Bức bình phong khắc họa chân dung 4 trí thức Pháp gắn cuộc đời với Việt Nam cùng những công trình mang dấu ấn của họ. |
Trong cuộc hội kiến vào sáng 6/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Tổng thống Francois Hollande món quà mang tên "Dấu ấn thời gian".
Món quà là một bức bình phong 4 cánh bằng chất liệu gỗ sơn mài. Mặt trên mỗi cánh lần lượt khắc họa chân dung 4 trí thức Pháp đã dành cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam, gồm có Alexandre Yersin, Victor Tardieu, Madeleine Colani và Raymond Aubrac.
Bên cạnh mỗi bức chân dung là những công trình kiến trúc Pháp cổ liên quan đến những cống hiến của họ mà ngày nay đã trở thành những di sản văn hóa đã và đang được Việt Nam gìn giữ.
Mặt sau của tặng phẩm "Dấu ấn thời gian". |
Bức bình phong "Dấu ấn thời gian" được thực hiện dưới sự cố vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc, thiết kế và vẽ tay bởi nghệ sĩ người Pháp Elizabeth de Roquefeuil. Tặng phẩm độc bản này có kích thước 80 x 38 (cm), được những nghệ nhân sơn mài giỏi nhất Việt Nam làm hoàn toàn thủ công trong gần 3 tháng.
Bức bình phong bốn cánh được viền bằng chất liệu vàng cao cấp nhất trên thế giới mà những thương hiệu xa xỉ thường sử dụng. Đại diện đơn vị chế tác Hanoia cho biết: "Chúng tôi tuyển chọn những người thợ đến từ 2 thủ phủ sơn mài Việt Nam là Hạ Thái và Tương Bình Hiệp để thực hiện tác phẩm này. Sản phẩm trải qua 25 công đoạn thao tác khắt khe và tỉ mỉ, được phủ 17 lớp sơn với kỹ thuật kết tinh từ sơn mài truyền thống".
Món quà là sự kết tinh những tinh hoa của nghệ thuật thủ công Việt Nam. |
Tấm khăn bọc bức bình phong cũng được làm thủ công một cách tinh tế. Mặt ngoài tấm khăn là lớp thổ cẩm cổ của người Thái ở Nghệ An, được dệt bằng sợi và tơ với những hoa văn đặc sắc. Mặt khăn tiếp giáp với lớp sơn mài là lãnh Mỹ A. Đây là loại lụa cổ của xứ lụa Tân Châu (An Giang), được dệt từ tơ tằm hảo hạng, nhuộm hàng trăm lần nhựa trái mặc nưa trong gần nửa năm, làm nên mặt lụa trơn láng, có sắc đen huyền kỳ ảo.
Những người Pháp gắn bó với Việt Nam
Alexandre Yersin (1863 - 1943) là bác sĩ, nhà vi trùng học với nhiều đóng góp, đã dành trọn cuộc đời gắn bó với Việt Nam. Ông là hiệu trưởng trường Đại học Y khoa đầu tiên ở Đông Dương. Ông cũng là người phát hiện ra cao nguyên Langbiang tại Lâm Đồng.
Bên cạnh Alexandre Yersin là hình ảnh Trường Y khoa Đông Dương. Thành lập năm 1902, ngôi trường sau đó chuyển tới tòa nhà số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Đây là một trong ba công trình lớn mang phong cách Đông Dương tiêu biểu của thủ đô vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Nhân vật thứ hai là Madeleine Colani, nhà khảo cổ học đã dành trọn cuộc đời để nghiên cứu về thời tiền sử Việt Nam. Bà là người đã phát kiến ra thuật ngữ “văn hóa Hòa bình” như một giai đoạn của tiến trình lịch sử nhân loại.
Bên cạnh hình ảnh bà là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp C. Batteur và E. Hébrard, công trình này được coi là một đại diện lớn của phong cách kiến trúc Đông Dương, kết hợp các giá trị của kiến trúc Pháp với văn hóa bản địa.
Tiếp theo là Victor Tardieu, họa sĩ sáng lập ra Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội vào năm 1927. Ông đã góp phần đào tạo nên những thế hệ nghệ sĩ tạo hình đầu tiên của Việt Nam cùng với trường phái hội họa Đông Dương.
Bên cạnh chân dung ông là Nhà hát lớn Hà Nội, công trình kiến trúc lớn với những giá trị kiệt xuất về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và mỹ thuật. Mô phỏng hình dáng nhà hát opera Garnier nổi tiếng ở Paris, nơi đây đã chứng kiến những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam với nghệ thuật âm nhạc và sân khấu phương Tây.
Chân dung cuối cùng được khắc họa là Raymond Aubrac, một trí thức chống phát xít. Ông là người bạn thân thiết và là người trợ giúp đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở những cuộc thương lượng hòa bình trong lịch sử hiện đại Việt Nam.
Khắc họa cạnh ông là hình ảnh cầu Long Biên, cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng do hãng Daydé & Pillé của Pháp thiết kế. Với kiểu dáng độc đáo, đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương vào thời điểm xây dựng. Cầu Long Biên kiên cường trụ vững qua hai cuộc chiến tranh, là chứng nhân vô giá của lịch sử Việt Nam.