, hiện tại, anh đang “tích lũy” để mong một ngày nào đó làm điều lớn hơn cho Việt Nam mà không cần quan tâm đến tiền, bởi theo Trần Bảo Minh: "Nếu anh nhận một nhiệm vụ lớn mà vẫn còn quan tâm đến tiền, chắc chắn anh sẽ làm bậy!”.
Theo Doanh nhân Sài Gòn