Cựu danh thủ Hồ Thanh Cang rất sốc trước sự ra đi của đồng đội một thời. Trong mắt ông, Tam Lang là 1 đội trưởng mẫu mực. Ảnh: Dư Hải/Thể thao TP.HCM. |
Cựu danh thủ Hồ Thanh Cang nói: "Sáng nay đọc tin biết anh mất, tôi rất bất ngờ. Vẫn biết anh Tam Lang bệnh tật nhiều năm nay, nhưng cách đây không lâu anh còn lên xem những đồng đội, học trò một thời của Cảng Sài Gòn, tôi thấy anh còn khỏe mạnh lắm. Anh Tam Lang là tượng đài của bóng đá Sài Gòn, là con người đạo đức nhưng ra đi sớm quá".
"Làm đồng đội của anh Tam Lang là may may mắn trong sự nghiệp của tôi. Anh có tài năng tuyệt vời và có đầy đủ những phẩm chất tốt nhất của một người đội trưởng. Trên sân anh giữ được sự điềm tĩnh hiếm có, trận đấu căng thẳng cỡ nào cũng không làm anh bối rối. Thời đó, tôi có một số trận đá hư banh, rất buồn bực. Sau trận, lúc nào anh cũng đến từng phòng để động viên, vực dậy tinh thần của đồng đội. Anh thi đấu, sống với anh em không ai có thể chê trách được gì".
Theo kế hoạch, trong chiều nay 2/6, lễ tẩn liệm ông Phạm Huỳnh Tam Lang sẽ diễn ra. Sau đó, thi thể tạm thời đặt tại Nhà tang lễ của bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày mai 3/6, thi thể sẽ chuyển về nhà tang lễ TPHCM và tổ chức lễ viếng ở đấy. Đến 7g sáng ngày 6/6 sẽ tiến hành lễ động quan và đưa ông về nơi an táng ở Đa Phước.
Các cầu thủ trong thế hệ vàng cũng tiếc nuối về người thầy đáng kính từng dẫn dắt họ trong những năm đầu bóng đá Việt Nam gặt hái thành công ở SEA Games. Danh thủ Hồng Sơn cho rằng sự nghiệp của thầy Phạm Huỳnh Tam Lang là tấm gương để tất cả thế hệ sau cùng noi theo và học tập.
HLV Mai Đức Chung từng gắn bó với HLV Phạm Huỳnh Tam Lang khi cả hai là những trợ lý HLV ăn ý ở đội tuyển quốc gia. Ngoài ra, ông từng có dịp đối đầu với trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang vào năm 1976 khi đội Tổng cục Đường sắt vào Nam thi đấu giao hữu.
HLV Mai Đức Chung hồi tưởng lại những ngày tháng đó: “Những năm tháng ấy, miền Bắc và miền Nam chưa thông thương như bây giờ nên chúng tôi hầu như không biết Phạm Huỳnh Tam Lang là ai cả. Vào trận, tôi chơi tiền đạo còn anh Tam Lang đá trung vệ, suốt trận đấu anh gây ấn tượng mạnh với tôi bởi sự fair-play cùng lối chơi rất điềm đạm, thông minh. Đấy là một sự khác biệt hoàn toàn so với những mẫu cứ trung vệ là phải chém đinh chặt sắt dạo đó”.
HLV Phạm Huỳnh Tam Lang chúc mừng HLV Mai Đức Chung sau khi dẫn dắt đội U22 Việt Nam giành Merdeka Cup 2008. |
Cựu tiền đạo của Đường sắt Việt Nam tiếp mạch hồi tưởng: “Sau trận tới bắt tay anh tôi cảm thấy rất khâm phục. Phải nói rằng phong cách chơi bóng đầu óc, không đá xấu của anh Phạm Huỳnh Tam Lang là rất hiếm có trên sân cỏ”.
Nhưng đáng tiếc, lần chạm trán đầu tiên của tiền đạo Mai Đức Chung với trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang cũng lại là lần cuối cùng họ đối đầu với nhau trên sân cỏ. Sau đó không bao lâu, cựu danh thủ của Cảng Sài Gòn giải nghệ nhưng mối lương duyên giữa 2 tượng đài bóng đá của 2 miền thì không dừng lại ở đó.
Quãng cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, HLV Phạm Huỳnh Tam Lang và HLV Mai Đức Chung có cơ hội sát cánh khi làm trợ lý cho HLV A.Riedl trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Trong thâm tâm, ông Chung luôn coi ông Tam Lang vừa là người anh vừa là người thầy:
“Anh Tam Lang hiền lắm. Anh hầu như không bao giờ chửi mắng học trò mà chủ yếu chỉ động viên họ thi đấu tốt. Với phong cách ấy, anh từng mang lại chức vô địch quốc gia cho Cảng Sài Gòn nên khi lên tuyển, anh áp dụng lại y nguyên cách dìu dắt cầu thủ của mình. Phong cách huấn luyện của anh đã có ảnh hưởng rất lớn tới tôi, trong cả sự nghiệp huấn luyện, tôi chưa bao giờ văng tục hay chửi mắng bất cứ cầu thủ nào, dù là CLB hay đội tuyển quốc gia, dù là đội tuyển nam hay đội tuyển nữ”.
“Nghe tin anh mất, tôi cảm thấy rụng rời. Vẫn biết ngày này sẽ đến vì khi nắm N.Sài Gòn, có dịp đến thăm anh nhiều, tôi đã cảm thấy sức khỏe của anh không tốt. Nhưng một cầu thủ có tài, một HLV có tâm, một người thầy có đức như vậy ra đi, trong lòng không sao tránh khỏi xốn xang. Giá như…”, giọng HLV Mai Đức Chung như nghẹn lại khi nhắc về cựu danh thủ Cảng Sài Gòn.
“Cầu chúc linh hồn anh an nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Chúng tôi, những người ở lại, luôn coi anh là tấm gương lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của mình”.
CĐV ruột của đội Cảng Sài Gòn trong hàng chục năm qua là Trần Hữu Nghĩa cũng bùi ngùi khi nghe tin dữ về HLV Phạm Huỳnh Tam Lang: "Ngoài đời, anh là con người đạo đức tuyệt vời, cư xử tuyệt vời, không ai có thể chê trách được".
"Anh Tam Lang qua đời là mất mát không thể bù đắp với bóng đá Việt Nam. Anh là một tượng đài thật sự của bóng đá nước nhà, 1 trong 2 người được vào đội hình tiêu biểu của châu Á. Trong suốt cuộc đời, anh đã cống hiến những gì tốt nhất cho bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá Sài Gòn nói riêng. Lối chơi của CSG dưới thời anh là dấu ấn không thể phai nhòa đối với những yêu bóng đá xưa như tôi", ông Trần Hữu Nghĩa tiếc nuối.
Với những người yêu bóng đá Sài Gòn như anh Trần Hữu Nghĩa, Phạm Huỳnh Tam Lang là cái tên gắn liền với thời huy hoàng nhất của bóng đá nơi đây. Ảnh: FBNV. |
Những kỷ vật của danh thủ Tam Lang:
Phạm Huỳnh Tam Lang là cầu thủ đầu tiên của BĐVN được bầu vào đội hình tiêu biểu châu Á sau chức vô địch Merdeka Cup năm 1966 với tư cách đội trưởng. Về sau ông dẫn dắt đội Cảng Sài Gòn 4 lần lên ngôi VĐQG. |
Trong căn nhà nhỏ của ông có rất nhiều kỷ vật bóng đá đáng giá được ông lưu giữ cẩn thận. |
Những phần thưởng, kỷ niệm chương, quà tặng từ LĐBĐ Việt Nam cũng như người hâm mộ hay bè bạn đều được giữ lại gần như vẹn nguyên. |
Bảng danh vị tôn vinh Phạm Huỳnh Tam Lang do những người yêu bóng đá Sài Gòn bầu chọn. |