Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một câu chuyện săn cọp đất Khánh Hòa

Người ta thường nói “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Ma Bình Thuận chưa xác thực, nhưng nhiều người công nhận Khánh Hòa nhiều cọp dữ. Dưới đây là câu chuyện của một nhà thiện xạ.

Nơi đây (cách Nha Trang thành lối 20 cây số) dân địa phương thường tổ chức những cái bẫy gài thú dữ. Cái bẫy cổ điển lắm khi cũng có kết quả, nhiều con cọp đã bị sa bẫy. Nhưng nhiều con cọp khôn ngoan biết tránh bẫy, muốn hạ nó, phải nhờ đến tay các nhà thiện xạ.

Chiều hôm ấy, tôi đến bản nói trên. Dân làng đang xúc động mạnh sau cái chết của một người dân mới bị cọp mang đi mất xác. Sau khi hỏi kỹ càng đường đi nước bước của mãnh thú, tôi huy động hai thanh niên vào rừng dựng một chòi nấp ở trên một con suối, vì cọp là một con vật thích uống nước

Cách chòi ẩn nấp, tôi cột một con chó. Đêm ấy nhằm ngày 16 âm lịch, tôi ngồi trong chòi. Có hai thanh niên vì tính hiếu kỳ trèo lên một gốc cây cao, giăng võng ngủ ngay trên cành.

Trăng còn rất sáng. Những dấu cọp thường đi lại còn ghi rõ ở mọi vật chung quanh. Nhiều thân cây bị thú dữ cào trầy trụa. Sừng trâu, sừng bò ngổn ngang trên mặt đất. Thường những con cọp bắt người ít khi đi sâu vào trong rừng. Chúng hay lảng vảng gần những khu có nhà cửa của đồng bào.

Đêm đó, không thấy dáng mãnh thú đâu cả.

Mot cau chuyen san cop dat Khanh Hoa anh 1

“Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” trở thành giai thoại được lưu truyền. Nguồn ảnh: Ninhhoatoday.

Sáng hôm sau, tôi lại được dân làng vào rừng cho hay, vợ người làm rẫy khác mới bị cọp mang đi trong lúc nạn nhân nằm chung với chồng con trên một mảnh chiếu. Cửa chính vào nhà tranh được gài bằng cái chốt gõ. Đêm ấy, con cọp đến gần cửa, đưa chân trước đẩy cái chốt, nhẹ nhàng bước lại cắn vào họng người đàn bà và mang đi mất. Người chồng thức dậy nhưng trước cảnh hãi hùng, không còn la lên được.

Đây là một vùng đất cát. Nhờ vậy mà tôi theo dõi đường đi của cọp. Chúng tôi đến một vùng đất mọc toàn cây xương rồng. Đến một khoảng trống, tôi nhận thấy có nhiều miếng vải rách nát nhuộm màu đỏ. Một đàn diều hâu nghe tiếng động vụt bay lên và kêu bải hoải. Tôi đang đứng tần ngần nhìn cảnh vật xung quanh thì anh Mít chồng của nạn nhân, đôi mắt đầy lệ, nhặt từng mảnh vụn thu vào một cái bao. Anh ta đưa cho tôi xem hai cái vòng bằng bạc, giọng nghẹn ngào:

- Đây, đôi vòng bạc nhà tôi đeo ở hai cổ chân đây!

[...] Với cử chỉ lẹ làng, anh Mít giọng cương quyết nói với tôi:

- Ông cho tôi theo ông. Ông đưa cây súng tôi mang cho.

Tôi chậm rãi:

- Có lẽ anh nên trở về thì hơn!

Nhưng anh Mít không chịu. Chúng tôi tiếp tục đi tới. Xung quanh không có một lùm cây để tiện dựng chòi núp. Tôi nghĩ con mãnh thú hẳn có hang ở cuối khu rừng. Nó bạo dạn phá cửa vào nhà để vồ người, hẳn là đã quen ăn thịt người. Nghĩ vậy, chúng tôi dựng một cái lều ngay giữa khoảng khu rừng trống này. Ngay trước căn lều, tôi cho chặn nhiều lớp ván chắc chắn. Đêm hôm ấy, chúng tôi nằm trong lều chờ mãnh thú.

Lại một đêm yên tĩnh trôi qua. Nhưng tôi chưa thất vọng. Cơm nước no say, đêm hôm sau chúng tôi lại vào lều. Lúc mưa đêm, kim đồng hồ của tôi chỉ đúng 12 giờ, tôi nghe có tiếng chim “tò hoét” (chim “bắt cô trói cột”) kêu báo động. Theo kinh nghiệm, tôi biết có thú dữ sắp đến viếng. Vừa lo vừa mừng. Lo là sẽ phải đương đầu với một con cọp nổi tiếng ăn thịt người, mừng là đã đến lúc tìm cách trừ nó.

Hai người đi theo đã ngủ yên. Tôi bấm họ dậy và ra lệnh cho họ nằm yên. Tôi quỳ xuống, đưa cặp mắt nhìn chằm chằm vào đêm tối.

Sương mù mỗi lúc một đặc. Ánh trăng chỉ le lói trên các ngọn cây. Tôi đưa mũi dò không khí. Chưa có mùi cọp đến với gió. Tôi vẫn kiên nhẫn đợi… Bỗng, mấy tấm ván chặn trước lều rung chuyển mạnh. Chiếc lều của chúng tôi lung lay. Tôi nhận thấy cái đầu của con cọp chồm lên trên mấy tấm ván. Tôi bóp cò. Con vật gầm lên một tiếng. Xa xa có tiếng chó sủa.

Tôi lẹ làng ra khỏi lều trèo lên mái. Con vật có lẽ bị thương nhẹ, nên lùi lại cách lều vài thước rồi ngồi quay mặt vào lều. Tôi đưa súng ngang vai nhắm. Không may là lúc ấy, một lớp mây đen bay qua che lấp mặt trăng. Lúc đám mây qua, con cọp đã biến mất.

Sáng ngày, có chim hót chào đón bình minh. Những ý nghĩ mông lung bắt đầu choán óc tôi và toàn là những tư tưởng thất bại. Tôi đã bỏ mất dịp hạ con vật hung dữ, hơn thế nữa, tôi chỉ làm cho nó say máu người hơn [...]

Mot cau chuyen san cop dat Khanh Hoa anh 2

Săn cọp trên bưu ảnh Đông Dương. Nguồn ảnh: Baophapluat.

Chúng tôi lại bỏ lều ra đi. Khoảng quá trưa, mệt nhọc, chúng tôi dừng chân gần một ngọn suối. Trong lúc tôi đang thiu thiu đôi mắt, anh Mít không biết từ đâu chạy lại, hớt hải lay tôi dậy, giọng run run:

- Nó sắp đến đây! Nó đi cà nhắc!

Tôi theo chân anh Mít ngồi rình sau một tảng đá. Chúng tôi thấy rõ mồn một con vật. Nó to lớn quá! Tôi ước chừng nó cao quá một thước và dài non hai thước rưỡi. Cái mõm của nó gần hình vuông, giống như mõm beo. Con vật vừa bước đi vừa đánh hơi.

Nó đi lần về phía bờ suối. Có lẽ nó đang bị cơn khát giày vò. Nó đang trườn mình vào bụi lau trước mặt. Chắc chắn nó sẽ đến bờ suối. Nó gần đến rồi! Nhưng tôi chỉ còn một viên đạn trong lòng súng. Lần này, tôi bắn hỏng thì tính mạng của tôi sẽ bị giao phó cho nó. Tôi hơi run run tay. Đến bờ suối, con vật lội ngay xuống nước.

Tôi tự nhủ rằng, viên đạn sắp ra khỏi nòng súng phải đúng vào chỗ nhược của con thú bên vai trái hoặc sau sọ thì mới hạ nó được. Nhưng khi con cọp bơi thì cả thân mình của nó chìm sâu dưới nước, chỉ có hai mũi nổi lên. Giữa lúc tôi đang nhắm bắn, có một làn bọt cao chắn ngang trước mặt con vật.

Liền lúc ấy, anh Mít lội xuống nước. Anh bơi tới đống bọt, đưa tay đẩy. Tôi không dám lên tiếng và hiểu rằng, người chồng đau khổ đang hy sinh để trả thù cho cái chết của vợ.

Con vật thấy bóng người, lặn đầu xuống rồi nổi lên ở ghềnh đá trước mặt tôi. Nó quay đầu lại và nhìn chằm chằm vào miếng mồi ngon trước mặt đang vùng vẫy dưới nước. Nó gầm lên một tiếng, toan nhảy xuống nước. Tôi không còn ngập ngừng nữa….

Viên đạn bay đi. Chim chóc quanh vùng bay bổng lên không, kêu chí chóe. Con vật trúng đạn té ra phía sau, nằm im trên tảng đá. Nó nằm im, nhưng tôi vẫn hoài nghi. Cách đây vài năm, chính mắt tôi đã có dịp chứng kiến một con cọp bị đạn ở tim mà còn ráng nhảy lên vồ một nhà đi săn ngồi trên mình nó.

Một lúc sau tôi mới bước lại. Trong lúc đó, anh Mít cũng đã bơi vào bờ. Con thú không còn thở nữa. Viên đạn tôi bắn ra may mắn nhắm đúng xương sống nó.

Chim chóc, suối, cây, đá… như cũng lặng thở. Tôi nhìn kỹ con vật. Nó bị hai vết thương, một vết ở khuỷu vai trái, có lẽ đó là vết đạn tôi bắn hụt đêm trước, nhưng ở chân sau là một vết dao đâm. Lạ lùng hơn là cây dao còn nằm trong thịt của con vật. Đó là một cây dao găm, dài độ hai tấc, cán bằng nhôm.

- Ai đã thọc cây dao ấy vào mình con vật? Một người làm rẫy hay một nhà thiện xạ nào?

Đầu óc tôi đang băn khoăn với những câu hỏi ấy thì anh Mít mở “sắc” ra lấy hai vòng bạc trao cho tôi và nói:

- Ông cầm lấy. Tôi xin tặng ông!

Tôi không trả lời nhưng đưa hai tay nắm tay anh Mít lại và ra hiệu cho ảnh bỏ lại đôi vật kỷ niệm ấy vào cái túi của anh.

Phạm Công Luận tuyển / NXB Thế giới và Phuongnambook

Giang Tân (Thời Nay xuân Nhâm Dần 1962)

SÁCH HAY