Ngày 27/12 tới đây, NXB Knopf (Mỹ) sẽ chính thức phát hành cuốn sách Books for Living của Will Schwalbe. Cuốn sách nói về tầm quan trọng của việc đọc sách và những giá trị mà sách mang lại cho con người.
Zing.vn lược dịch và trích đăng một phần trong cuốn sách.
Thời trung học, chắc hẳn chúng ta từng đọc cuốn Chiến tranh xứ Gallia (cuốn sách do chính Julius Ceasar ghi lại về chuỗi những chiến dịch quân sự được thực hiện bởi các Quân đoàn Lê dương La Mã).
Nó gợi mở cho tôi một chân lý: Chúng ta thật nhỏ bé trong chiều dài lịch sử. Những chiến công của Caesar được ghi lại trong những tác phẩm vượt thời gian, luôn thu hút người đọc. Còn tôi không đủ khả năng, cơ hội để ghi dấu tên mình với nhân loại. Đó là bài học ý nghĩa với một học sinh lớp 7.
Những tác phẩm lịch sử như Chiến tranh xứ Gallia dạy cho người ta rằng chúng ta thật nhỏ bé trong chiều dài lịch sử.
|
Lên bậc phổ thông, tôi đọc cuốn Odyssey. Bài học từ cuốn sách khác với những gì giáo viên giảng dạy, và nó gần giống với những điều tôi học được từ Caesar: bạn không nên cho rằng việc cảm thấy xấu hổ là một điều tầm thường.
Tất nhiên, Odyssey là một trong những tác phẩm vĩ đại của mọi thời đại. Ngay cả bản thân Odysseus cũng phải thừa nhận rằng ông không phải là vị anh hùng hoàn mỹ. Sau cuộc chiến thành Troy, ông mất 10 năm gian truân để trở về nhà.
Giá trị của việc chấp nhận hay bám lấy sự tầm thường sẽ giúp bạn đánh giá cao sự ưu tú. Ở trường đại học, tôi được giới thiệu vài cuốn sách đặc biệt. Trải nghiệm đọc, nghiền ngẫm và nghiên cứu một kiệt tác đương đại như Khúc ca của Solomon nhắc nhở tôi về sự vĩ đại, cho dù trong văn học hay các khía cạnh khác của cuộc sống.
Nội dung của cuốn tiểu thuyết nói về cuộc di cư từ phương bắc xuống phương nam của nhân vật Milkman Dead. Điều này đối lập với cuộc "đại di cư" của người Mỹ gốc Phi từ vùng nông thôn ở phía nam đến các thành phố ở phía bắc và phía tây vào thế kỷ 20. Tôi luôn bị ám ảnh với chi tiết chuyến bay thoát khỏi những hiểm nguy, biểu tượng cho sự tự do. Tôi ghen tỵ với những ai chưa đọc Khúc ca của Solomon.
Khi đi làm, tôi lại thay đổi "khẩu vị" đọc sách. Một người cố vấn đã tặng tôi cuốn Món quà từ biển cả của Morrow Lindbergh. Đây là cuốn sách nói về sự ưu tiên, khác với những cuốn được xuất bản cùng thời.
Lindbergh là nhà thám hiểm, nhà văn và là vợ của một phi công nổi tiếng. Nữ tác giả đó sẽ giúp bạn làm mới cuộc sống và tinh thần. "Trong thế giới ngày nay, cả phụ nữ đàn ông đều không hiểu sự cần thiết của cô đơn", bà viết vào năm 1995.
Sau nhiều năm theo đuổi sự nghiệp, tôi bắt đầu tin rằng việc tìm ra ai là hậu phương, ai là kẻ thù là một kỹ năng cần thiết. Đọc những câu chuyện cảm động hay trì hoãn công việc nào đó khiến chúng ta tìm thấy một người đáng tin.
Tác phẩm Cô gái trên tàu gây chú ý năm 2015 của tác giả Paula Hawkins. |
Cuốn tiểu thuyết Cô gái trên tàu của Paula Hawkins có giá trị như thế. Nó cho thấy người kể chuyện có thể không tin cậy bởi luôn nghi ngờ những gì mà cô ấy nói. Đôi khi, người tôi không nên tin tưởng là chính bản thân mình.
Sách cũng giúp tôi vượt qua khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời. Tôi đọc cuốn David Copperfield nhằm khoả lấp nỗi buồn sau cái chết của một vài người bạn. Khi còn trẻ, đọc đến trang cuối khiến tôi thổn thức. Tôi cho rằng lúc đó mình sẽ “tạm biệt” David Copperfield, Steerforth, Emily bé nhỏ và Dora. Nhưng tôi đã sai, đó chỉ là khởi đầu mới. Tôi tin rằng bất kể những lúc nói chuyện với bọn họ, tôi đều có cảm giác như đang tâm sự với những người bạn đã khuất của mình.
Gần đây, tôi đọc một cuốn sách giúp trở thành một người bạn tốt – cuốn tiểu thuyết kinh điển của Hanya Yanagihara, Cuộc đời bé nhỏ. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của 4 người đàn ông từ khi tốt nghiệp đến lúc trung niên, trong đó một người là nạn nhân của việc bị lạm dụng khủng khiếp.
Tôi không thể tìm ra cuốn sách nào hơn thế về tình bạn, về cách mà chúng ta có thể và không thể giúp đỡ người khác hay tầm quan trọng của việc ở bên bạn mình cho dù có điều gì xảy đến.
Tôi cũng chọn những cuốn sách giúp gợi lại những gì đã lãng quên trong cuộc sống. Tiểu thuyết Wonder của tác giả R.J. Palacio kể về một cậu bé có khuôn mặt biến dạng lần đầu tiên được đến trường.
Thông điệp sâu sắc được truyền tải qua lời hiệu trưởng, người luôn khuyến khích học trò làm điều tử tế: “Làm tốt hơn một chút so với mức cần thiết có phải là điều đáng ngạc nhiên không?”. Câu hỏi không chỉ để lại dư âm với những học sinh lớp 5 trong chuyện mà còn khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ.
Bên cạnh đó, tôi cũng đọc cuốn Reading Lolita in Tehran (tạm dịch Đọc Lolita ở Tehran) của Azar Nafisi. Câu chuyện về nhóm nữ sinh do tác giả giảng dạy ở Tehran, Iran vào năm 1995, nơi cô đã bí mật tổ chức cho họ nhiều buổi đọc các tác phẩm kinh điển phương Tây bị cấm. Cuốn sách đã củng cố niềm tin vào sức sống của sách và văn học trong tôi.
Cô Nafisi viết: “Trong tất cả các tiểu thuyết lớn, bất kể thực tế mà nó phản ánh, đều xảy ra quá trình nhào nặn thực tế, một sự nhào nặn cần thiết. Sự nhào nặn này nằm ở chỗ tác giả điều khiển hiện thực bằng việc kể lại chúng theo cách của riêng mình, rồi sau đó tạo ra một thế giới mới. Với mỗi tác phẩm nghệ thuật chân chính, tôi đều sẽ vinh danh như một chiến thắng cao hơn cả sự thiếu trung thực và nỗi sợ hãi trong cuộc sống."
Khi đọc lại cuốn này và nhiều cuốn khác nữa, tôi luôn tự nhắc mình rằng việc đọc không đơn thuần là thoát ra khoải vòng xoáy bất tận của công nghệ. Nó không chỉ là cách để tôi phục hồi và tái tạo năng lượng cho bản thân, cũng không phải là cách tôi trốn tránh. Nó chính là cách tôi kết nối, thậm chí kết nối rất sâu.
Sách là một trong những thành trì kiên cố nhất mà chúng ta phải đấu tranh để có được quyền tự do tiếp cận. Quyền đọc mọi cuốn sách ở bất cứ thời điểm nào mà bạn muốn là một trong những quyền cơ bản, tạo cơ sở bảo vệ nhiều quyền khác. Quyền lợi đó phải được chúng ta thường xuyên gìn giữ, dựa trên sự bằng lòng. Việc đọc sách không chỉ là một cuộc đình công chống lại sự hạn hẹp, gò bó trí tuệ mà còn là một niềm vui lớn ở đời.