Cựu Tổng thống Moon Jae In và người kế nhiệm ông, Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk Yeol, đều là những người yêu chó. Tuy nhiên, điểm chung này không giúp hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc xử lý được bất hòa quanh số phận hai con chó là món quà từ nước láng giềng Triều Tiên.
Tranh cãi về cặp chó quà tặng chỉ là phần nổi của mối bất hòa sâu xa hơn giữa cựu Tổng thống Moon và chính phủ Tổng thống Yoon, đồng thời là một ví dụ điển hình của những xung đột chính trị vốn đã là truyền thống tại Hàn Quốc, theo New York Times.
Cặp chó Pungsan khi còn được chăm sóc ở phủ tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Nạn nhân bất đắc dĩ
Năm 2018, nhân chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Moon Jae In, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tặng vợ chồng ông Moon một cặp chó Pungsan.
Cặp chó có bộ lông trắng như tuyết đại diện cho niềm tin về sự hòa hợp mới giữa hai miền tại thời điểm Seoul và Bình Nhưỡng xích lại gần nhau, mở ra những hy vọng cho viễn cảnh giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân và chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Từ khi rời Triều Tiên, hai con chó được vợ chồng ông Moon chăm sóc. Chúng được đặt tên là Gomi và Songgang.
Tháng 11 vừa qua, ông Moon đã phải từ bỏ quyền chăm sóc hai con chó và đưa chúng vào một vườn thú. Cựu tổng thống nói chính phủ hiện tại không đồng ý để ông giữ cặp chó, theo Korea Times.
Văn phòng Tổng thống Yoon bác bỏ thông tin mà người tiền nhiệm đưa ra. Nhà Xanh cho biết cặp chó là quà tặng chính thức của Triều Tiên, vì thế là tài sản của chính phủ Hàn Quốc. Seoul cho biết vẫn đang tiếp tục các cuộc thảo luận để quyết định số phận của đôi chó này.
Cựu Tổng thống Moon Jae In và con chó Gomi. Ảnh: New York Times. |
Bởi các bên không thống nhất về phương án xử lý, hai con chó đã được đưa tới ở tạm tại bệnh viện thú y. Cuối cùng, chúng được đưa tới chăm sóc tại vườn thú ở thành phố Gwangju.
Theo quy định của pháp luật, quà tặng dành cho tổng thống thuộc sở hữu của nhà nước. Nhưng Cơ quan Lưu trữ tổng thống, nơi quản lý các quà tặng, không có cơ sở vật chất để nuôi hai con chó mà Triều Tiên tặng ông Moon.
Khi mới đắc cử, ông Yoon từng phát đi tín hiệu ủng hộ người tiền nhiệm tiếp tục nuôi dưỡi cặp chó.
Trong ngày cuối nhiệm kỳ của ông Moon, Cơ quan Lưu trữ tổng thống bàn giao không chính thức cặp chó cho ông. Nhưng sau đó, không có thêm bất cứ giao thiệp nào để hoàn tất thủ tục pháp lý việc chuyển giao hai con chó cho cựu tổng thống và xử lý các vướng mắc khác.
"Nhà Xanh dường như không muốn bàn giao cặp chó Pungsan. Nếu sự thật là như thế thì chúng tôi cũng đành chấp nhận", văn phòng cựu Tổng thống Moon viết trên Facebook hồi tháng trước.
Hai con chó phải tạm trú tại bệnh viện thú y cho đến khi nhà chức trách hoàn tất thủ tục bàn giao chúng cho vườn thú ở Gwangju.
"Gomi và Songgang là biểu tượng của hòa bình, hòa giải và hợp tác liên Triều. Chúng tôi sẽ nuôi dưỡng chúng thật tốt, giống như cách chúng ta vun vén cho hạt mầm của nền hòa bình", Thị trưởng Gwangju Kang Gijung cho biết.
Truyền thống không êm đẹp
Những lùm xùm quanh câu chuyện của hai chú chó Pungsan chỉ là một phần nhỏ trong mối bất hòa giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol với người tiền nhiệm Moon Jae In.
Sau mỗi kỳ bầu cử, chính quyền mới thường cố gắng củng cố vị thế và uy tín của mình bằng cách làm mờ đi di sản của chính phủ tiền nhiệm. Cách phổ biến nhất là mở cuộc điều tra hình sự nhắm vào các sai phạm của quan chức chính quyền trước.
Trong 4 tổng thống từng nắm quyền trước ông Yoon, 2 người phải ngồi tù vì tham nhũng gồm Lee Myung Bak và Park Geun Hye. Một người khác là Roh Moo Hyun tự sát khi đang bị điều tra cáo buộc tham nhũng. Cả 3 người này bị điều tra sau khi rời nhiệm sở, trở thành mục tiêu công kích khi các đối thủ chính trị của họ trỗi dậy.
Từ khi nắm quyền, ông Yoon đã nhiều lần khẳng định sẽ điều tra các sai phạm của chính quyền người tiền nhiệm. Cựu Tổng thống Moon Jae In và đảng Dân chủ đối lập cáo buộc Tổng thống Yoon dùng chiến thuật "trả đũa chính trị" để khiến cử tri quên đi tỷ lệ ủng hộ thấp của chính quyền hiện tại.
Điều khác biệt trong diễn biến hiện nay so với những tiền lệ quá khứ là hai ông Moon và Yoon từng là đồng minh thân cận trong nỗ lực truy tố các cựu Tổng thống Lee Myung Bak và Park Geun Hye.
Ông Moon và ông Yoon đang có quan hệ không êm ả. Ảnh: Korea Herald. |
Trong phát biểu đưa ra tuần trước, người phát ngôn của đảng Dân chủ Kim Eui Kyeom đã chỉ trích gay gắt các công tố viên liên quan.
"Tổng thống Yoon phải dừng ngay các cuộc điều tra để củng cố vị thế chính trị", ông Kim nói.
Theo AP, cơ quan công tố Hàn Quốc đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook và cựu Cố vấn an ninh quốc gia Park Jie Won với cá cáo buộc hình sự. Đây là hai quan chức hàng đầu dưới thời ông Moon Jae In.
Tuần trước, đến lượt cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Suh Hoon bị bắt với cáo buộc che đậy thông tin một vụ việc liên quan tới Triều Tiên. Cơ quan công tố cũng truy tố các trợ lý của tân lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae Myung với cáo buộc gây quỹ trái phép.
"Tôi thành thực hy vọng họ không kéo Cơ quan tình báo quốc gia vào vấn đề chính trị", ông Park Jie Won nói trước khi bị phỏng vấn hôm 7/12.
Khi còn nắm quyền, cựu Tổng thống Moon Jae In từng tin tưởng ông Yoon Suk Yeol đủ để bổ nhiệm ông làm giám đốc Cơ quan Công tố quốc gia. Quan hệ giữa hai bên rạn nứt khi ông Moon tìm cách hạn chế quyền lực của cơ quan công tố vốn từ lâu bị cáo buộc can dự quá nhiều vào nền chính trị quốc gia.
Tháng 3/2021, ông Yoon từ chức khỏi chính phủ của đồng minh cũ. Chỉ một năm sau, ông đánh bại ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử với chênh lệch suýt soát và trở thành tổng thống.
Nhưng từ khi nắm quyền, chính phủ của ông Yoon liên tiếp vướng vào các bê bối về bổ nhiệm nhân sự. Sau sự kiện đêm Halloween ở Itaewon làm hơn 150 người chết, tỷ lệ ủng hộ của ông Yoon đã rơi xuống mức 30%.
Cuộc điều tra ồn ào
Nhà Xanh bác bỏ cáo buộc cho rằng các cuộc điều tra nhắm vào thành viên nội các của chính phủ tiền nhiệm vì động cơ chính trị. Văn phòng Tổng thống Yoon nói điều tra chính phủ của cựu Tổng thống Moon Jae In nhằm bảo vệ các quyền con người và chủ quyền quốc gia.
Các cuộc điều tra hiện nay khởi nguồn từ vụ một quan chức nông nghiệp Hàn Quốc, tên Lee Jae Joon, mất tích năm 2020, sau đó thuyền của người này được Triều Tiên tìm thấy trên vùng biển phía Bắc vĩ tuyến 38. Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng sát hại quan chức nói trên.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook đang bị điều tra. Ảnh: AP. |
Bộ Quốc phòng cũng như tuần duyên Hàn Quốc khi đó cho biết ông Lee thiệt mạng khi đang tìm cách đào tẩu tới miền Bắc.
Nhưng sau khi Tổng thống Yoon lên nắm quyền, hai cơ quan này đồng loạt đảo ngược tuyên bố trước đó, nói rằng chưa có đủ bằng chứng để coi ông Lee là người đào tẩu.
Cơ quan công tố cho biết các quan chức liên quan làm giả tài liệu và phá hủy một số báo cáo tình báo để biến ông Lee thành người đào tẩu, qua đó giảm thiểu phản ứng của công luận, tạo thuận lợi cho quan hệ liên Triều.
Hàn gắn quan hệ với Triều Tiên là một trong các chính sách dấu ấn của ông Moon Jae In, trong khi người kế nhiệm Yoon Suk Yeol theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.
Các cựu quan chức chính quyền ông Moon bác bỏ cáo buộc làm giả tài liệu. Cựu Tổng thống Moon Jae In tuyên bố chính quyền của ông đã làm tất cả những gì có thể để xác minh vụ việc dựa trên những thông tin hiện có.
"Sau khi thay đổi chính phủ, các cơ quan liên quan đảo ngược quyết định của chính họ dù thông tin và dữ liệu vẫn như vậy", ông Moon tuyên bố hồi đầu tháng 12.
Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
“Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.