Vợ danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang đã đưa ông vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu lúc 9h18 phút. Chị Hồng (vợ HLV Tam Lang) cho biết, sáng 2/6 trong khi vệ sinh cá nhân thì cựu danh thủ Tam Lang nói rằng cảm thấy khó chịu trong người, rất mệt. Nói xong không được bao lâu, ông qụy xuống đất. Ngay lập tức, người nhà đã gọi xe cấp cứu đưa ông vào bệnh viện Chợ Rẫy
Khi ấy, bác sĩ cho biết bệnh nhân đã mất trên đường đến bệnh viện. Ông mất vì đột quỵ. Tạm thời thi hài của HLV Phạm Huỳnh Tam Lang được bảo quản tại phòng lạnh của bệnh viện Chợ Rẫy, chờ gia đình bàn bạc để chọn ngày giờ khâm liệm và đặt nơi quàn.
Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang (giữa) nhận giải thưởng "Vinh danh Fair Play" 2012 của báo Pháp Luật TP.HCM. |
Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang đã chống chọi với nhiều bệnh tật trong một thời gian dài như bệnh thấp khớp, tim mạch. Ông sinh ngày 14/2/1942 tại Gò Công trong gia đình có đông anh em trai nhưng chỉ có ông theo nghiệp đá bóng. Ông trưởng thành từ bóng đá học đường và trở nên nổi tiếng với vị trí trung vệ trong màu áo trường Petrus Ký (nay là trường THPT Lê Hồng Phong).
Năm 1965, ông được gọi vào đội tuyển bóng đá miền nam VN. Tài năng và đức độ của ông đã thật sự chinh phục các thế hệ đàn anh cùng thời, và cũng chính vì lẽ đó mà ông được bầu làm thủ quân đội tuyển miền nam VN đoạt chức vô địch giải bóng đá Merdeka vào năm 1966 tại Malaysia. Ông cũng là cầu thủ VN đầu tiên được chọn vào đội hình Các ngôi sao châu Á năm 1967.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông khoác áo Cảng Sài Gòn (từ năm 1975). Chơi được vài năm thì ông giải nghệ và theo học các lớp HLV từ thấp đến cao trước lúc đi tu nghiệp bóng đá tại CHDC Đức vào đầu thập niên 80 (cùng học với HLV Lưu Mộng Hùng và Trần Minh Đức).
Trở về nước, ông đảm nhiệm cương vị HLV trưởng đội Cảng Sài Gòn, một đội bóng nổi tiếng với lối đá kỹ thuật nhỏ nhuyễn, chinh phục trọn vẹn tình cảm của người hâm mộ từ Bắc chí Nam. Dưới sự dẫn dắt của ông, Cảng Sài Gòn đoạt chức quốc gia vào năm 1986, 1993, 1994 và 2002. Sau chức vô địch quốc gia 2002, Cảng Sài Gòn rớt hạng. HLV Tam Lang góp công đưa CLB này đoạt chức vô địch Giải hạng nhất vào năm 2003 để quay trở lại hạng chuyên nghiệp rồi tuyên bố giải nghệ.
Với những đóng góp xuất sắc cho bóng đá thành phố, ông được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam thuở còn dẫn dắt Cảng Sài Gòn.