"Một bình minh mới trên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Thủ tướng Australia Scott Morrison nói như vậy về cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo bốn nước "Bộ Tứ", theo Nikkei Asia.
Lãnh đạo bốn nền dân chủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã thảo luận một loạt các vấn đề, không chỉ về an ninh mà bao gồm biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và các tiêu chuẩn công nghệ cho tương lai.
Vì dịch Covid-19, cuộc họp diễn ra trực tuyến.
Tuyên bố chung sau cuộc gặp - cũng là tuyên bố đầu tiên của 4 nhà lãnh đạo - "Bộ Tứ" cam kết "thúc đẩy một trật tự tự do và mở, dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế, để từ đó tiến tới an ninh, thịnh vượng, đối phó với các thách thức tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn thế".
Hôm 11/3, một quan chức chính quyền Mỹ nói với các phóng viên rằng ông Biden rất cố gắng sắp xếp cuộc gặp này để chuyển tải thông điệp rõ ràng về sự quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuyên bố chung cũng đề cập các điểm nóng của khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và tình hình Myanmar.
"Tôi vô cùng quan ngại tình hình ở Myanmar", ông Suga thông báo.
Thủ tướng Suga trong cuộc họp ngày 12/3, phía sau là màn hình trực tuyến với các lãnh đọa khác của "Bộ Tứ". Ảnh: Reuters. |
"Bóng hình" Trung Quốc
Không có dòng nào trong tuyên bố sau cuộc gặp nhắc đến Trung Quốc. Dù vậy, từ trước cuộc gặp, các nhà quan sát nhận định chính sự trỗi dậy của Bắc Kinh càng tô đậm tầm quan trọng của "Bộ Tứ".
Cả bốn nước Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ đều đang có căng thẳng với Trung Quốc, nhưng mỗi quốc gia trong "Bộ Tứ" cũng khẳng định nhóm này không phải là một liên minh chống Bắc Kinh.
"Bộ Tứ được thành lập không phải để chống lại một mối đe dọa hoặc tập trung vào một vấn đề duy nhất, mà để chứng minh những lợi ích mà nền dân chủ có thể mang lại cho người dân và cả thế giới", phát ngôn viên Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với báo giới trước thềm cuộc họp hôm 12/3.
Dù có chủ trương trái ngược với người tiền nhiệm về nhiều vấn đề, Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn của Mỹ trước đối trọng Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xuống dốc trầm trọng, với những xung đột xoay quanh căng thẳng thương mại, đại dịch Covid-19, vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương.
Trong khi đó, Ấn Độ liên tục có xung đột biên giới với Trung Quốc. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia cũng gia tăng vài năm gần đây. Trong khi đó, Nhật Bản quan ngại về các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp (Tokyo đang quản lý nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền).
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 12/3 nói rằng "trao đổi và hợp tác giữa các nước nên đóng góp vào sự hiểu biết và lòng tin, thay vì nhắm vào một bên thứ ba", theo Indian Express.
Sau cuộc họp của các lãnh đạo, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng các thách thức từ Trung Quốc là chủ đề thảo luận, nhưng không phải trọng tâm. Các lãnh đạo cũng bàn về các vụ tấn công mạng gần đây và chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn.
Thủ tướng Nhật Bản Suga nói với các phóng viên sau cuộc gặp rằng ông đề xuất việc hợp tác với các quốc gia ASEAN để theo đuổi tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các lãnh đạo khác trong "Bộ Tứ" đồng ý với ý kiến này, ông Suga nói.
Thủ tướng Nhật cũng cho biết ông phản đối kịch liệt các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng; và các lãnh đạo Mỹ, Australia, Ấn Độ đồng ý hợp tác trong vấn đề này.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc trong hàng hải, đặc biệt là tham chiếu với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), tăng cường hợp tác để đáp ứng các thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ, tại Biển Đông và biển Hoa Đông", tuyên bố chung viết.
Ngoại trưởng các nước "Bộ Tứ" họp mặt vào tháng 11/2020 (ngoại trưởng của Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo). Ảnh: Reuters. |
Nhân tố Ấn Độ
Nikkei Asia nhận định một trong những bước tiến quan trọng là Ấn Độ đồng ý tham gia một cuộc gặp thượng đỉnh.
New Delhi có truyền thống né tránh các liên minh chính thức và giữa các nước ở một khoảng cách ngang bằng nhau, bao gồm cả với Trung Quốc. Sau nhiều năm, Ấn Độ mới đồng ý về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa bốn nước.
Nhật Bản, Mỹ, Australia cũng tìm cách để mở rộng cửa cho New Delhi hợp tác trong nhiều lĩnh vực và tránh đi các vấn đề an ninh nhạy cảm. Ấn Độ thậm chí được "trao quyền ưu tiên" là bên chính thức thông báo về cuộc gặp, và Thủ tướng Modi là người nói thứ hai, sau Tổng thống Biden.
"Thật tuyệt được ở giữa bằng hữu. Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Biden vì sáng kiến này", ông Modi nói. "Thật tuyệt vời, chúng ta được gắn kết bằng các giá trị dân chủ và sự cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở và bao trùm".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ đến Ấn Độ trong chuyến công du châu Á vào tuần tới, sau khi ghé qua Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các thách thức toàn cầu
Hai chủ đề quan trọng khác trong cuộc họp là biến đổi khí hậu và phương hướng đẩy lùi dịch Covid-19.
Trong tài liệu do Nhà Trắng công bố sau cuộc gặp, cả bốn nước đang xây dựng cách hợp tác để phân phối vaccine tại các nước đang phát triển, cũng như hợp tác trong các vấn đề kinh tế và môi trường.
Theo tiết lộ của một quan chức Nhật Bản, Washington đề xuất sử dụng vaccine sản xuất tại Ấn Độ để lấp đầy nhu cầu vaccine của các nước Đông Nam Á. Nhật Bản cũng đang thảo luận việc cung cấp các khoản vay để mở rộng dây chuyền sản xuất vaccine tại Ấn Độ.
Việc hợp tác "Bộ Tứ" dự kiến sẽ cung cấp thêm cho châu Á một tỷ liều vaccine vào cuối năm 2022.
Reuters nhận định việc này cũng nhằm đối trọng lại "ngoại giao vaccine" mà Trung Quốc đang triển khai trên diện rộng.
Một nhà sư Hindu giáo được tiêm vaccine hôm 8/3 ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
"Bộ Tứ" cũng sẽ thành lập các nhóm làm việc để thảo luận về tiêu chuẩn công nghệ.
"Các nhà lãnh đạo 'Bộ Tứ' nhận ra rằng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở, bao trùm và mạnh mẽ sẽ cần sự điều phối các công nghệ quan trọng và đang phát triển, vì các lợi ích và giá trị chung", bản ghi chú của Nhà Trắng viết.
Nhóm làm việc sẽ bao gồm các chuyên gia hỗ trợ việc phát triển tiêu chuẩn công nghệ, triển khai công nghệ viễn thông và đa dạng hóa nguồn cung thiết bị. Cả Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ đều là nạn nhân của loạt vụ tấn công mạng gần đây, một quan chức Mỹ cho biết.
"Các nước cũng rất quan tâm đến việc thiết lập tiêu chuẩn cho 5G và các công nghệ quan trọng trong thế kỷ 21", quan chức này nói thêm.
Tách rời khỏi Trung Quốc về mặt công nghệ là một trong những trọng tâm của cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Trong lúc xem xét các chính sách của chính quyền tiền nhiệm với các công ty Trung Quốc, chính quyền Biden tỏ rõ rằng họ sẽ đảm bảo việc mạng lưới viễn thông Mỹ không sửa dụng thiết bị từ "các nhà cung cấp không đáng tin, trong đó có Huawei".
Trong khi đó, vào tháng 1, Nhật Bản và Ấn Độ đã ký một bản ghi nhớ để tăng cường hợp tác thông tin và viễn thông, bao gồm 5G.
Các đại diện của Bộ Tứ đã họp mặt và đối thoại không thường xuyên từ năm 2007. Nhóm này sau đó "hồi sinh" nhờ vai trò lãnh đạo của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong nỗ lực hồi phục liên minh để đương đầu với quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Trong khi đó, nhà phân tích Bill Hayton lưu ý thêm rằng "Bộ Tứ" không phải một liên minh chính thức giống Khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên các nước thành viên không có nghĩa vụ nghiêm ngặt về việc bảo vệ lẫn nhau.