“20 năm làm học trò của thầy Tam Lang, rồi sau đó là trợ lý, tôi học được rất nhiều từ ông. Với học trò ông rất nghiêm khắc nhưng đặt niềm tin trọn vẹn và luôn muốn học trò tốt hơn. Tôi chưa thấy ai có tâm huyết, yêu nghề và đạo đức như ông. Tôi cũng như rất nhiều những anh em khác, luôn dành cho ông sự kính trọng đặc biệt”, cựu danh thủ Đặng Trần Chỉnh nói về người thầy lớn trong đời.
Những năm 80 thế kỷ trước, bóng đá tấn công lên ngôi với sự tỏa sáng rực rỡ của những tiền vệ tấn công mang áo số 10. Chiếc áo gắn với tên tuổi của Maradona, Zico, Platini…luôn là mơ ước với bất cứ cầu thủ nào, nhưng cũng mang đến nhiều áp lực cho những ai mặc nó.
HLV Phạm Huỳnh Tam Lang cùng như học trò xuất sắc của Cảng Sài Gòn trước đây. Đặng Trần Chỉnh (áo xanh, đứng giữa) bên cạnh 1 đồng đội xuất sắc khác Lư Đình Tuấn. |
Thời đó, Cảng Sài Gòn nổi tiếng với lối chơi tấn công đẹp mắt trở thành thương hiệu từ dưới thời HLV Nguyễn Thành Sự. Kể từ khi nắm đội năm 1981, Phạm Huỳnh Tam Lang kế thừa, phát huy lối chơi truyền thống của đội bóng. Ông rất tích cực tìm kiếm những tài năng trẻ từ lớp bóng đá của Trường Năng khiếu nghiệp vụ để đưa về rèn giũa.
Đặng Trần Chỉnh lúc đó là tài năng đặc biệt và nhanh chóng được HLV Tam Lang đưa về Cảng Sài Gòn năm 1983 khi mới tròn 20 tuổi. Ngay ở lễ ra mắt, Tam Lang đưa chiếc áo số 10 cho Đặng Trần Chỉnh với niềm tin rất lớn. Trước khi bắt đầu mùa giải mới, áo số 10 trống chủ khi tiền đạo Hồ Thanh Phi đi xuất khẩu lao động.
Với áp lực, sự kỳ vọng vào nó, không mấy ai cam đảm để nhận áo số 10. “Được thầy trao chiếc áo số 10, tôi cũng bất ngờ lắm nhưng cũng không do dự nhận lấy. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, nó cũng như những chiếc áo khác với lại mình còn trẻ không việc gì phải sợ”, HLV Đặng Trần Chỉnh cho biết về kỷ niệm đầu đời.
Ngay ở trận đầu tiên trong chiếc áo số 10, Đặng Trần Chỉnh đã ghi 2 bàn giúp Cảng Sài Gòn giành chiến thắng trước Công nhân Nghĩa Bình. Sự tin tưởng, con mắt tin tường của HLV Tam Lang đã giúp Cảng Sài Gòn có được 1 tiền vệ tài hoa, giúp đội đoạt vô số chiến công sau đó.
Như một định mệnh, chiếc áo này gần như chỉ gắn liền với tên tuổi của Đặng Trần Chỉnh. Ông mang nó từ năm 1983-1991 trước khi bị bỏ vì kỷ luật trong vụ 11 tuyển thủ quốc gia tự ý bỏ đội tuyển cũng như chấn thương ở đầu gối sau đó. Chiếc áo huyền thoại trống chủ trong suốt gần 10 năm sau đó.
“Trong 3 năm đầu tiên ở đội, tuyệt nhiên tôi không thấy thầy Tam Lang đụng đến 1 điếu thuốc hay giọt rượu nào. Nhưng sau khi đội lên ngôi vô địch quốc gia năm 1986, thầy uống rượu, thậm chí uống nhiều khi đội ăn mừng chức vô địch. Tôi hơi bất ngờ về việc này”, Đặng Trần Chỉnh nói về ấn tượng đầu tiên với Tam Lang.
Kể từ khi chia tay CSG năm 2003, HLV Tam Lang luôn đau đáu nghĩ về tương lai của đội bóng với mong muốn 1 ngày cái tên lẫy lừng này sẽ trở lại. |
Dẫn dắt đội từ năm 1981 sau khi tốt nghiệp lớp HLV tại CHDC Đức về, ông Phạm Huỳnh Tam Lang được đặt rất nhiều kỳ vọng khi dẫn dắt Cảng Sài Gòn. Thời đó, giải bóng đá A1 rất mạnh với những tên tuổi lẫy lừng trong Nam lẫn ngoài Bắc. Nhưng với sự tận tâm, tài năng cùng những học trò xuất sắc, HLV Tam Lang đã giúp Cảng Sài Gòn lên ngôi vua năm 1986. Chiến thắng đong đầy niềm vui, hạnh phúc vỡ òa khiến ông tạm quên đi những nguyên tắc cũ, chia vui cùng học trò.
Điềm tĩnh và nghiêm khắc, đó là 2 phẩm chất giúp HLV Tam Lang được học trò nể trọng. Ông rất ít khi la mắng hay nổi nóng với họ trong tập luyện cũng như thi đấu. Tuy nhiên, có 1 lần ông nổi điên với 1 cầu thủ Nhật Bản trong màu áo Cảng Sài Gòn khi thi đấu trên sân Hàng Đẫy năm 2002.
“Lúc đó do bất đồng ngôn ngữ cũng như việc ngoại binh kia thi đấu không thật tốt nên thầy Tam Lang phải thay ra. Ở đội, ai cũng nghe thầy răm rắp, ai có ý kiến có thể trao đổi thoải mái nhưng không được phản ứng thái quá trên sân. Thầy nổi nóng một phần vì anh ta có thái độ vùng vằng khi bị thay ra”, Đặng Trần Chỉnh kể lại.
Tính từ khi giải vô địch quốc gia được ra đời năm 1980, Cảng Sài Gòn đã 4 lần lên ngôi vua và đều dưới sự dẫn dắt của Phạm Huỳnh Tam Lang. Cho đến cuối đời, ông vẫn mong về 1 ngày cái tên Cảng Sài Gòn trở lại với bóng đá đỉnh cao. Chỉ tiếc rằng khi những mơ ước chưa thành, ông đã mãi mãi đi xa…